Tàu vỏ thép bị hỏng: Doanh nghiệp nhận sai và cam kết khắc phục
Chiều 10/5, UBND tỉnh Bình Định tổ chức buổi họp để giải quyết đơn kiến nghị của 10 ngư dân tỉnh này phản ánh về việc tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ vừa hạ thủy đã hư hỏng.
Công ty hứa sửa tàu, dân không chịu…
Tại cuộc họp, đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Định báo cáo qua đợt kiểm tra mới nhất ngày 9/5 cho thấy 5 chiếc tàu vỏ thép mà ngư dân đặt đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (tỉnh Nam Định) bị hư hỏng nặng ở phần thân, cabin, boong tàu và các bộ phận bằng thép bị gỉ sét, xuống cấp nghiêm trọng.
12 tàu vỏ thép đóng tại Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Nam Triệu (Hải Phòng) hầu hết bị hỏng máy chính, máy phát điện, hầm lạnh không đảm bảo…
Hai công ty này đã đề nghị trả chi phí sửa chữa, khắc phục sự cố của toàn bộ các tàu vỏ thép bị hư hỏng, hỗ trợ một phần thiệt hại của chủ tàu do sự cố hỏng máy gây ra. Tuy nhiên, tại cuộc họp, nhiều ngư dân không đồng tình với phương án mà hai công ty này nêu ra.
Thép Trung Quốc chất lượng ngang ngửa thép Hàn, Nhật Bản?
Các ngư dân đóng tàu vỏ thép tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cho biết họ hợp đồng đóng tàu bằng thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản nhưng nhà máy lại làm thép Trung Quốc.
Phó giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương thừa nhận công ty dùng thép Trung Quốc nhưng là loại có chất lượng tương đương với thép Hàn Quốc và Nhật Bản. Còn Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Nam Triệu cũng không thực hiện đúng hợp đồng khi lắp máy một hãng, nhưng hộp số của hãng khác dẫn đến thiếu đồng bộ trong vận hành làm máy gặp sự cố liên tục.
Ngoài ra, quy định của Nghị định 67 là hỗ trợ 100% thiết kế mẫu tàu cho ngư dân, nhưng Công ty Đại Nguyên Dương thu 130 triệu đồng thiết kế/tàu, còn Công ty Nam Triệu thu 240 triệu đồng thiết kế/tàu.
Phải sửa tàu theo đúng hợp đồng
Kết luận cuộc họp, ông Trần Châu – phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói ngư dân không có kiến thức nên không giám sát được việc đóng tàu, khoán trắng cho nhà máy, trong khi hai công ty đóng tàu chưa thực sự vì tính đa mục tiêu của Nghị định 67 mà chỉ nghĩ làm ăn kinh tế, kiếm lời, dẫn đến sự cố của hàng loạt tàu vỏ thép mới đóng..
Ông Châu yêu cầu hai công ty đóng tàu, sau khi có kết quả thẩm định độc lập, cần nhanh chóng sửa chữa toàn bộ những hư hỏng về thân tàu, máy tàu, ngư cụ, thiết bị của ngư dân theo đúng hợp đồng đã ký kết. Đồng thời cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định báo cáo đầy đủ tình hình thất thu của ngư dân do việc hư hỏng tàu gây nên để tỉnh có hướng xử lý.
“Dân hợp đồng đóng thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản mà nhà máy đóng thép Trung Quốc thì khắc phục là phải làm cho đúng hợp đồng. Nghị định 67 yêu cầu máy tàu là mới nguyên đai nguyên kiện thì phải đúng như vậy, đồng thời hai công ty không được thu tiền thiết kế tàu của ngư dân vì trái với nghị định” – ông Châu nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương ven biển phải hỗ trợ ngư dân về mặt thủ tục nếu phát sinh việc dân khởi kiện các nhà máy đóng tàu ra tòa án.
Theo Tuổi Trẻ