Tại sao Anh, Pháp, Đức cố chấp duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran?
Sau khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, các nước Châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận này đang nỗ lực cứu vớt. Tại sao các nước này lại muốn duy trì thỏa thuận mà ông Trump coi là “tồi tệ nhất trong lịch sử”?
Tổng thống Trump quan ngại rằng thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 có điều khoản hết hạn trong khoảng 10 – 15 năm và không cấm Iran phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và các ảnh hưởng xấu của Iran trong khu vực Trung Đông.
>>> Để đạt thỏa thuận hạt nhân Iran, chính quyền Obama đã hỗ trợ Hezbollah?
Vào hôm thứ Ba (8/5), ông Trump đã phát đi thông báo chính thức rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận này, đồng thời tuyên bố sẽ tái áp đặt lệnh trừng phạt Tehran trong hai giai đoạn trong tháng Tám và tháng Mười Một.
Tại sao Châu Âu vẫn cố gắng duy trì thỏa thuận Iran?
Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 được đàm phán và ký kết giữa Mỹ, Iran, ba nước Châu Âu (Anh, Pháp, Đức), cùng Nga và Trung Quốc. Thỏa thuận này được thiết kế để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân mà nước này luôn phủ nhận đang cố gắng thực hiện.
Theo thỏa thuận, Iran đã kiềm chế hoạt động phát triển hạt nhân để đổi lại được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.
Có hai nguyên nhân nổi bật khiến Anh, Pháp, Đức vẫn muốn duy trì thỏa thuận bất chấp việc Mỹ đã rút lui.
Thứ nhất, các bên tham gia ký thỏa thuận trừ nước Mỹ của chính phủ Trump vẫn đánh giá thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 là cách tốt nhất để ngăn chặn Iran trở thành một siêu cường hạt nhân, mặc dù các nước này cũng thừa nhận thỏa thuận chưa hoàn hảo.
Thứ hai, các nước Châu Âu cũng đứng trước nguy cơ mất hàng tỷ USD tiền đầu tư kinh doanh tại Iran nếu Mỹ tái áp đặt trừng phạt chế độ Tehran.
Thương vụ hãng sản xuất máy bay Châu Âu Airbus bán gần 100 máy bay cho Iran hiện tại đang trên bờ vực đổ vỡ nếu các chế tài của Mỹ có hiệu lực. Một số bộ phận được sử dụng trong các máy bay này được sản xuất tại Mỹ.
Những công ty lớn của Pháp như gã khổng lồ ngành năng lượng Total và hai công ty sản xuất ô-tô Renault và Peugeot cũng có các dự án đầu tư tại Iran.
Cả Pháp và Đức đều gia tăng mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Iran kể từ khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ vào năm 2016.
Các nước Châu Âu đang nỗ lực cứu thỏa thuận Iran như thế nào?
Pháp đã lên án việc tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran là “không thể chấp nhận được”. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho biết Châu Âu phải bảo vệ “chủ quyền kinh tế” của mình.
“Chúng ta muốn là chư hầu cúi đầu và quỳ gối trước các quyết định của Mỹ hay sao?”, ông Le Maire đặt câu hỏi.
Ông Le Maire cũng đã kêu gọi Ủy ban Châu Âu phải tìm cách đưa ra các biện pháp trả đũa tiềm năng.
Bộ trưởng Kinh tế Pháp và người đồng cấp Đức Olaf Scholz dự kiến sẽ có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin để đàm phán các ngoại lệ cho các công ty Châu Âu đang kinh doanh với Iran.
Trong khi đó, theo BBC, Thủ tướng Anh Theresa May đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Trump để thông báo rằng Châu Âu duy trì “cam kết chắc chắn” với thỏa thuận Iran.
Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý về sự cần thiết phải đàm phán về cách các chế tài sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp nước ngoài đang giao thương với Iran.
Các bên tham gia thỏa thuận ngoài Mỹ đang xúc tiến các hoạt động ngoại giao mạnh mẽ để tìm cách cứu vớt thỏa thuận hạt nhân Iran không Mỹ.
Theo Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc nói chuyện với Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan về thỏa thuận Iran.
Theo BBC, trong cuộc nói chuyện với ông Putin, bà Merkel cho biết việc giữ thỏa thuận Iran sống sót là “điều chúng ta cần thảo luận với Iran”. Thủ tướng Đức nói rằng việc đơn phương loại bỏ thỏa thuận này đã phá hủy niềm tin vào trật tự thế giới.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif sẽ tới thăm Trung Quốc, Nga và Liên minh Châu Âu từ cuối tuần này. Và vào thứ Ba (15/5), các ngoại trưởng ba nước Đức, Anh, Pháp cũng sẽ nhóm họp để bàn về thỏa thuận hạt nhân Iran.
>>> Sự thật đằng sau việc con gái nhà Clinton chúc giáo hội sa-tăng “Happy New Year”
Theo Trithucvn