Tết Trung thu truyền thống tại các quốc gia châu Á có gì đặc sắc?
Tết Trung thu được xem là một lễ hội lớn trong năm tại một số quốc gia châu Á như Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc… Vào ngày này, mỗi quốc gia lại có tập tục đón tết và phương thức ăn mừng khác nhau.
Tết Trung thu ở Trung Quốc
Tết Trung thu ở Trung Quốc có thể nói là xuất hiện sớm nhất trên thế giới. Thời cổ đại, hoàng đế Trung Quốc tế Mặt trời vào ngày Xuân phân, tế mặt đất vào ngày Hạ chí, tế Mặt trăng vào ngày Thu phân.
Tục cúng trăng vào ngày trăng tròn giữa thu bắt nguồn từ thời nhà Chu, vốn là lệ của triều đình quý tộc, nhưng dần dần cũng mở rộng ra trong dân gian.
Ngày lễ rơi vào thời điểm chính giữa mùa thu, tượng trưng cho sự no ấm, đoàn viên. Trong ngày này, Mặt trăng sẽ tròn đầy nhất, do vậy, người Trung Quốc còn gọi Tết Trung thu là “Lễ hội mặt trăng”.
Đêm Trung thu, nhà nhà đều đặt những vật phẩm như bánh trung thu, dưa hấu, táo… lên bàn thờ, mọi người làm lễ cúng trăng, rồi chủ nhà cắt bánh phân chia cho từng người. Tập tục ăn bánh ngắm trăng được truyền thừa lại về sau. Ngày nay, tại Trung Quốc còn xuất hiện một số phong tục khác nữa, như thả liên đăng, múa rồng lửa…
Tết Trung thu Nhật Bản
Ở Nhật Bản, Tết Trung cũng có tập tục ngắm trăng. Tập tục này du nhập từ Trung Quốc từ hơn 1000 năm trước. Bên cạnh việc ngắm trăng, người Nhật còn bày yến tiệc dưới trăng, nên gọi là “Tiệc ngắm trăng”.
Vào những ngày này, mọi người tụ tập tại nơi có thể nhìn rõ Mặt trăng nhất, những cánh đồng cỏ ở Nhật, và dùng bánh gạo nắm (được biết đến là Tsukimi dango), khoai môn, đậu ván, hạt dẻ và nhiều loại đồ ăn khác, thêm vào đó là rượu sake để dâng tặng cho mặt trăng vì một vụ mùa bội thu.
Do trong các món ăn đó có rất nhiều khoai lang và khoai môn nên ở nhiều nơi trên Nhật Bản, lễ hội này được biết đến với cái tên “Imomeigetsu” hay “Lễ hội khoai”.
Tết Trung thu Việt Nam
Mỗi khi Tết Trung thu đến, trên thị trường Việt Nam không chỉ xuất hiện vô vàn các loại bánh, các loại đèn lồng, còn có vô số đồ chơi cho trẻ em, đủ loại màu sắc, thứ gì cũng có, là ngày hội mà trẻ em vô cùng háo hức.
Vì chào đón Tết Trung thu, khu phố cổ ở thủ đô Hà Nội luôn đầy ắp các mặt hàng Trung thu đủ màu sắc, đủ sức hấp dẫn bất kỳ du khách nào. Nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng thường tới đây để mua sắm, chụp ảnh.
Trong ngày Tết Trung thu người ta bày cỗ với bánh trái hình Mặt trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng. Nhiều nơi có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà các cô. Trẻ em có những cuộc thi rước đèn và nhiều nơi có mở cuộc thi đèn.
Ngoài ra, lễ hội hoa đăng, múa lân cũng là những hoạt động đặc biệt được nhiều người đón chờ trong dịp này. Giống với người Nhật, người Việt Nam cũng tổ chức tiệc ngắm trăng hay còn gọi là cỗ Trung thu. Ngày này là dịp để gia đình đoàn tụ, cùng thưởng thức hoa quả, bánh Trung thu, trẻ em được dịp cùng phá cỗ và rước đèn dưới ánh trăng.
Tết Trung thu Hàn Quốc
Tết Trung thu ở Hàn Quốc là một ngày lễ lớn của quốc gia, người Hàn Quốc gọi Tết Trung thu là “Thu tịch”, hay gọi là lễ Chuseok. Ngày này còn là “lễ tạ ơn” ở Hàn nên họ thường tặng quà cho người thân, bạn bè.
Do đây là dịp lễ lớn trong năm nên người Hàn Quốc được nghỉ 3 ngày liên tiếp. Phần lớn người dân sẽ tận dụng khoảng thời gian này để về quê thăm người thân, vì vậy mà các nhãn hàng ở đây sẽ có những đợt giảm giá lớn trước tết Trung thu một tháng để người dân tranh thủ mua sắm. Giống với người Nhật, người Hàn không ăn bánh Trung thu mà chọn bánh pancake làm món ăn truyền thống trong dịp này.
Người Hàn Quốc thay vì múa lân sư rồng, sẽ hoá trang thành những chú bò, chú rùa cùng với một đoàn lễ nhạc đi đằng sau. Những trò chơi truyền thống trong dịp này còn có đánh trận giả, thi bắn cung, đấu vật.
Tết Trung thu Thái Lan
Người Thái Lan gọi Tết Trung thu là “Kỳ nguyệt tiết” (lễ hội cầu nguyện trăng). Vào tối ngày 15/8 hàng năm, các gia đình sẽ dùng cây mía uốn thành cổng hình mái vòm, nam nữ già trẻ đều tập trung lại một chỗ để cúng trăng.
Mọi người ngồi quanh mâm cỗ với những món đồ đặc trưng của mùa thu như đào, sầu riêng, bánh Trung thu và chúc nhau mọi điều tốt lành. Đặc biệt bưởi là loại trái cây không thể thiếu trong mâm cỗ truyền thống. Người Thái tin rằng bưởi tượng trưng cho sự viên mãn, sum vầy.
Tết Trung thu Malaysia
Ngắm trăng, treo đèn lồng, thưởng thức bánh nướng là một tập quán truyền đời của người Hoa ở Malaysia vào dịp Trung thu.
Các khu mua sắm lớn ở thủ đô Kuala Lumpur có những quầy riêng bán bánh Trung thu, quảng cáo các loại bánh cũng xuất hiện ở khắp nơi. Một số tổ chức người Hoa ở Kuala Lumpur còn tổ chức hoạt động diễu hành rước đèn lồng, múa lân, xe hoa chở “Hằng Nga”, “Tiên nữ” vô cùng náo nhiệt.
Tết Trung thu Đài Loan
Tại xứ Đài, Tết Trung thu hay được gọi là Tết Đoàn viên là một ngày lễ tết quan trọng để mọi người đoàn tụ, sum vầy bên nhau. Vào ngày này, người dân xứ Đài có tập tục tặng quà cho nhau như một cách thể sự yêu mến, thân thiện của mình với đối phương. Món quà thường thấy nhất là bánh trung thu và bưởi. Đây cũng được xem là một bản sắc văn hóa Đài Loan độc đáo trong ngày Tết Đoàn viên.
Không giống như một số quốc gia khác, ngoài bánh trung thu và bưởi, một món ăn khác nghe có vẻ không liên quan nhưng luôn xuất hiện trong ngày Trung thu của người Đài Loan, đó là món thịt nướng. Vì theo họ, việc nướng thịt trong Tết Trung thu tượng trưng cho sự sum họp, hạnh phúc, đầm ấm khi cả nhà quây quần bên bếp than hồng cùng nhau nướng và thưởng thức những miếng thịt tươi ngon. Chính vì thế mà Tết Trung thu Đài Loan còn có một tên gọi khác là “Tết thịt nướng”.
Ngoài ra, Tết Trung thu còn được coi là ngày sinh của Thổ địa, bởi vậy trong ngày này, dân chúng Đài Loan sẽ chuẩn bị bánh Trung thu, khoai sọ, bún xào… vào lúc 4, 5 giờ chiều tối đến miếu thổ địa cảm tạ vì ngài đã phù hộ.
Tuệ Tâm