Tê giác trấn thủy 2000 năm tuổi bị đào lên khiến Tứ Xuyên liên tục phải hứng chịu lũ lụt?
Lý Băng được người đời biết đến như một chuyên gia trị thủy. Công trình thủy lợi Đô Giang Yển của ông đã giúp Tứ Xuyên mấy nghìn năm qua mưa thuận gió hòa, tránh khỏi thiên tai lũ lụt. Nhưng tại sao gần đây Tứ Xuyên lại liên tục phải hứng chịu lũ lụt nặng nề?
Nghe nói tại công trình thủy lợi Đô Giang Yển có một con tê giác bằng đá đã được phát hiện vào năm 1973. “Thành Đô thành phường cổ tích khảo” có ghi chép: “Khi xây dựng tòa nhà viễn thông, người ta đã đào được một con thú bằng đá, nó nặng đến mức không thể lấy ra được … nên họ để nó nguyên vị trí cũ, ngay bên trên nó là móng của tòa nhà”.
Lúc đó con tê giác đá chưa bị đào lên, nhưng 40 năm sau, các chuyên gia đã đào con tê giác lên vào năm 2013. Từ đó đến nay, Tứ Xuyên không ngừng phải hứng chịu lũ lụt.
Tương truyền Lý Băng đã cho tạc tổng cộng năm con tê giác đá, để trấn thủy tai. Theo “Thục vương bổn kỷ” ghi chép: “Vì để chống lũ, thái thú Thục quận Lý Băng đã làm ra 5 con tê giác đá, hai con để trong phủ, một con ở dưới cầu thành, và hai con ở dưới nước”.
Tại sao Lý Băng lại sử dụng tê giác để trấn thủy?
Theo “Thành Đô Ký” do Lư Cầu viết vào thời nhà Đường: Vào thời Chiến Quốc, lúc Tần Chiêu Vương tại vị, Lý Băng giữ chức vụ thái thú Thục quận. Tương truyền, ở trong con sông ở Thục quận có một con giao long, hàng năm làm mưa làm gió, khiến dân chúng thường xuyên phải hứng chịu lũ lụt.
Là một thái thú, Lý Băng cảm thấy rất buồn khi phải chứng kiến người dân trong vùng chịu nạn. Ông tích cực nghĩ biện pháp xây dựng các công trình thủy lợi, ngăn chặn và phân luồng các trận lũ lụt tràn lan, để cứu trợ người dân đang chịu nạn, ông đã mở thương khố phân phát lương thực cho người dân.
Sau khi nước rút, ông gom góp tài sản giúp người dân dựng lại nhà cửa và phát lương thực, hạt giống cho họ, ông còn tập trung những người lưu vong lại, để họ quay lại gia viên, lập lại cơ nghiệp.
Dù Lý Băng đã cố hết sức để dẫn dắt người dân thoát nước, khôi phục trồng trọt, dựng lại nhà cửa, nhưng năm nào cũng có lũ dữ, nên công trình thủy lợi vừa mới xây dựng đầu năm, đến năm thứ hai đã bị lũ phá sập, nhà cửa của người dân cũng phải chịu cảnh tương tự. Dân chúng vẫn phải chịu khổ cực do lũ lụt mang đến.
Vì vậy Lý Băng quyết định trị lũ từ căn bản, ông quyết tâm xuống nước trảm giao long, triệt để trừ hại cho dân. Lý Băng lắc thân một cái, biến thành một con tê giác khổng lồ nhảy xuống dưới sông, người ta thấy con ác giao giống như cự long đó cũng bơi qua, đánh nhau với tê giác.
Hai bên đánh nhau một hồi, Lý Băng thấy khó lòng thắng nổi, liền cấp tốc quay lại về bờ.
Sau khi Lý Băng trở về phủ, ông đã tự tay chọn ra vài trăm dũng sĩ cường tráng, để mỗi người đều cầm cung mạnh và tên lớn. Rồi ông nói với họ: “Lần trước xuống sông ta biến thành một con tê giác, hôm nay giao long nhất định cũng sẽ biến thành một con tê giác. Ta buộc một dải lụa trắng lên đầu. Khi thấy hai con tê giác đánh nhau, các ngươi hãy phóng tên bắn chết con tê giác không có dải lụa”.
Nói rồi, Lý Băng nhảy xuống sông. Chỉ trong phút chốc, gió nổi ầm ầm, sấm chớp rền vang, trời đất u ám, chỉ thấy hai con tê giác đánh nhau trên mặt nước. Trên đầu Lý Băng có dải lụa vừa dài vừa trắng, các dũng sĩ nhất tề rút tên bắn vào con tê giác không có dải lụa trắng trên đầu, con giao long lập tức mất mạng. Kể từ đó, người dân Thục quận không gặp họa lũ lụt nữa.
Lý Băng trong truyền thuyết đã biến thành một con tê giác, mà năm con tê giác đá có thể là hình tượng thật của Lý Băng. Kì thực nói là tê giác trị thủy, không bằng nói là Lý Băng mấy nghìn năm nay, luôn ở bên cạnh bảo hộ cho Tứ Xuyên. Mà con tê giác bị đào lên, có lẽ cũng là thiên ý. Đạo đức của con người không còn tốt nữa, Thần cũng không còn cách nào.
Những thần tiên được người ta gọi là chuyên gia ấy, từ xưa đến nay rốt cuộc là có bao nhiêu người? Chúng ta phải chăng nên nhận thức lại một chút thế giới mà chúng ta đang sống?
Minh Huy (Theo Secretchina)