Tàu khu trục Mỹ tuần tra gần đá Vành Khăn, Bắc Kinh nổi giận
Hôm 24/5, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Dewey – Mỹ đã tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đá Vành Khăn bị Trung Quốc xây dựng phi pháp. Ngay sau đó, cả bộ Quốc phòng lẫn bộ Ngoại giao Trung Quốc đều lên tiếng phản đối cuộc tuần tra này.
Tối 24/5, báo Wall Street Journal dẫn nguồn tin cho biết, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Dewey của Mỹ đã di chuyển trong khu vực 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa trong ngày 24/5.
Ngay sau đó, trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 25/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, Bắc Kinh “rất không hài lòng và phản đối mạnh mẽ” hoạt động của tàu chiến Mỹ, nói rằng cuộc tuần tra “rất dễ gây tai nạn trên biển và trên không“.
Trong khi người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhiệm Quốc Cường thông báo, 2 tàu mang tên lửa dẫn đường của nước này đã cảnh báo tàu Mỹ phải rời khỏi khu vực. Trung Quốc trao công hàm “phản đối mạnh mẽ” việc chiến hạm USS Dewey đi vào vùng 12 hải lý quanh đá Vành Khăn.
Phía Mỹ vẫn khẳng định việc tuần tra thường kỳ này là “đảm bảo tự do hàng hải và tự do đi lại trên không”. Hoạt động này từng được tiến hành rộng rãi dưới thời Tổng thống Barack Obama, với lần gần đây nhất là vào tháng 10/2016.
Tuy nhiên, đây là lần tuần tra đầu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trước đó, có nhiều luồng thông tin nói chính quyền mới đã tìm cách trì hoãn và bác bỏ kế hoạch tuần tra trên biển Đông do bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ yêu cầu.
Vành Khăn là một trong số 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc bồi lấp, cải tạo trái phép thành đảo nhân tạo và xây dựng các đường băng phi pháp, đủ khả năng tiếp nhận các loại máy bay quân sự hạng nặng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 25/5 tiếp tục khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế“.
“Là một quốc gia ven biển Đông và là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), lập trường nhất quán của Việt Nam là tất cả quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế đặc biệt là UNCLOS 1982“, bà Hằng nói.
TinhHoa tổng hợp