Thí sinh trường chuyên bị điểm 0 vì ngủ quên trong giờ thi: Giám thị nghiêm túc hay vô cảm?
Em T., học sinh giỏi của một trường chuyên ở Cà Mau vì ngủ quên trong phòng thi nhưng không được ai đánh thức nên đã bị điểm 0 môn tiếng Anh dẫn đến trượt tốt nghiệp trong kỳ thi vừa qua…
Theo Báo Giao Thông, lãnh đạo Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (phường 1, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau) ngày 2/8 đã thông tin với báo chí về việc có 1 học sinh của trường ngủ quên trong giờ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, dẫn đến bị điểm 0 môn tiếng Anh và trượt tốt nghiệp.
Theo đó, sau khi vào phòng thi, thí sinh H.N.T. nhận đề thi. Em làm bài ở giấy nháp trong khoảng 15 phút rồi gục xuống bàn… ngủ quên. Đến khi hết giờ, giám thị thu bài, thí sinh H.N.T. chưa viết đáp án nên kết quả là 0 điểm môn tiếng Anh.
Nhớ lại buổi thi hôm đó, thí sinh H.N.T. kể: “Sau khi nhận đề, em làm nháp vô tờ đề gần hết đề, với khoảng hơn 40 câu. Khi được khoảng 15 – 20 phút của thời gian thi, em mệt quá nên gục xuống bàn.
Em gục khi nào em cũng không hay biết. Em không bị tiền sử bệnh gì. Trước đó, tinh thần em rất thoải mái, trong thời gian gần thi em có thức khuya để ôn bài nên có vẻ mệt mỏi”.
Cũng theo lời kể của T., do em chưa điền vào phiếu trắc nghiệm nên tới lúc giám thị kêu em dậy nộp bài, dẫn đến phần trả lời chưa đánh đáp án: “Khi em thức dậy, giám thị giục các bạn nộp bài thi, em có xin 1 – 2 phút để đánh đáp án vào phiếu trả lời. Nhưng giám thị không đồng ý do đã có quy chế thi”. Được biết, tổng điểm các môn thi của T. là 50,22 điểm.
Nhận xét về học lực của em H.N.T., lãnh đạo Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển cho biết, em T. là học sinh giỏi, xuất sắc và nằm trong đội tuyển môn Vật Lý của trường. “Với học lực của T., em thừa sức đậu đại học. Tuy nhiên, việc em ngủ quên trong giờ thi như thế đúng là tiếc, có lẽ do em mệt quá”.
Nhận xét về trường hợp trên, ông Phạm Việt Hưng, Trưởng điểm thi Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển cho biết, về quy chế, giáo viên coi thi đã làm đúng quy chế thi.
“Bản thân tôi không có trực tiếp ở phòng thi. Sau đó, tôi đã trao đổi với giáo viên coi thi thì được biết tới giờ thu bài, thí sinh này chưa làm câu nào trên tờ giấy thi. Thí sinh này xin giám thị là cho tô đáp án vào bài thi trắc nghiệm, nhưng khi đó đã hết giờ, không còn hợp lệ nữa”, ông Hưng cho biết.
Giám thị nghiêm túc hay vô cảm?
Sau khi thông tin về vụ việc trên được chia sẻ rộng rãi, nhiều độc giả không khỏi cảm thán, tiếc và trách thí sinh một thì trách giám thị mười.
“Đúng là giáo viên coi thi làm đúng quy chế, nhưng đó là cái đúng của một robot, không phải hành xử của con người, càng không phải của nhà giáo. Mà là có tới 3 người coi thi lận, 2 ở trong phòng và 1 ở hành lang, không ai có bất kỳ hành động gì! Lỡ nếu em này bị đột quỵ chứ không phải là đang ngủ gục thì sao?…”, tài khoản Facebook Thái Hạo viết.
TS Nguyễn Hoàng Chương cũng chia sẻ trên báo Thanh Niên rằng đây là bài học đắt giá không chỉ với thí sinh mà cả giám thị và lực lượng coi thi tốt nghiệp THPT:
“Tôi có chút buồn, chút giận khi biết H.N.T là học sinh giỏi một trường THPT chuyên, thành viên đội tuyển môn vật lý. Xuất sắc vậy mà sao không biết sắp xếp thời gian hợp lý cho ôn thi, nghỉ ngơi để đến cơ sự này…” nhưng “trong quá trình coi thi, một trong những việc luôn được lãnh đạo điểm thi nhắc nhở là giám thị ngồi đúng vị trí (cán bộ coi thi số 1, cán bộ coi thi số 2) và thường xuyên quan sát thí sinh làm bài.
H.N.T làm được 15 – 20 phút, trong khi thời gian làm bài môn tiếng Anh là 60 phút, nghĩa là H.N.T ngủ quên 40 phút, tức 2.400 giây. Thời gian ấy trong phòng thi đối với giám thị dài, dài lắm. Sau những thao tác về biểu mẫu, đến mấy ngàn lần dõi mắt, sao giám thị không dừng ở H.N.T? Cả 2 cán bộ coi thi, sao không ai nhắc em? Chỉ 1, 2 cái vỗ nhẹ vào vai hay một câu nhắc nhở (chứ có nhắc bài đâu mà phạm quy!) để giúp H.N.T tiếp tục làm bài.
Quy chế thi tuy không nêu chi tiết phải gọi học sinh dậy làm bài nếu các em ngủ quên nhưng quy chế thi và cùng với đó là chức trách giám thị, thiên chức thầy cô – ‘tất cả vì học sinh thân yêu’ – chúng ta hoàn toàn làm được mà, sao lại vô tâm để H.N.T ngủ quên 40 phút?… Khi thu bài, nếu phát hiện H.N.T thật sự có làm trên giấy nháp mà chưa kịp tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm, lúc này, dù muộn, nhưng tại sao không thu cả phiếu này cùng giấy nháp, lập biên bản bất thường, ghi nhận toàn bộ vụ việc, báo cáo với lãnh đạo điểm thi và đề xuất hướng giải quyết.
Ngoài ra, cán bộ giám sát cũng có phần trách nhiệm. 40 phút mà không lẽ không quan sát từ ngoài phòng thi của H.N.T để thấy thí sinh có dấu hiệu bất thường? Trung thực, công khai, minh bạch, có sự đồng thuận cao trong toàn bộ điểm thi, có sự giám sát của thanh tra, có ý kiến của hội đồng coi thi – ắt có hướng mở cho H.N.T. Cứng nhắc quá vô tình đánh rớt học trò đi thi. Giữ cho mình an toàn còn trò … sao cũng được cũng là đáng trách”.
Xuân Hạ (t/h)