Sự phá hoại của Trung Quốc đối với Mỹ đã vươn đến tầm sâu và rộng
Trong nhiều thập kỷ qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phá hoại nước Mỹ bằng cách thâm nhập, làm xói mòn và gây ảnh hưởng lên các cơ quan chủ chốt của Mỹ.
Vào ngày 4/10/2018, Phó Chủ tịch Mike Pence đã nói: “Bắc Kinh đang sử dụng cách tiếp cận toàn chính phủ để nâng cao tầm ảnh hưởng và kiếm lợi ích cho mình”. Ông nói thêm rằng, ĐCSTQ đang tiến hành gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử cũng như chính sách đối nội của Hoa Kỳ và “giờ đây ĐCSTQ còn đang mua chuộc hoặc ép buộc các doanh nghiệp Mỹ, hãng phim, trường đại học, học giả, nhà báo và các quan chức địa phương, tiểu bang, liên bang”.
Dưới đây là một số khía cạnh cụ thể:
Kiểm duyệt và trộm cắp trong hoạt động kinh doanh tại Mỹ
ĐCSTQ đang buộc nhiều công ty Mỹ phải tuân thủ các chương trình kiểm duyệt trong nước Trung Quốc. Vào ngày 25/4, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc đã gửi thư cho 36 hãng hàng không quốc tế có chuyến bay tới Trung Quốc, yêu cầu họ thay đổi mô tả về “Đài Loan”, “Hong Kong” và “Ma Cao” theo tuyên truyền của ĐCSTQ.
Ngày 5/5, Nhà Trắng khẳng định: “Đây là chuyện vô lý kiểu Orwellian* và là một phần trong xu hướng ngày càng tăng của ĐCSTQ nhằm áp đặt quan điểm chính trị của mình đối với công dân và các công ty tư nhân Mỹ”.
(*Orwellian xuất phát từ tên của nhà văn Anh gốc Ấn Độ George Orwell – người đã viết cuốn tiểu thuyết Nineteen Eighty Four (1984) mô tả một môi trường chính trị mà nhà cầm quyền cố gắng kiểm soát mọi mặt cuộc sống người dân, hủy diệt một xã hội mở và tự do).
Nhiều công ty cũng đồng ý phục tùng chính sách kiểm duyệt của ĐCSTQ. Điển hình là Google và Facebook. Mặc dù họ đã bị chặn ở Trung Quốc, nhưng có vài lần cả hai đã đồng ý gỡ bỏ nội dung liên quan đến các vấn đề nhạy cảm như cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989, cuộc đàn áp Pháp Luân Công, đàn áp Phật giáo Tây Tạng,… cho ĐCSTQ.
Có rất nhiều câu chuyện về việc trộm cắp trong nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng bạn có biết một số công ty Hoa Kỳ buộc phải tình nguyện giao quyền sở hữu trí tuệ của mình để được tiếp cận thị trường Trung Quốc?
Cụ thể, một cuộc khảo sát năm 2017 của chính phủ Hoa Kỳ về ngành công nghiệp chip tích hợp cho thấy, 25 công ty đã buộc phải liên doanh với các công ty Trung Quốc và chuyển giao công nghệ của họ. Theo tờ Hill, Hoa Kỳ đã mất gần 1,2 nghìn tỷ đô la từ hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, chủ yếu từ ĐCSTQ trong ba năm qua. Con số này thậm chí vẫn chưa bao gồm những tổn thất về vi phạm bằng sáng chế. Theo cựu sĩ quan tình báo Hải quân Mỹ John Jordan, Bộ An ninh Trung Quốc còn cài cắm đặc vụ ở Thung lũng Silicon để thực hiện mục đích này.
Ngoài ra còn có hoạt động theo dõi thông tin qua chip thiết bị điện tử. Bloomberg gần đây tuyên bố ĐCSTQ đang tiến hành hoạt động gián điệp qua chip gắn trên các thiết bị của Amazon và Apple. Tuy nhiên, các ví dụ về hoạt động gián điệp của ĐCSTQ thông qua chuỗi cung ứng còn tiến xa hơn nhiều, bao gồm phần mềm firmware, ứng dụng dính mã độc, chương trình chia sẻ dữ liệu và các lỗ hổng khác. Những vấn đề này đã được tờ Epoch Times đề cập ít nhất là từ năm 2010.
Thao túng điện ảnh và ngành giải trí
Là một phần trọng tâm trong chiến tranh văn hóa, ĐCSTQ cũng đã làm biến chất Hollywood và ngành công nghiệp giải trí Hoa Kỳ. Theo báo cáo của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ – Trung Quốc vào tháng 10/2015, Trung Quốc xem phim ảnh là một phần trong chính sách kiểm soát xã hội, do vậy khi đưa ra các quy định về điện ảnh, “lợi ích của ĐCSTQ được đặt lên hàng đầu”.
Phim ảnh ở Trung Quốc là do Cục Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc trình chiếu. Cơ quan này sẽ quyết định bộ phim đó có thể được chiếu ở Trung Quốc hay không, và các nhà làm phim đang tích cực phục tùng các chính sách của chính quyền Trung Quốc.
Luật điện ảnh Trung Quốc yêu cầu các nhà làm phim phải có ít nhất một cảnh quay ở Trung Quốc, ít nhất một diễn viên Trung Quốc, và phải minh họa các yếu tố tích cực của Trung Quốc. Bất cứ điều gì trong phim cho thấy tình trạng lạm dụng nhân quyền, nghèo đói, giám sát xã hội toàn trị hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác đều không được phép đưa vào. Không dừng lại ở đó, theo luật kiểm duyệt của ĐCSTQ, Hollywood cũng không được miêu tả nước Mỹ hoặc quân đội Mỹ theo khía cạnh tích cực.
Nếu thấy được số lượng công ty điện ảnh Mỹ đồng ý hợp tác với ĐCSTQ lẫn số công ty trong ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ do Trung Quốc trực tiếp sở hữu, bạn sẽ hiểu vấn đề này nghiêm trọng đến mức nào.
Ảnh hưởng đối với các trường đại học và giáo dục Hoa Kỳ
Thông qua mối quan hệ tài chính, đối tác nghiên cứu và các chương trình hợp tác khác, ĐCSTQ cũng đã tìm cách làm biến chất các trường đại học của Mỹ. Hồi tháng 5/2018, tờ Foreign Policy cho biết: “Tại các khu trường sở trên khắp nước Mỹ, sự thiếu hụt tài trợ đang khiến các phòng ban không có nhiều sự lựa chọn ngoài việc chuyển sang các tổ chức có túi tiền bí ẩn; trong khi đó, Trung Quốc rất muốn chi tiền, đặc biệt là thông qua mạng lưới các Viện Khổng Tử trên toàn cầu”.
Chẳng hạn, tờ Foreign Policy cho biết, đồng giám đốc Học viện Khổng Tử Savannah thuộc Đại học bang Savannah đã trực tiếp tham gia kiểm duyệt thông tin về Đài Loan. Ngoài ra còn có Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc tại Mỹ (CSSA) thường nhận tài trợ từ các lãnh sự quán Trung Quốc. CSSA thường gây áp lực cho sinh viên Trung Quốc và ngăn chặn các sự kiện trong các trường đại học Mỹ dựa trên các chính sách kiểm duyệt của ĐCSTQ. Một trường hợp điển hình là tại Đại học California – San Diego năm 2017, tổ chức CSSA ở địa phương đã cố gắng ngăn cản Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng phát biểu tại lễ trao bằng.
Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson đã công bố một báo cáo ghi lại các trường hợp quan chức đại sứ quán Trung Quốc cố gắng xâm phạm quyền tự do học thuật của Hoa Kỳ. Nội dung báo cáo có đoạn: “Trong hai thập kỷ qua, các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Mỹ đã xâm phạm quyền tự do học thuật của giảng viên đại học, sinh viên, quản trị viên và nhân viên của Mỹ”.
ĐCSTQ thực hiện điều này bằng cách “phàn nàn với các trường đại học về các diễn giả và sự kiện được mời; gây áp lực và/hoặc hối lộ các giảng viên đảm nhận công việc liên quan đến nội dung mà chính quyền Trung Quốc cho là nhạy cảm, cùng các phương thức khác”. Đôi khi, ĐCSTQ còn gây áp lực bằng cách đe dọa các giáo sư.
Phá hoại học viện và chính sách của chính phủ
Đối với các cơ quan có vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách của chính phủ, ĐCSTQ đã nỗ lực đáng kể để đẩy mạnh lợi ích của mình thông qua tài trợ, quan hệ đối tác hoặc bằng cách tác động đến các học giả liên quan.
Nhà báo Bill Gertz thuộc tờ Washington Free Beacon hôm 24/8/2018 cho biết, một trong những cơ quan gián điệp chủ chốt của ĐCSTQ là Ban Mặt trận Thống nhất (United Front Department). Cơ quan này đang tích cực tham gia vào các hoạt động gây ảnh hưởng đến các viện nghiên cứu ở Washington.
Bài báo còn nói rằng, ĐCSTQ “đã tìm cách gây ảnh hưởng đến các bài giảng học thuật ở Trung Quốc và trong một số trường hợp, đã vi phạm – có khả năng vi phạm hình sự – quyền tự do ngôn luận và hội họp vốn được bảo đảm đối với người Mỹ và những người được pháp luật Mỹ bảo vệ”.
Lấy ví dụ, ông Gertz cho biết, Trường Nghiên cứu Quốc tế Tiên tiến Johns Hopkins nhận tài trợ từ Tung Chee-hwa, Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, cơ quan chỉ đạo Ban Mặt trận Thống nhất. Ông Gertz còn lưu ý đến các mối quan hệ của Trung Quốc với Viện Brookings, Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), Trung tâm vì sự Tiến bộ Hoa Kỳ (Center for American Progress), Viện EastWest, Trung tâm Carter và Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.
Riêng đối với các học giả, ĐCSTQ chủ động gây áp lực buộc họ phải tự kiểm duyệt. Những học giả nào phá vỡ chính sách kiểm duyệt của ĐCSTQ, bao gồm cả những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của chính quyền nước này, đều có nguy cơ bị đưa vào danh sách đen.
Các hãng thông tấn lớn thậm chí còn đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền cho ĐCSTQ, thông qua các tin tức được ngụy trang dưới dạng bài viết quảng cáo giống với tin tức chính thống từ kênh thông tấn của nhà nước Trung Quốc China Daily.
Những bài tin kiểu này trong quá khứ đã giúp bao che cho những hành vi vi phạm nhân quyền tàn bạo của ĐCSTQ và là lý do bào chữa cho các cuộc đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc. Trong đó có một số tờ báo như New York Times, Wall Street Journal,…, cùng các chương trình phát sóng ở Quảng trường Thời đại do kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc chi tiền để biện hộ cho việc lực lượng quân sự của ĐCSTQ tiến vào Biển Đông.
Một phần chiến thuật này sẽ do hãng tin Tân Hoa Xã điều hành. Tháng 9/2018, chính quyền Trump đã buộc tờ báo này phải đăng ký là “foreign agents’ (cơ quan công vụ nước ngoài).
Những điều trên không chỉ liên quan đến chính sách của ĐCSTQ mà còn liên quan đến chiến thuật quân sự của đảng này, đó là hệ thống “chiến tranh 3 mặt” gồm chiến tranh tâm lý, pháp lý và dư luận.
Gián điệp quốc tế và kiểm soát chính trị
Một trong số các nhóm đứng sau âm mưu làm biến chất giới tinh hoa của ĐCSTQ là Ủy ban 100. Nhà bình luận của Epoch Times Trevor Loudon cho biết, ủy ban này thường xuyên cử các phái đoàn nhà báo Mỹ đến Trung Quốc , đồng thời tạo điều kiện cho các cuộc họp với các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp cấp cao.
Song song đó, lãnh sự quán Trung Quốc cũng gây áp lực trực tiếp lên các chính trị gia Hoa Kỳ, và tờ Epoch Times đã ghi nhận các trường hợp trong đó các đại diện Hoa Kỳ nhận được các cuộc gọi từ phía ĐCSTQ, nhằm cố ý gây áp lực về lập trường đối với các hành vi vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.
Tập đoàn Cognoscenti từng cho biết, các hoạt động chiến tranh chính trị của Trung Quốc tích cực nhắm vào các chính phủ, tổ chức, nhóm và cá nhân nước ngoài để định hình nhận thức và hành vi của họ.
Nhà báo Gertz nói, Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp cưỡng chế đối với người Mỹ để phục vụ lợi ích riêng. Và những nỗ lực của ĐCSTQ đã thực sự thay đổi phương hướng chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Quốc.
Viện Dự án 2049 (Project 2049 Institute) mô tả chi tiết các hoạt động chiến tranh chính trị của ĐCSTQ trong một báo cáo tháng 10/2013 nêu rõ: “Chiến tranh chính trị là một phần quan trọng trong chiến lược an ninh và chính sách đối ngoại của Trung Quốc”. Về tầm quan trọng của vấn đề, báo cáo khẳng định: “Chiến tranh chính trị đang tìm cách ảnh hưởng đến cảm xúc, động cơ, lý luận khách quan và hành vi của các chính phủ, tổ chức, hội nhóm, cá nhân nước ngoài, theo cách có lợi cho những mục tiêu chính trị, quân sự của Trung Quốc”.
Hồng Liên, theo Epoch Times