Thế nào là dũng cảm thật sự?
Dũng cảm không phải là không có nỗi sợ. Người dũng cảm cũng cảm thấy sợ hãi, nhưng họ đã tìm được cách vượt qua nỗi sợ để tiếp tục làm mọi thứ. Ngay cả việc quyết định được sống cũng đã có thể coi là một hành động thể hiện lòng dũng cảm
Có rất nhiều khái niệm, góc nhìn khi nói đến lòng dũng cảm, và dưới đây sẽ là cách định nghĩa lòng dũng cảm của một vài chủ nghĩa triết học lý luận.
Chủ nghĩa khắc kỷ
Chủ nghĩa khắc kỷ là một trường phái triết học Hy Lạp cổ đại, do Zeno thành Citium sáng lập tại Athens vào đầu thế kỷ thứ 3 TCN
Triết học khắc kỷ được hình thành dựa trên nhiều đức tính. Chủ nghĩa khắc kỷ cho rằng, một cá nhân không thể kiểm soát những gì sẽ xảy đến với mình, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát bản thân và cách phản ứng với những gì xảy ra với mình.
Khắc kỷ có nghĩa là duy trì một phong thái điềm tĩnh, và không để lộ cảm xúc tốt nhất có thể. Dũng cảm là một trong những nguyên tắc cơ bản để trở thành một người khắc kỷ.
> Dũng cảm trong khắc kỷ là việc đối diện với khó khăn, bất hạnh bằng nụ cười trên môi,
> Là sẵn sàng mạo hiểm mạng sống của mình vì bằng hữu.
> Là vẫn tuân thủ các nguyên tắc của bản thân, ngay cả khi những người khác được trọng dụng, đánh giá cao trước mặt.
> Là việc dù có thể sẽ gây mất lòng đối phương, nhưng vẫn sẵn sàng nói lên sự thật, tôn vinh và đề cao cương trực chính nghĩa.
Triết lý Nietzsche
Là một trong những tiếng nói khơi dậy tiềm thức nhất của nền văn minh hậu hiện đại, Nietzsche là người đã phác họa hình tượng một người đàn ông lý tưởng thông qua hình ảnh ‘siêu nhân’ (superman). Đây là nhân vật chính trong quyển sách Thus Spoke Zarathustra.
Nietzsche đã nêu bật lên tất cả những yếu tố mà người thường sống trong xã hội cần có để trở thành một siêu nhân – một người mà sẵn sàng hy sinh mọi thứ mình có vì nhân loại.
Một trong những phẩm chất quan trọng nhất của siêu nhân chính là lòng dũng cảm. Nietzsche tập trung vào lòng dũng cảm từ nội tâm, về luân lý và tâm hồn. Ông nhấn mạnh rằng:
> Lòng dũng cảm thực sự là việc theo đuổi những gì mình cảm thấy hợp lý hoặc quan trọng, nhất là khi điều đó trái ngược với quan điểm của xã hội.
> Dũng cảm không phải là việc tự tin rằng sẽ có thể đánh thắng kẻ thù trên chiến trường, mà dũng cảm là dám làm những gì bản thân cảm thấy là chính nghĩa, là đúng đắn, không bị tác động bởi những đối tượng độc đoán.
> Là vượt qua mọi trở ngại, khi bị phần lớn xã hội quay lưng.
> Là không ngại bộc lộ và sống với đúng con người thật của bản thân.
Quan niệm dũng cảm trong tu hành
Quan niệm về cuộc sống của Phật giáo là nhận thức về sự “luân hồi” – bánh xe của sự đau khổ mà bất cứ ai cũng phải trải qua. Cách duy nhất để thoát khỏi nó, là từ bỏ mọi thứ vướng bận trên thế gian như Danh-Lợi-Tình. Điều này cần đến sự can đảm.
Có một nghi lễ đánh dấu bước ngoặt trong đời, mà bất kỳ Phật tử tiểu thừa nào cũng phải trải qua để bắt đầu bước đi trên con đường tu luyện. Nghi lễ đó được gọi là “Quy y”, đơn giản có nghĩa là lánh xa trần tục – nơi mà con người thế gian không ngừng tìm kiếm hạnh phúc bằng cách tranh đấu, một điều thực sự chẳng mang lại được gì ngoài nỗi đau và nghiệp lực.
Theo Phật gia, vượt ra khỏi luân hồi và phá bỏ xiềng xích của thế giới vật chất, điều này đòi hỏi rất nhiều can đảm. Hình thức quy y này được nhìn nhận là việc tiếp nối con đường của một chiến binh, một chiến binh mang trong mình vũ khí là sự thiền định, qua đó phá tan cái mê của sự thiển cận, giúp bản thân nhận thức được sinh mệnh chân chính và con đường phải đi.
Khi so sánh một chiến binh trên chiến trường và một vị thiền sư đang ngồi kia thiền định, chúng ta sẽ thấy rằng: Cả hai đều phải đối mặt với nỗi sợ hãi đến chết người của riêng mình để đi đến chiến thắng.
Vượt ra khỏi vòng luân hồi, theo một cách nào đó chính là đối mặt với nỗi sợ hãi và phải vượt qua nó. Điều này đích thực phải có lòng dũng cảm mới có thể làm được.
Việt Anh (Theo VT)