Sự trỗi dậy của Bitcoin
Đây là câu chuyện đằng sau loại tiền tệ mới nhất nhưng có thể trở thành đồng tiền mạnh nhất thế giới.
Daniel Mross là một chuyên gia lập trình máy tính ở Pittsburgh (Pennsylvania, Mỹ). Ngoài việc cân bằng giữa công việc, hôn nhân, và nuôi 3 cậu con trai, ông dành phần lớn thời gian để tham gia vào mọi thứ liên quan đến Bitcoin.
Khi phát hiện ra loại tiền tệ mã hóa này vào năm 2011, Mross cảm thấy nó như một cánh cổng có thể đưa ông đến với một thế giới chưa được khám phá cùng những cơ hội mới.
“Thật hấp dẫn khi có một đồng tiền được phân phối toàn cầu”, ông nói.
Trong 2 phần của bộ phim tài liệu “Sự trỗi dậy của Bitcoin” do Daniel Mross sản xuất, chúng ta sẽ đi vào thế giới phức tạp của Bitcoin để khám phá tác động xã hội và chính trị của loại tiền kỹ thuật số với mã nguồn mở để xem liệu nó có thể tạo ra những thay đổi về tiền tệ và làm thay đổi thế giới mãi mãi?
Bitcoin là gì và ai phát minh ra nó?
Giống như khi internet mới xuất hiện vào năm 1994, người ta cũng không thể giải thích rõ ràng hay hiểu được Bitcoin. Những người ủng hộ so sánh Bitcoin tương tự sự đổi mới công nghệ của World Wide Web. Trong khi internet thay đổi cách thức con người giao tiếp, Bitcoin thay đổi cách chúng ta nhìn nhận và sử dụng đồng tiền.
“Tôi quan tâm đến việc chính phủ sẽ phản ứng như thế nào. Họ không thể tiêu diệt hay ngăn chặn Bitcoin, nhưng họ có thể ngăn cản sự phát triển của nó”, Erik Voorhees, Giám đốc Bitcoin.
Bitcoin được tạo ra để cung cấp một sự thay thế cho hệ thống ngân hàng. Nó là một hệ thống tài khoản mở, cho phép hàng ngàn máy tính trên thế giới theo dõi quyền sở hữu của Bitcoin – như một phần của giao dịch mua bán.
Tất cả các giao dịch đều có thể được những người dùng Bitcoin nhìn thấy, và một khi được xác nhận, sẽ được ghi nhận vào “sổ cái” công khai gọi là “blockchain”. “Blockchain” ghi nhận mọi giao dịch Bitcoin từ khi ra mắt hệ thống và mỗi người dùng đều có một bản sao các giao dịch.
Đây là sự khác biệt cơ bản giữa Bitcoin và hệ thống tài chính trong ngân hàng hiện nay. Trong khi tiền mặt được phát hành bởi một ngân hàng trung ương, Bitcoin là một hệ thống đồng đẳng.
Bitcoin được trao tặng cho “những người khai thác” – là những máy tính chuyên đảm trách việc xử lý và xác nhận các giao dịch Bitcoin – như phần thưởng cho công việc của họ. Đây là cách những đồng Bitcoin mới được đưa vào lưu thông.
Satoshi Nakamoto là người sáng lập ra Bitcoin. Tuy nhiên, cho đến nay danh tính thật của người này vẫn chưa xác nhận được. Nakamoto công bố sự phát triển của hệ thống Bitcoin lần đầu tiên trong một diễn đàn trực tuyến vào cuối năm 2008. Bất chấp sự bí ẩn của tài khoản Nakamoto, những lập trình viên và những nhà phát triển khắp thế giới ngay lập tức nhận ra sự thông minh đằng sau thiết kế đồng đẳng của Nakamoto, và đã làm việc với anh để phát triển Bitcoin.
Vào tháng 10/2009, tỷ giá Bitcoin được công bố lần đầu tiên, ở mức 1 USD ăn 1.309 Bitcoin. Những năm sau đó Bitcoin vẫn có giá rẻ như vậy.
Giao dịch Bitcoin đầu tiên được biết đến xảy ra trong năm 2010, khi 1 cư dân Florida hứa trao 10.000 Bitcoin cho bất kỳ ai đặt cho anh ta 1 ổ bánh pizza. Một người dùng ở Luân Đôn đã đồng ý và gọi một cuộc điện thoại đường dài đến tiệm bánh Papa John’s. Giao dịch Bitcoin đầu tiên trong lịch sử được thiết lập.
Giao dịch đầu tiên đó được ví như một bệ phóng của Bitcoin, nhưng để tăng trưởng hơn nữa, đồng tiền này cần phải được tiếp cận rộng rãi.
Mt Gox tại Tokyo là sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên trên thị trường. Cho đến tháng 11/2010, 4 triệu Bitcoin đã được “sản xuất”. Tỷ giá nhanh chóng tăng đạt 2 coin ăn 1 USD. Thị trường bừng tỉnh và Bitcoin bắt đầu được nhìn nhận có tiềm năng trở thành một loại tiền tệ toàn cầu.
Tiền tệ phản bội
Chỉ 1 tháng sau, cộng đồng Bitcoin nhận được sự chú ý mà họ mong đợi bấy lâu, mặc dù theo cách sai lệch. Sau khi WikiLeaks công bố những bức điện tín ngoại giao bí mật của Mỹ, các tổ chức tài chính lớn tiến hành chặn mọi giao dịch của WikiLeaks. Lúc đó, một bài báo gợi ý rằng Bitcoin sẽ là giải pháp hoàn hảo để thoát khỏi sự kềm cặp.
“Tôi không biết chính phủ sẽ phản ứng với Bitcoin như thế nào. Nhưng tôi tiêu hàng ngàn USD cho luật sư mỗi ngày để chắc chắn rằng tôi không phải vào tù”, Charlie Shrem, Giám đốc điều hành BitInstant.
Satoshi Nakamoto dần dần biến mất khỏi tất cả các diễn đàn – sau đó không ai nhận được tin gì về anh ta nữa.
Chỉ vài tháng sau, thị trường ngầm Con đường Tơ lụa (Silk Road) xuất hiện. Đó là một chợ đen trực tuyến, chuyên kinh doanh những tài sản bất hợp pháp, bao gồm thuốc phiện và những hàng hóa trái phép khác. Con đường Tơ lụa chuyên giao dịch bằng Bitcoin, lợi dụng lợi thế gần như không thể theo dõi của nó.
Tỷ giá trao đổi Bitcoin tiếp tục tăng mạnh. Đến tháng 2/2011, Bitcoin có giá ngang bằng USD, làm dấy lên làn sóng những người sử dụng mới và các nhà đầu cơ.
Đến tháng 6/2011, sau khi đạt mức 1 Bitcoin ăn 31 USD, tỷ giá Bitcoin giảm đột ngột. Sàn Mt Gox bị hack, khiến giá Bitcoin rớt xuống tận đáy. Khi giá trị của Bitcoin chỉ còn 2 USD, các nhà đầu cơ đã mặc định đó là sự kết thúc của giấc mơ.
Bitcoin hôm nay và trong tương lai
Tuy nhiên, năm 2012, sau nhiều tháng duy trì ở mức thấp, bị hack và ăn cắp trực tuyến, Bitcoin dần dần leo trở lại trên bảng tỷ giá.
Đến năm 2013, những website được công nhận như Reddit và WordPress đã công bố Bitcoin là đồng tiền giao dịch hợp pháp.
Nhiều tháng sau, khi Cộng hòa Síp gánh chịu cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong lịch sử và người gửi tiền rút hết tiền từ tài khoản ngân hàng, Bitcoin lên ngôi. Bitcoin ATM được đặt khắp nơi trên đảo quốc, xác nhận niềm tin thần thánh vào Bitcoin như một loại tiền tệ.
Trong khi Bitcoin dường như bảo mật người dùng tốt hơn và cung cấp một lựa chọn tài chính dân chủ hơn so với ngân hàng, nhưng chính sự riêng tư đó lại là môi trường dung dưỡng những hoạt động giấu tên bất hợp pháp – giống như thị trường của Con đường Tơ lụa.
Những nhà chức trách tại Kho bạc Mỹ đã cảnh giác về những mối nguy hiểm tiềm tàng của Bitcoin, bao gồm việc có thể tài trợ cho những nhóm vũ trang và hoạt động rửa tiền. Nhưng những cảnh báo của họ bị cộng đồng Bitcoin phản đối, cáo buộc đó là cách gia tăng kiểm soát và bóp nghẹt loại tiền tệ này.
Vậy, liệu Bitcoin có vượt qua được sóng gió hay sẽ là nạn nhân của hai chữ “hệ thống”?
Tân Dân, dịch từ Al Jazeera