Thế giới lẽ ra đã ngăn chặn được thảm họa Covid-19 nếu WHO cảnh báo sớm hơn
Một ủy ban độc lập đã kết luận đại dịch virus corona sẽ không gây ra hậu quả thảm khốc như hiện nay nếu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo sớm hơn và các nhà lãnh đạo quốc tế không “đồng lõa” với phản ứng của họ, theo Daily Mail.
Nếu WHO gióng lên hồi chuông báo động sớm hơn, và các nhà lãnh đạo thế giới xem xét mối đe dọa này một cách nghiêm túc, thì ‘chúng ta sẽ không phải chứng kiến một đại dịch đang gia tăng nhanh như vậy’, Ủy ban Độc lập về Chuẩn bị và Ứng phó với Đại dịch Covid-19 (IPPR) cho biết trong báo cáo phát hành ngày 12/5.
Ủy ban do cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark, và cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, người đạt giải Nobel Hòa bình năm 2011, làm chủ tọa. Báo cáo có tên ‘Hãy biến Covid-19 thành đại dịch cuối cùng’.
Trao đổi với phóng viên, bà Sirleaf cho biết: “Tình huống mà chúng tôi thấy ngày nay có thể được ngăn chặn. Đại dịch xảy ra là do vô số thất bại, lỗ hổng và sự chậm trễ trong việc chuẩn bị và phản ứng”.
“Các lựa chọn chiến lược kém cỏi, không sẵn sàng giải quyết các vấn đề bất bình đẳng và một hệ thống không phối hợp đã tạo ra một loại ‘cocktail độc hại’ khiến đại dịch biến thành một cuộc khủng hoảng thảm khốc cho toàn nhân loại.”
Báo cáo cho thấy việc chuẩn bị cho một đại dịch đã bị xem nhẹ và bỏ qua. Các quốc gia đã không chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với đại dịch. Chỉ vào tháng 3 sau khi WHO mô tả đây là một đại dịch – một thuật ngữ không chính thức nằm trong hệ thống cảnh báo của họ – thì các quốc gia mới bắt đầu hành động.
Tính đến nay, Covid-19 đã giết chết 3,3 triệu người và lây nhiễm cho ít nhất 160 triệu người ở hầu hết mọi quốc gia kể từ khi xuất hiện đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Mặc dù những con số này chắc chắn thấp hơn nhiều so với thực tế.
Báo cáo này chỉ là một trong những cáo buộc mới nhất cho rằng WHO đã hành động quá chậm trong giai đoạn đầu đại dịch. Trước đó, cựu Tổng thống Trump cũng chỉ trích WHO và quyết định rút tiền tài trợ của Mỹ khỏi tổ chức này.
Trump cáo buộc WHO và Giám đốc Tedros Adhanom đã quá vội vàng tin vào các dữ liệu do chính phủ Trung Quốc đưa ra, nhằm che giấu và tô vẽ tình trạng dịch bệnh vẫn được kiểm soát. Điều này dẫn đến hậu quả là hôm nay các nhà lãnh đạo thế giới phải đối mặt với mối đe dọa toàn cầu.
Những lời chỉ trích tương tự tiếp tục được đưa ra tại WHO sau khi một nhóm chuyên gia được cử đến Vũ Hán truy tìm nguồn gốc virus và công bố báo cáo vào tháng 2, trong đó lặp lại luận điệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về nguồn gốc virus.
Báo cáo loại trừ khả năng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Thay vào đó họ ủng hộ giả thuyết virus được nhập khẩu từ thịt đông lạnh – một giả thuyết được Bắc Kinh đưa ra để đổ lỗi cho nước ngoài gây ra đại dịch.
Các quan chức Mỹ, đặc biệt là trong chính quyền cựu Tổng thống Trump đã đưa ra giả thuyết virus corona rò rỉ từ phòng thí nghiệm là lời giải thích ‘hợp lý nhất’ cho nguồn gốc đại dịch.
Trong báo cáo công bố hôm 12/5, hội đồng chuyên gia cho rằng một loạt quyết định tồi tệ được đưa ra đã tạo cơ hội cho Covid-19 lan rộng ra quốc tế và tàn phá nền kinh tế toàn cầu. Các thể chế ‘không bảo vệ được người dân’ và các nhà lãnh đạo phủ nhận khoa học đã làm xói mòn lòng tin của công chúng vào các biện pháp can thiệp y tế.
Các phản ứng sớm ở giai đoạn đầu đối với đợt bùng phát được phát hiện ở Vũ Hán là ‘thiếu khẩn cấp’, dẫn đến tháng 2/2020 trở thành ‘tháng mất mát’ do các quốc gia không chú ý đến báo động, hội đồng cho biết.
Để đối phó với đại dịch hiện nay, tổ chức này đã kêu gọi các nước phát triển tặng một tỷ liều vaccine cho những người nghèo. Đồng thời, hội đồng cũng kêu gọi các quốc gia giàu có nhất thế giới tài trợ cho các tổ chức mới chuyên chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo.
Khánh Nghi (Theo Daily Mail)