Tai ương diệt vong không chỉ tồn tại trong những câu chuyện thần thoại
Những câu chuyện ly kỳ về đại nạn tuyệt chủng trên Trái Đất đã được lưu truyền ở các tộc người, các quốc gia hàng ngàn năm qua. Và khi các nhà khoa học tìm hiểu, họ đã phát hiện ra mối liên hệ giữa truyền thuyết và hiện thực.
Rất nhiều quốc gia và dân tộc trên thế giới đều có những truyền thuyết về tai họa mang tính hủy diệt từng xuất hiện trên Trái Đất. Chúng ta thường coi những truyền thuyết này như những câu chuyện thần thoại. Nhưng khi những bí mật được chôn sâu nơi địa cầu này dần dần sáng tỏ, mọi người bắt đầu suy nghĩ lại về tính xác thực của những truyền thuyết về thảm họa Trái Đất.
>>> 5 bằng chứng cho thấy trận lụt toàn cầu đã từng xảy ra
Cuộc chiến giữa Mặt Trời và Mặt Trăng
Các bộ tộc Toba và Piraga nằm ở vùng đồng bằng Chaco của Nam Mỹ trong thời cổ đại, đã từng có truyền thuyết về sự hủy diệt của Trái Đất.
Theo truyền thuyết này, vào hàng ngàn năm trước, các mảnh vỡ của Mặt Trăng đã đâm vào bề mặt Trái Đất. Sự va chạm đã tạo thành những ngọn lửa khổng lồ nuốt chửng và đốt cháy toàn bộ Trái Đất. Con người bị thiêu sống, chỉ có một vài bộ lạc người ẩn náu trong hồ đã biến thành cá sấu và sống sót một cách chật vật.
Trong khi đó, tại cao nguyên liền kề Brazil, có huyền thoại thần Mặt Trời Apollo và thần Mặt Trăng Luna vì tranh giành một vật trang sức bằng lông vũ đỏ mà phát sinh đại chiến, cuối cùng chiếc lông vũ bị rơi xuống Trái Đất, ngọn lửa trên chiếc lông vũ làm tan chảy mọi thứ trên mặt đất.
Năm 1969, các nhà khoa học đã sử dụng máy dò kim loại và tìm thấy một thiên thạch ẩn thân dưới mặt đất 5m ở Al Chaco, Argentina, đây được cho là một mảnh thiên thạch bị vỡ.
Theo các nghiên cứu, khoảng 4.000 – 6.000 năm trước đây, sau khi một thiên thạch khổng lồ rơi xuống Trái Đất đã tạo thành một miệng núi lửa có diện tích 60km vuông ở Argentina. Al Chaco là khối mảnh vỡ lớn nhất của nó. Nghiên cứu cho thấy, va chạm lớn như vậy chính là mối đe dọa hủy diệt đối với các khu vực đông dân cư.
Cuộc chiến giữa Thủy Thần và Hỏa Thần
Theo sách sử “Tam Hoàng bản kỷ” ghi lại, 5.000 năm trước, Thủy Thần Cộng Công tranh đế xưng vương với Hỏa Thần Chúc Dung, nhưng đã bị Chúc Dung đánh bại. Cộng Công giận dữ đánh sập trụ cột của bầu trời ở phía Tây, khiến cho bầu trời bị nứt thành một lỗ lớn, nước của sông Thiên Hà đổ vào thế gian, nhân loại liền gặp phải tai họa.
Nữ Oa nương nương không đành lòng, sau đó dùng những viên đá ngũ sắc vá lại bầu trời, dùng 4 chân rùa để làm cột chống đỡ, từ đó nhân loại có thể an cư lập nghiệp.
Gần như cùng một lúc, nhiều dân tộc trên thế giới đều xuất hiện truyền thuyết về Đại hồng thủy. Các chuyên gia nói rằng, những bằng chứng tìm thấy cho đến bây giờ đã giải thích về một thảm họa toàn cầu thực sự xảy ra vào lúc bấy giờ. Miệng núi lửa Berkshire là minh chứng cho trận lũ lụt 5.000 năm trước.
Miệng núi lửa Berkshire có đường kính 30 km, nằm bên dưới Ấn Độ Dương 3,8km, gần đảo Madagascar. Nó được tạo thành từ một vụ rơi sao chổi, gây ra sóng thần cao gần 200m và mưa lớn.
Các nhà khoa học nói rằng, một vụ va chạm hành tinh như vậy sẽ khiến toàn bộ thế giới ngập chìm trong nước. So với sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004, nó chỉ giống như một gợn sóng nhỏ trên biển mà thôi.
Cuộc chiến của Lôi Điểu và cá voi trắng
Quelute là những người da đỏ sống ở bờ biển phía tây bắc Hoa Kỳ, bộ lạc của họ có một câu chuyện về thảm họa lớn. Trong truyền thuyết của người da đỏ có đề cập đến một chú chim mang trên mình sét và sấm, người ta gọi nó là “Lôi Điểu”.
Truyền thuyết kể rằng vào đêm 26/1/1700, đã có một trận chiến khốc liệt giữa các “Lôi Điểu” trên bầu trời và cá voi trắng trên biển. Nhiều ngọn núi bị rung chuyển và cây cối sụp đổ, nước biển dâng lên, sóng lớn ngập trời, cuối cùng toàn bộ Trái Đất bị lật nhào.
Trong các ghi chép lịch sử cho thấy rằng trên vùng đứt gãy địa chất Subduction Cascadia dài gần 1.000 km, từng xảy ra một trận động đất 9 độ richter vào ngày 26/1/1700. Khi đó trời đất dao động mạnh, từ Bắc Mỹ đến Washington, bờ biển bất ngờ sụp xuống khoảng 2 mét, khiến nước biển ngập vào bờ và gây nên sóng thần.
Sóng thần đã kéo dài đến bờ biển Nhật Bản và trận động đất này cũng có thể là nguyên nhân tạo nên kết cấu địa chất nổi tiếng của Oregon- “Cầu của các vị Thần”.
Các chuyên gia nghiên cứu chỉ ra rằng, một trận động đất lớn như thế này ước chừng khoảng 400 đến 600 năm sẽ xảy ra một lần, và trận động đất tàn phá như vậy có thể khiến hàng trăm ngàn người chết hoặc trôi dạt khắp nơi. Ngoài sóng thần và động đất quy mô lớn, sự dịch chuyển của địa chất cũng có thể gây ra các vụ phun trào núi lửa trên khắp Bắc Mỹ, và cuối cùng dẫn đến sự biến mất của các lục địa Bắc Mỹ.
Lời nguyền từ thời cổ đại
Tại Cameroon có bộ tộc Kom, sống ở vùng trung tây bộ của châu Phi, tổ tiên của họ có một phong tục, họ sẽ di chuyển dọc theo tuyến đường của một con nai để tồn tại.
Truyền thuyết kể rằng, tổ tiên của họ đã chọc giận vị quốc vương bản xứ vì đã đi vào lãnh thổ của vùng Bamessi, và cả bộ tộc phải đối mặt với thảm họa sát thân. Người đứng đầu bộ tộc đã quyết định hy sinh bản thân mình. Sau khi ông chết, cơ thể biến thành một cái hồ, người Kom đều muốn tránh xa cái hồ đó. Khi người Bamessi đến hồ để câu cá, mặt hồ đột nhiên nổ tung và dìm chết người dân của đất nước này.
Vào năm 1989, hồ Nyos nằm ở vùng tây bắc Cameroon, nơi được cho rằng đã bị vị tộc trưởng trong truyền thuyết nguyền rủa, đột nhiên phát ra một lượng lớn khí CO2 từ đáy hồ, hơn 1.700 dân làng bị ngạt thở mà chết. Khoảng 1,2km khối khí CO2 được giải phóng trong vòng 20 giây. Đám mây khí CO2 khổng lồ tràn qua toàn bộ vùng quê. Những ngôi làng ở ven hồ gần như không có cơ may sống sót. Trong số 800 cư dân, chỉ có 6 người may mắn thoát khỏi thảm họa do nhanh chóng chạy lên vùng đất cao hơn bằng xe máy. Khi đám mây khí CO2 bao trùm, mọi ngọn lửa đều tắt ngóm. Bầu không khí ảm đạm trải rộng quanh hồ Nyos.
>>> Không ngờ là những thiên tai xảy ra đã được tiên đoán trong các truyền thuyết cổ xưa
Khoai sọ ma thuật báo thù
Bộ tộc Aiga Tatari nằm ở quần đảo Solomon của Thái Bình Dương, hòn đảo Teonimanu nơi tổ tiên của họ đã từng sống, đã biến mất vào biển sâu. Trong thần thoại, vợ của Rapuu’sanate bị bắt cóc, để trả thù, anh quyết định sử dụng phép thuật để tiêu diệt hòn đảo. Anh có hạt giống của một loại khoai sọ ma thuật và trồng nó trên đảo. Khi khoai nở hoa, hòn đảo bắt đầu chìm. Aiga Tatari nhận thấy rằng hòn đảo của họ đang chìm xuống, họ liền dùng thuyền hoặc bám vào thân cây để chạy trốn khỏi hòn đảo, cuối cùng chỉ tộc người này là may mắn thoát khỏi.
Ngày nay, đảo Teonimanu được tìm thấy dưới mặt nước 5 km. Ngoài ra còn có một số hòn đảo vì sạt lở đất trong khu vực mà chìm xuống đáy biển. Một số nhà khoa học lo ngại rằng núi lửa trên đảo La Palma ở Đại Tây Dương cũng sẽ có nguy cơ bị chìm trong tương lai. Đồng thời, hàng trăm tỷ tấn đổ nát có thể chìm vào biển, kết quả là xuất hiện một làn sóng khổng lồ dài 1.000m, các cư dân bờ Đông Bắc Mỹ sẽ có hàng triệu thương vong.
>>> Phát hiện nền văn minh cổ đại 55.000 năm tuổi bị đóng băng ở châu Nam Cực
Tiểu Minh, theo KNY