“Thôi đi ra, để mẹ làm cho nhanh”, 90% các bà mẹ mắc sai lầm này
Muốn con mặc áo nhanh hơn một chút, khó chịu khi thấy con xếp sách vở không được ngay ngắn và chậm chạp… Thế là các bậc bố mẹ liền thúc giục, quở mắng, thậm chí “thôi, đi ra, để đó mẹ làm cho nhanh”. Nhưng như vậy lại càng tệ hơn.
Cuối tuần, cha đưa Mai Linh đi leo núi, cả 2 cha con cùng bắt đầu chuẩn bị. Đến lúc cha đã chuẩn bị xong xuôi thì thấy bé Linh vẫn còn đang buộc dây giày. Cha liền lại xem lại coi đã mang đủ đồ dùng cần thiết chưa, sau khi kiểm tra 3, 4 lần rồi lại thấy bé Linh vẫn đang từ từ tìm mũ leo núi của mình. Việc này khiến người cha rất sốt ruột.
Vài phút sau, bé Linh cuối cùng cũng chuẩn bị xong. Nhưng về phần ông bố, ông là một người rất vội vã và chiều chuộng con gái, muốn thúc giục nhưng lại cố nhịn, có thể thấy lúc ấy ông khó chịu như thế nào.
Tính lề mề dường như là tình trạng chung của mỗi đứa trẻ, các bà mẹ một khi bàn luận về đề tài này thì sẽ nói mãi không dứt. Một người mẹ từng tâm sự với mẹ bé Linh rằng, mỗi sáng trước khi đến trường mẫu giáo con gái đều nằm ỳ trên giường, không gọi đến 4 – 5 lần thì ư rằng sẽ không chịu dậy. Khó khăn lắm mới dựng dậy được, đến lúc mặc quần áo cũng phải mất hơn 10 phút. Theo cách nói của người mẹ này thì chính là “lề mề quá không chịu được”!
Thế nhưng, các bà mẹ có từng nghĩ vì sao con lại chậm chạp như vậy không? Tại sao bị chúng ta quở trách mà bọn trẻ vẫn giữ nguyên “tốc độ nhanh như rùa” thế này? Tính lề mề của con cái không chỉ là một thói quen xấu, chúng ta cần phải tìm hiểu sâu vào nguyên nhân thực sự khiến bọn trẻ chậm chạp.
“Dù sao có người làm thay mình rồi, mình cứ mặc kệ khỏi làm gì cả”
Mẹ cứ việc gì cũng xử lý, làm thay con sẽ khiến chúng dễ hình thành suy nghĩ “Dù sao có người làm thay mình rồi, mình cứ mặc kệ khỏi làm gì cả”.
Ngày này, có rất nhiều đứa trẻ là con một, cả nhà trên dưới đều vây quanh chúng, không muốn chúng mệt dù chỉ một chút, chuyện gì cũng sẵn lòng làm thay con. Còn có một tình huống, chính là cha mẹ thấy con mình làm viêc gì đó không đúng hay không tốt là liền sốt ruột làm thay con.
Trước tình trạng như vậy, con trẻ tự nhiên sẽ cho rằng: “Dù sao mẹ đều làm giúp mình hết rồi, mình cũng không cần lo gì nữa”.
Mỗi sáng, mẹ đều giúp Bin từ đánh răng, rửa mặt đến mặc quần áo, kiểm tra cặp sách, đi giày. Nói chung là Bin không cần quan tâm, càng không cần phải làm gì cả. Có một ngày mẹ đi công tác, chỉ còn lại ba và Bin ở nhà. Ba đi làm đến khuya mới về, sáng sớm không thức dậy nổi, Bin đành phải tự mình chuẩn bị mọi thứ, nhưng cậu đâu biết làm gì? Hết mặc lộn tay áo, đến cột dây giày không được, lề mề cả buổi. Kết quả, hôm đó Bin đi học trễ.
Vì vậy các bà mẹ nên suy nghĩ lại một chút, nếu như vẫn tiếp tục như vậy, con trẻ không chỉ chậm chạp lề mề, mà sự phát triển năng lực cá nhân của chúng cũng sẽ bị hạn chế.
“Con cũng muốn nhanh hơn!” – Bọn trẻ cũng sốt ruột, nhưng mà nhanh không nổi
Có nhiều đứa trẻ cũng muốn nhanh chóng làm xong việc, trong lòng chúng cũng vô cùng sốt ruột, nhưng tay chân và não bô phối hợp không linh hoạt, muốn nhanh cũng nhanh không nổi. Nếu lúc này chúng ta thúc giục, trách cứ bọn trẻ thì sẽ chỉ làm chúng trở nên càng luống cuống hơn. Thế nhưng sự sốt ruột này cũng chẳng hề khiến bọn trẻ nhanh hơn, mà chỉ càng khiến chúng luống cuống tay chân, từ đó hình thành nên tính chậm chạp.
Sở dĩ trẻ em trở nên như vậy là do nhiều nguyên nhân. Có lẽ là bởi vì cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, năng lực bản thân còn đang nâng cao, cho nên mới dẫn đến tình trạng lực bất tòng tâm; cũng có thể do không có lòng tin với bản thân; hay có thể là ảnh hưởng từ hoàn cảnh lớn lên, ví dụ trước kia sống với ông bà, tiết tấu sinh hoạt khá chậm, sau đó lại sống với cha mẹ tiết tấu sinh hoạt liền trở nên nhanh, cho nên không theo kịp.
Người lớn không đủ kiên nhẫn với tốc độ làm việc của con trẻ
Mỗi người đều có tốc độ làm việc riêng, trẻ con cũng tương tự, chúng cũng có tốc độ làm việc theo tuổi của mình. Chúng ta có khi còn phàn nàn người trưởng thành làm việc quá chậm, theo không kịp tốc độ của mình, huống chi là trẻ em?
Có một lần, cả nhà tiến hành tổng vệ sinh. Mẹ phụ trách phòng khách và phòng ngủ lớn, còn cha quét dọn phòng bếp và toilet, Mai Linh thì sửa sang lại phòng ngủ nhỏ của mình. Đến giữa trưa đúng giờ cơm, mẹ và cha cũng đã hoàn thành mọi việc, thế nhưng gian phòng của bé Linh vẫn hỗn loạn bừa bộn.
Tiếp tục như vậy hết một ngày cũng thu dọn không xong, mẹ không nhịn nổi, nói: “Mai Linh, làm việc nhanh nhẹn một chút được không? Mang thứ đó dẹp vào tủ chén, thu xếp lại giường chiếu, lau bàn nữa là được rồi”.
Tuy nhiên Mai Linh lại nói: “Con muốn sắp xếp gọn gàng mọi thứ, dọn đồ chơi vào hộp, bày sách lên kệ, như vậy không phải càng sạch sẽ hơn sao?”.
Sau khi nghe xong, người mẹ cảm thấy rất xấu hổ, người lớn chúng ta trải qua rất nhiều lần dọn dẹp, đã quen tay làm nhanh. Chúng ta không thể áp đặt tốc độ làm việc của mình với con trẻ, chúng cũng có tốc độ làm việc của riêng mình, như vậy thì mới có thể độc lập tự chủ xử lý vấn đề.
“Con không nhanh! Cứ không nhanh đó”. Trẻ cố ý lề mề để chống đối cha mẹ
Bởi vì không hiểu rõ ý nghĩ và cảm nhận trong lòng trẻ, cho nên cha mẹ thường xuyên thúc giục. Cũng bởi vì không hiểu, nên lời thúc giục của cha mẹ càng có thể trở thành lời quở mắng trong mắt trẻ. Dưới áp lực của cha mẹ, cảm giác sợ hãi này rất có thể khiến trẻ sinh ra tâm lý phản kháng. Chúng sẽ cố ý lề mề để chống đối lại lời thúc giục của cha mẹ.
Đôi lúc, trẻ em sẽ cố tình lề mề để bày tỏ sự từ chối. Có gia đình vô cùng nghiêm khắc, con cái không dám trực tiếp phản đối mệnh lệnh của cha mẹ, khi chúng không bằng lòng làm, vậy là cố làm rất chậm chạp. Chúng nghĩ rằng: Có lẽ cha mẹ thấy mình làm không tốt sẽ không kêu làm nữa. Cho nên, đôi khi, trẻ em lề mề là đang ám chỉ cho bạn biết “nỗi lòng” của chúng rằng: Con không muốn làm việc này.
Có thể thấy được, sự chậm chạp của trẻ em nguyên do rất lớn là ở người lớn chúng ta. Vậy nên, để đối phó với tính lề mề của con cái, cha mẹ không nên thúc giục và quở trách như vậy, mà hãy tìm nguyên nhân từ bản thân, tìm ra phương pháp giải quyết:
1. Nhất định phải kiên nhẫn
Kiên nhẫn ở đây bao gồm 2 phương diện: Một mặt là chúng ta hãy kiên nhẫn với con trẻ, phải từ từ dạy cho chúng học được cách làm tất cả mọi viêc; một phương diện khác chính là chúng ta cấn phải kiên nhẫn với chính mình, có thể kiềm chế mình không hỗ trợ con.
Làm việc và học tập chính là một quá trình phát triển, không phải một lần là xong, trẻ em không có khả năng thoáng cái đều học được hết, cũng không thể lập tức liền làm việc thông thạo. Chúng ta cần phải kiên nhẫn, dạy bọn trẻ nhiều lần để chúng “trăm hay không bằng tay quen”. Con cái từ từ học xong, thì dĩ nhiên là sẽ không chậm chạp nữa.
2. Tôn trọng ý kiến của trẻ
Phần lớn, chúng ta đều quen áp đặt tiêu chuẩn của người trưởng thành lên con cái rồi thúc giục chúng. Kỳ thực trẻ cũng có suy nghĩ và ý kiến của riêng mình. Chúng ta cho rằng quyết định của mình là vì tốt cho con, tuy nhiên đối với bọn trẻ thì không hẳn là như vậy.
Cho nên chúng ta đừng ngại cho con cái quyền lợi nói chuyện, để nghe được cảm nhận và ý nguyện của chúng. Nếu như vượt quá phạm vi năng lực và khả năng tiếp nhận của trẻ, người lớn cần phải giảm kỳ vọng hoặc mục tiêu sao cho phù hợp với trẻ.
3. Cho phép trẻ tự sắp xếp thời gian của mình
Chúng ta nên đặt niềm tin vào trẻ, phải tin tưởng chúng có thể làm tốt. Cho nên, người lớn phải biết buông tay ra, thả lỏng tư tưởng, để trẻ tự sắp xếp thời gian cho mình, ví dụ như: mặc quần áo trong mấy phút, rửa mặt đánh răng trong bao lâu. Bởi vì chúng ta càng kiểm soát chặt chẽ thời gian với trẻ, thì khái niệm thời gian của chúng càng mờ nhạt.
Đến khi trẻ có thể tự quản lý tốt thời gian, có thể trong một thời gian nhất định sẽ hoàn thành công việc, đến lúc ấy chúng ta đâu cần phải thúc chúng nữa. Không chừng lúc đó chúng còn làm nhanh hơn cả chúng ta!
Iris, dịch từ kannewyork.com