Tại sao trường đại học Singapore có thể lên top thế giới chỉ trong thời gian ngắn?
Trường ĐH Quốc Gia Singapore (NUS) và ĐH Công Nghệ Nanyang (NTU) là những trường thuờng xuyên nằm trong top 100 trường ĐH tốt nhất thế giới trong nhiều năm qua. Năm 2016, 2 trường này còn được xếp hạng đứng đầu danh sách các trường đại học hàng đầu châu Á.
Sau khi tách ra khỏi Liên bang Malaysia năm 1965, Singapore được ví như như “một làng chài nghèo đói”. Vậy làm thế nào một đất nước non trẻ có thể đưa nền giáo dục sánh ngang tầm cỡ thế giới trong thời gian ngắn như vậy?
Trong bối cảnh vô vàn khó khăn, Chính phủ Singapore đã quyết tâm đưa đất nước đi lên từ giáo dục. Mặc dù là một quốc gia non trẻ, hoàn toàn có thể du nhập mô hình tiên tiến từ bên ngoài nhưng lãnh đạo đất nước này đã không làm như vậy.
Họ đã bắt đầu từ xây dựng nội lực. Nhiều người không nắm vững lịch sử Singapore thường không lý giải nổi vì sao năm 2005 một đất nước mới 40 tuổi mà lại kỷ niệm 100 năm thành lập Đại học Quốc gia. Đó là cả một triết lý phát triển mà chỉ có đi sâu nghiên cứu mới hiểu được.
Chính phủ Singapore đã bắt đầu sự nghiệp xây dựng đại học của mình với một truyền thống vốn có từ thời còn nằm trong Liên bang Malaysia. Họ tiếp thu công nghệ đào tạo của trường đại học Malayu được xây dựng từ năm 1905 bằng cách mời về Singapore các giáo sư người Hoa từng giảng dạy ở đại học Malayu và chuyển giao chương trình đào tạo của trường này vốn rất phù hợp với văn hoá của các cộng đồng người Hoa, người Mã và người Ấn, cả ba cộng đồng này đều có ở Singapore.
Sau đó tập trung đầu tư để nâng cấp. Trong một thời gian ngắn Singapore đó đầu tư rất lớn vào việc phát triển Đại học Quốc Gia. Ngân sách trung bình dành cho giáo dục lên đến 25% tổng chi tiêu quốc gia, trong đó 14% dành cho giáo dục đại học. Sự đầu tư mạnh mẽ này đặt những nền tảng vững chắc đầu tiên cho Đại học Quốc Gia Singapore để rồi sau đó tiếp tục phát triển thêm trường đại học khác là Đại học Công Nghệ Nanyang.
Giáo sư Khoa học Máy tính David Maier, người từng giảng dạy một thời gian tại trường NUS cho biết, ngoài được đầu tư các nguồn lực mạnh mẽ, trường còn có một số yếu tố tiêu biểu như:
Trường NUS lập mục tiêu cho các khoa ngành với tiêu chuẩn khá cao. Ví dụ đối với ngành khoa học máy tính, tiêu chuẩn hướng đến là trường Đại học California-Berkeley, một viện đại học công lập uy tín hàng đầu nằm tại thành phố Berkeley, California.
Vì vậy, họ luôn luôn tự hỏi “Làm thế nào chúng ta có thể làm tốt như Berkeley?” “Berkeley có thuê người này hoặc tuyển học sinh này không?” Ngoài ra, họ cũng đưa về các cố vấn uy tín từ khắp nơi trên thế giới, và thực sự làm theo lời khuyên của họ.
Còn theo ông John Gustafson, giáo sư tại trường NUS, và cũng là một nhà khoa học máy tính và nhà toán học ứng dụng, khi chính phủ Singapore quyết định làm một việc gì đó, nó không bao giờ bị bỏ giở. Họ tính toán những nguồn lực cần thiết và đầu tư vào đó.
Và nếu một dự án cần thời gian dài, không quan trọng tốn bao nhiêu nguồn lực, họ cũng vẫn sẽ kiên nhẫn. Mục tiêu của họ là NUS và NTU phải ltrở thành những trường đại học đẳng cấp thế giới, cũng như việc họ muốn có một hệ thống tàu điện ngầm không ai sánh kịp.
Bên cạnh đó, tình trạng tham nhũng rất ít xảy ra trong chính phủ Singapore, và hầu hết không có việc quan chức bòn rút của công. Vì vậy, khi chính phủ quyết định chi tiền cho giáo dục, nó thực sự được chuyển đến giáo dục.
Ngoài ra, ông John cũng nhận thấy những nỗ lực kiểm soát chất lượng giảng dạy vượt xa hơn những gì ông từng thấy ở các trường đại học khác. Họ đối xử với giáo dục theo cách họ đối xử với một quy trình sản xuất: Kiểm soát chất lượng; đo lường tất cả mọi thứ; khắc phục vấn đề ngay khi chúng được phát hiện; làm hài lòng khách hàng và không có chỗ cho việc giảng dạy tệ hại.
Khi các giáo sư đưa ra đề thi, chúng được xem xét kỹ lưỡng và được các nhà nhận xét độc lập phê duyệt trước khi chúng được trao cho sinh viên.
Khi quyết định đưa ra bất kỳ một khóa học nào, họ có một giảng viên có năng lực quyết định những gì cần được dạy, và một giảng viên khác quyết định ai sẽ dạy khóa học đó, như một nguyên tắc phân tách quyền hạn.
Họ mời về những nhà phê bình để xem những gì họ dạy cũng như cách thức giảng dạy và đưa ra nhận xét. Những người được chọn đều có trình độ học vấn và bằng cấp đã được đưa vào tiểu sử trên Wikipedia.
Giáo sư John đã từng nói chuyện với một nhà phê bình như vậy, Ed Lazowska, khi ông đến xem xét khoa Khoa học Máy tính của trường NUS. Ông nói rằng ông không thể tin những nguồn lực sẵn có tại NUS. Khi họ quyết định họ cần một cái gì đó, họ chỉ đơn giản đi lấy nó.
Tổng hợp