Sự thật kinh hoàng bị che giấu của ngành công nghiệp chăn nuôi gà
Đây là những hình ảnh mà ngành công nghiệp chăn nuôi thịt gà muốn che giấu với cả thế giới. Những hình ảnh này khiến nhiều người không khỏi rùng mình và phẫn nộ.
Sự phát triển của xã hội đòi hỏi các ngành nghề phải đi theo hướng công nghiệp hóa để cho ra sản phẩm một cách nhanh chóng nhất. Đó cũng chính là lý do khiến các nhà máy chế biến thịt tại nhiều quốc gia mọc lên như nấm.
Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa của ngành nuôi và chế biến thịt cũng khiến nhiều người lo ngại về cách con người chúng ta đối xử với vật nuôi. Và mới đây, một đoạn video về khung cảnh diễn ra trong nhà máy chế biến thịt gà đã khiến nhiều người thực sự rùng mình.
Đoạn phim do Animal Equality – một tổ chức về quyền của động vật thực hiện, quay lại cảnh những chú gà con bị đối xử rất tàn tệ ngay khi mới nở. Video được cho là quay tại Mỹ, nhưng công nghệ và cách chăn nuôi thì rất giống tại Anh.
Trong video, những con gà ngay khi mới nở đã bị đối xử rất mạnh tay, khiến đầu của chúng rách nát. Nhưng điều đó vẫn còn may mắn chán nếu so với những chú gà tội nghiệp bị ném luôn vào bao nilon vì bị coi là “không đủ tiêu chuẩn” trong ngành.
Hàng ngàn chú gà sẽ được nhồi nhét trên các khay nhựa, rồi bị nhốt trong một chiếc tủ khổng lồ, không có một chút ánh sáng nào.
Không chỉ vậy, những sinh vật bé nhỏ được đổ thẳng tay từ chiếc khay lên băng chuyền, không một chút thương xót.
Thậm chí, những chú gà nở muộn còn không được tách ra khỏi trứng và thường phải chịu rất nhiều đau đớn.
Những chú gà may mắn sống sót sẽ được thả lên băng chuyền. Các công nhân lúc này sẽ nhặt từng chú gà, tiêm vaccine và các hormone cần thiết rồi ném thẳng vào một vòng xoay ở giữa. Quá trình này diễn ra chỉ trong vòng vài giây.
Công nhân nhặt từng chú gà, tiêm vaccine rồi vứt thẳng vào lỗ ở giữa để vận chuyển sang khu vực khác.
Theo các chuyên gia, quy trình nuôi gà từ khi đỏ hỏn đến lúc vào lò chỉ trong vòng dưới 40 ngày. Những chú gà sẽ được nuôi, vỗ béo, bơm hormone tăng trưởng để đạt kích cỡ chuẩn trong thời gian ngắn nhất.
Cũng chính vì vậy, những con vật đôi khi lớn quá nhanh, chân của chúng dễ bị gãy gập vì không thể theo kịp cân nặng.
Hàng năm, một nhà máy sản xuất và chế biến gà có thể ấp nở vài triệu quả trứng. Tuy nhiên, hàng triệu gà con trong số này đã không thể qua khỏi ngày đầu tiên, chỉ vì chúng là gà trống.
Tất cả những con gà trống đều được xem là “vô dụng” vì không thể đẻ trứng sẽ bị hành quyết ngay khi ra đời. Chúng sẽ bị vứt vào buồng bơm hơi ngạt, hoặc đơn giản chỉ là ném vào máy nghiền.
Những cách đối xử với vật nuôi như vậy luôn vấp phải sự phản đối của các tổ chức trên thế giới, đặc biệt là Tổ chức Thú y thế giới OIE. OIE luôn yêu cầu các quốc gia phải đảm bảo điều kiện tốt nhất cho vật nuôi. Vật nuôi có điều kiện tốt chính là yếu tố quyết định để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, và đó chính là mục tiêu của tổ chức này.
Một trong những quốc gia đảm bảo tốt nhất yêu cầu của OIE chính là Thái Lan. Những trang trại gà tại đây luôn phải hoạt động theo tiêu chuẩn của Cục phát triển chăn nuôi Thái Lan (DLD – Department of Livestock Development), và cả sự đồng thuận của OIE. Và trên thực tế, về điều kiện chăn nuôi thì gà Thái Lan được các chuyên gia đánh giá là vượt qua cả các nước châu Âu, điển hình là Anh quốc.
Theo Trí thức trẻ