Thiện ác hữu báo! Những kiểu người nào mà Địa Ngục không dám lưu giữ?
Làm chuyện xấu và làm chuyện tốt đối với mỗi cá nhân đều là cuốn sổ ghi chép của đời người. Vậy nên quả thiện hay quả ác đều là dựa vào những ghi chép ấy mà có báo ứng, không chút sai lệch.
Nền văn hóa Á Đông trải dài 5000 năm là một nền văn hóa Thần truyền. Có rất nhiều điển cố được ghi chép lại trong các thư tịch cổ cho chúng ta biết rằng: Khởi một niệm thiện sẽ nhận được thiện báo, khởi một niệm ác sẽ nhận lấy ác báo, bỏ ác hành thiện sẽ được phúc báo.
Trong đó cũng kể nhiều câu chuyện về những người mà đến cả địa ngục cũng không dám lưu giữ. Vậy người như thế nào thì địa ngục không dám lưu?
Người tích đại đức sẽ được làm Thiên nhân
Có một vị đại quan sau khi chết xuống địa phủ, Diêm Vương đối xử với ông ta chẳng hề tôn kính. Trong khi đó, Diêm Vương lại vô cùng kính trọng một người phụ nữ nông dân, vừa chắp tay vừa chào đón vui vẻ, còn ban cả ghế ngồi. Vị đại quan này thắc mắc liền hỏi Diêm Vương nguyên do. Diêm Vương nói rằng:
“Bà ấy mặc dù không biết chữ, nhưng trên trần gian lại làm người trung hậu, cần cù chăm chỉ làm việc, giữ gìn khuôn phép, tích được đại đức, vì thế sẽ được lên Trời hưởng phúc. Hiện giờ đang đợi người trên Thiên Thượng đến tiếp đón”.
Vị đại quan này đã làm rất nhiều việc ác, nghĩ rằng có thể che giấu được; nhưng khi ở trước mặt Diêm Vương, mọi việc xấu ông ta đã từng làm đều hiển hiện rõ ràng trước mặt. Cuối cùng, ông phải cúi đầu nhận tội, bằng lòng tiếp nhận mọi hình phạt dưới địa ngục.
Đảm nhận sứ mệnh chết đi sống lại để khuyên răn người đời
Hoàng Đại Ngôn người Phổ Thành sống nhờ trong quân Quảng Đức (thuộc Giang Nam đông lộ, quản lý xây dựng tại Khang Phủ). Ngày 4/11 năm Thiệu Hưng thứ 27 (năm 1157), Hoàng Đại Ngôn bệnh nặng lâu ngày dẫn đến tim ngừng đập, hôn mê sâu. Lúc này, ông nghe được tiếng của một đồng tử mặc đồ màu vàng kim gọi ông đi ra ngoài.
Hai người cùng nhau đi trên một con đường lớn, hai bên đường đều là những cây liễu xanh lá rủ xuống mặt hồ nước thanh tịnh. Mặc dù thời tiết lúc này đang là mùa đông, nhưng ông lại có thể nhìn thấy cảnh vật xung quanh nơi này là giữa mùa hè, hoa sen nở rộ. Càng khó hiểu hơn là đi hơn cả mười dặm đường rồi mà xung quanh không thấy một ai.
Hoàng Đại Ngôn nhìn thấy xa xa thấp thoáng cung điện lầu gác nguy nga, cảnh tượng vô cùng huy hoàng tráng lệ. Khi đó, đồng tử mặc đồ màu vàng kim dẫn Hoàng Đại Ngôn tiến vào cổng lớn, ông nhìn thấy hàng vạn người đang đứng bên dưới điện phủ. Nhìn lên trên đại điện, có bốn người đầu đội mũ quan, mặc áo bào màu vàng kim, ngồi ở 4 vị trí khác nhau. Lúc này, một viên thư lại mặc áo tím hỏi Hoàng Đại Ngôn: “Khi còn sống ông đã từng làm những việc thiện nào?”
Hoàng Đại Ngôn trả lời: “Những năm trước trải qua thời kỳ chiến tranh loạn lạc, tôi đã từng bị hai tên cướp cướp đoạt của cải tiền bạc, nhưng không lâu sau bọn chúng liền bị bắt. Người trong làng muốn giết chúng nhưng tâm tôi cảm thấy họ thật đáng thương, nên đã dùng hai vạn tiền chuộc tội chết cho họ”.
Sau đó, ông còn kể rằng mình cả đời này không sát sinh, hàng ngày tụng niệm kinh Phật, tu sửa và điêu khắc tượng Thần. Viên thư lại áo tím dẫn ông đến đứng dưới một cái gương lớn, những việc làm của ông khi còn sống đều được chiếu rọi lên mặt gương, cho thấy ông không có oan gia nợ nần nào.
Quan Tổng Quản Ty hạ lệnh thả Hoàng Đại Ngôn trở về. Phó quan Vương Tuần ân cần căn dặn Hoàng Đại Ngôn:
“Lần này ông được trở về nhân gian, ông nhất định hãy khuyên bảo người ở nhân gian nên tu thiện tích đức, tôn kính Thiên Địa, hiếu thảo cha mẹ. Không được giết hại sinh linh, không được tham lam chiếm đoạt của cải vật chất không thuộc về mình. Không được ham mê nữ sắc, không được mang tâm ghen ghét đố kỵ với người khác, không được gièm pha nói xấu những điều thiện lương, không được làm tổn hại người khác.
Một khi tạo nên nghiệp ác sẽ luôn phải mang theo, hết mệnh lìa đời sẽ phải rơi vào địa ngục. Đến khi chịu hết mọi hình phạt cho tội lỗi gây ra mới có thể chuyển sinh vào cõi súc sinh ngạ quỷ đói khổ. Nên mới nói, trong kinh Phật có hàng trăm điều khuyên răn con người phải luôn làm việc thiện, tránh làm điều ác, đều không phải là hư giả”.
Tại Tổng Quản Ty, Hoàng Đại Ngôn gặp lại rất nhiều người thân quen, họ chúc mừng ông và muốn nhờ ông nói với con cháu họ hãy làm nhiều việc thiện tích công đức. Hoàng Đại Ngôn chấp nhận những lời chúc mừng và dặn dò của họ rồi đi theo đồng tử áo vàng kim trở về.
Trên đường trở về, Hoàng Đại Ngôn đi ngang qua một khe núi và ngửi thấy một mùi hôi khó ngửi gần đó xông lên. Đồng tử dẫn đường nói: “Người nhân gian đem cơm thừa, rượu thừa, trà dư nhét vào trong khe núi này, Thần Thổ Địa đều sẽ cất giữ cho họ. Đợi đến khi họ hết mạng sẽ lấy cho họ ăn”.
Đồng tử dẫn Hoàng Đại Ngôn đi tiếp mấy dặm đường, đi đến chỗ Vương phủ. Đại Vương căn dặn: “Khi trở về nhân gian, ông sẽ được sống thêm năm năm nữa, ông nhất định phải đem những lời ta căn dặn mà truyền ra cho con người trần thế. Người hành thiện sẽ chuyển sinh chốn nhân gian, được hưởng hạnh phúc yên vui. Người làm ác thì muôn đời sẽ rơi vào địa ngục, vĩnh viễn phải chịu mọi đau khổ dày vò ở địa ngục Vô gián. Ta mong muốn người người phải nghe đến và truyền nhau những câu này”.
Vừa dứt lời, đồng tử áo xanh bước đến dẫn Hoàng Đại Ngôn đi ra cửa Trường Xuân, lúc này ông lại lần nữa nhìn thấy hoa sen như ban đầu khi đến đây.
Lúc qua cầu, ông vô ý trượt chân rơi xuống và bừng tỉnh trở về dương gian, nhằm ngày mùng tám, ông đã hôn mê trong bốn ngày. Năm đó, Hoàng Đại Ngôn 85 tuổi.
Trên trời có thế giới Thiên quốc, dưới mặt đất có tồn tại địa ngục, chỉ là đôi mắt thịt của con người không nhìn thấy. Người trên trần thế cả đời làm việc thiện tích đại đức, sau khi chết có thể làm người cõi Trời và hưởng phúc phận, con cháu sau này sẽ nhận được rất nhiều phúc báo. Nếu như người thế gian làm đủ mọi chuyện xấu, sau khi chết phải xuống địa ngục chịu tội nghiệp, con cháu về sau phải nhận lấy quả báo nghiệp ác, thậm chí sẽ không có con cháu nối dõi.
Lịch sử đi tới ngày hôm nay, một số người vẫn cố chấp tuyên truyền rằng không có Thiên quốc địa ngục, không có Thần Phật ma quỷ, không có thiện ác báo ứng. Chẳng lẽ vì con người không tin mà địa ngục không tồn tại nữa chăng? Chẳng lẽ vì con người không đo lường được uy lực của Thiên lý mà luật Trời phải thay đổi hay sao? Thiên lý là quy luật của vũ trụ, làm sao có thể vì ý chí con người thế gian hoặc vì những tổ chức toan tính nào đó mà biến đổi được?
Theo ĐKN