Tết không con cháu, không người thân của cụ bà 80 tuổi
Không chồng, không con, không họ hàng. Cụ bà 80 tuổi lớn lên trong lòng xã hội, luôn an phận xem xã hội là gia đình, nhưng một lúc nào đó gục ngã của một phận người, bà thỏ thẻ: “Chỉ ước sao được một lần ăn Tết với người ruột thịt…”
Bà thỏ thẻ: “Chỉ ước sao được một lần ăn Tết với người ruột thịt…”
Theo lời kể, bà Dung xuất thân từ một trại cô nhi viện của người Pháp ở Biên Hòa, Đồng Nai. Năm 1945, sau khi trại này giải thể, bà bắt đầu lang bạt khắp nơi để kiếm sống.
Suốt chừng ấy năm cho đến khi tuổi già, bà làm thuê, làm mướn khắp nơi ở Sài Gòn. Không chồng, không con, không nhà cửa…
Thấy tuổi già neo đơn, chị Huỳnh Thị Kim Loan ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức cho bà kê một cái giường nhỏ ở góc nhà để có chỗ che nắng, che mưa. Gia cảnh của chị Loan cũng chẳng khá giả gì, nên hàng ngày bà phải từ nhà ra góc siêu thị Co.op Bình Triệu ngồi bán vé số.
Tên Nguyễn Thị Tuyết Dung và năm sinh, là do các soeur ở cô nhi viện đặt. Bà cũng không biết mình xuất thân từ đâu, ai là người sinh ra mình. Hơn 80 năm trên cuộc đời, bà chưa một lần biết được họ hàng ruột thịt.
Không giấy tờ tuỳ thân, không có chứng minh nhân dân, không có hộ khẩu. Người ta chỉ biết bà sống với cô Loan hơn 10 năm nay, nên ở phường cấp cho bà một thẻ Hội người cao tuổi…
Bà tìm đến tôi sau một trận bệnh, nằm viện và điều trị đã hết sạch tiền, bà nói :“Giờ bà khỏe rồi, tính đi bán vé số lại, nhưng tìm đâu ra vốn đến hai triệu đồng mà đi bán…”.
Tôi hỏi, ngoài việc bà muốn hai triệu đồng để làm vốn bán vé số, bà còn ước gì nữa không?
Bà trả lời: “Ước gì bây giờ đây cháu, mấy mươi năm chưa bao giờ dám cho mình một điều ước. Chỉ biết an phận, chấp nhận với số phận và cố gắng sống vui vẻ, tử tế với mình, với đời. Như vậy với bà đã đủ…”
“Mỗi khi đi bán về, tụi nhỏ nhập cư cứ quấn lấy bà, thưa bà cố, thưa bà ngoại, rồi bà cho nó cái kẹo, cái bánh. Dạy tụi nó nói tiếng Anh. Bấy nhiêu đó, bà thấy mình đã vui….” – bà Dung tâm sự.
Bà kể tôi nghe những câu chuyện vui mà bà đã gặp trên đường lúc đi bán vé số, hay những câu chuyện xung quanh mình hằng ngày, rồi bà cười phá lên như một đứa trẻ.
Bà nói lớn: “Sao, thấy vui không? Bà vui lắm, cười giỡn suốt ngày với mọi người xung quanh. Do bà vui và an nhiên như vậy, nên bị nhồi máu cơ tim những ba lần rồi mà không chết.
Giờ bị thêm tiểu đường, thiếu máu tim cục bộ. Nhưng không sao, đời mà, ai cũng có những khó khăn… chỉ khi mình biết chấp nhận thì sẽ không bao giờ bị héo mòn… “.
Một buổi chiều của những ngày cuối năm, tôi thấy một phận đời ở tuổi xế chiều đang từng ngày đi qua số phận còn lại.
Lớn lên trong lòng xã hội, luôn an phận xem xã hội là gia đình, nhưng một lúc nào đó gục ngã của một phận người, bà thỏ thẻ: “Chỉ ước sao được một lần ăn Tết với người ruột thịt…”
Nói xong, bà cười, nhưng nụ cười có cả những nỗi niềm từ trong khóe mắt chảy ra…
Không chỉ hoàn cảnh của bà Dung, đâu đó trong những cái tết cũng có những người mẹ thương nhớ con nhưng không thể về
Có con và cô đơn
Đó là một cái tết vào năm 2017. Nhân vật mà chúng tôi muốn nhắc đến là cụ Nguyễn Thị Hiền, 80 tuổi (Mỹ Đức, Hà Nội) bán lì xì nhiều năm trên phố Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội). Cụ có dáng người nhỏ thó, nhưng ngoài việc bị nặng tai, đầu óc rất minh mẫn. Cuộc trò chuyện của chúng tôi khó khăn khi muốn hỏi gì thì phải ghé sát tai cụ mới nghe rõ.
Cả đời cụ lam lũ, “gia tài” lớn nhất là 2 con cậu con trai. Nhưng, theo lời cụ Hiền, hoàn cảnh khó khăn, tất bật với gánh nặng cơm áo, gạo tiền nên không có ai quan tâm đến mẹ già. Không muốn trở thành gánh nặng cho con cái, đã từ lâu cụ ấp ủ ý định bỏ quê để lên thành phố kiếm sống.
Cũng theo chia sẻ của cụ, ở quê con cái hay soi mói cụ ăn uống thế này, thế kia khiến cụ rất đau đầu. Cách đây 4 năm, cụ theo mấy cô ở quê lên Hà Nội kiếm sống cho nhẹ đầu. Từ ngày thông tin về hoàn cảnh của bà được chia sẻ trên mạng, nhiều người ghé ủng hộ mua lì xì, cụ cũng đỡ vất vả hơn nhiều.
Cụ Hiền thuê trọ ở khu vực đường Láng với một số phụ nữ từ quê lên làm thuê. Nói là nhà nhưng cụ bảo đó chỉ là cái lán người ta dựng tạm cho người lao động nghỉ ngơi, che mưa che nắng, giá 14 nghìn đồng/ngày. Mặc dù số tiền thuê trọ ít ỏi nhưng nhiều khi cụ phải ghi nợ vì có những ngày trời mưa không đi bán hàng, không nhặt được ve chai.
“Đêm nào cũng đến 12h đêm là bà chủ đi thu tiền. Ở ngày nào thì trả tiền ngày đó. Có hôm tôi không có tiền thì ở từ sáng tới 11h đêm ra khỏi phòng đi ngủ lang thang. Bà chủ cũng thương, không lấy tiền”, cụ Hiền cho biết.
Gương mặt cụ thoáng buồn khi chúng tôi hỏi về hoàn cảnh gia đình, cụ bảo:
“Đừng hỏi con cái tôi làm gì, đau cả đầu đây này, tôi đang phải cố quên đi để sống cho thanh thản. Do hoàn cảnh nên tôi mới phải mưu sinh thế này chứ ai chả muốn có cuộc sống an nhàn. Tôi cứ thế này đến hết đời thôi, không về quê nữa. Mỗi người có một cuộc sống, thân già này tìm niềm vui bên những bao lì xì bán cho khách, lời lãi không bao nhiêu nhưng đi bán hàng đỡ buồn mà lại có thu nhập”.
Tết là không phải đi làm, không lo cái ăn
3 năm nay, cứ mỗi dịp gần Tết thì cụ bán lì xì trên phố Thái Thịnh, còn ngày thường thì nhặt ve chai. Vào những ngày nắng thì không sao, ngày mưa cụ phải nương nhờ hiên cửa hàng bán quần áo để bán hàng. Xót thương hoàn cảnh thân già vẫn phải mưu sinh nhiều người mua quần áo rét, cho cơm trưa, mỗi khi trời mưa nhiều người dân kinh doanh trên phố Thái Thịnh chở cụ về.
“Mình thấy bạn bè chia sẻ câu chuyện của cụ nên tìm đến để mua. Thực ra mua phong bao lì xì cũng là phục vụ cho mình trước và nhân đây còn giúp được một người già cả bán chạy hàng hơn nữa. Cứ nhìn thấy cụ là mình nhớ đến bà mình nên thấy tội nghiệp lắm. Mong cụ sẽ bán được nhiều lì xì để có cái Tết ấm”, chị Nguyễn Thị Kim Luyến, một người mua lì xì cho biết.
Cụ bán lì xì chỉ 10.000/1 bao lì xì nhỏ và 12 nghìn đồng/1 bao lì xì lớn. Cụ chia sẻ:
“Mỗi bao lì xì thì tôi chỉ lãi được 1 – 2 nghìn đồng thôi nên cũng rất mong các cô các cậu ghé ủng hộ cho tôi để tôi lo cho cuộc sống. Tôi già rồi, cũng không có nhu cầu bán được nhiều tiền quá làm gì. Mấy hôm nay đắt khách nhưng tôi lại đi bán muộn quá… Nhưng tôi thấy rất vui vì có người tìm đến hỏi han, chuyện trò. Vả lại, tôi kiếm được ít tiền đủ sống qua ngày cũng là mừng lắm rồi. Ít ra cũng đỡ vất vả hơn là đi nhặt ve chai, còn sức là tôi vẫn cứ đi bán thôi”.
Không chỉ có một cụ Hiền, ở đâu đó còn rất nhiều những hoàn cảnh khác dù tuổi cao sức yếu mà do hoàn cảnh của cuộc sống vẫn đang phải bươn chải mưu sinh. Với họ Tết không đào, không hoa, không trang trí nhà cửa, không bánh chưng…Tết là thời gian để sum vầy, đoàn viên cùng người thân nhưng với cụ Hiền những ngày này chỉ đơn giản là được ở nhà, không phải lo ăn lo uống.
Khu trọ của bà mỗi người một hoàn cảnh nên rất nhiều không được đón Tết bên gia đình. Cụ bảo, 3 năm rồi ăn Tết với nhà chủ, những ai không về quê sẽ thông báo để họ nấu thức ăn cho rồi đóng tiền lại.
Cũng vào dịp Tết mọi người trong khu trọ sẽ ngồi lại nói chuyện với nhau nhưng sẽ không phải là những câu chuyện vể hoàn cảnh của mình. Với họ, quên đi nỗi đau là cách để có động lực sống.
Chúc Di (t/h)