Sự nhân đạo của người Nhật: Không nhập khẩu cá phải chết đau đớn tại Việt Nam
Nhật Bản là thị trường có yêu cầu kỹ thuật khắt khe bậc nhất. Riêng với sản phẩm cá, ngoài các chỉ tiêu về trọng lượng, người Nhật còn yêu cầu doanh nghiệp Việt đối xử nhân đạo với những con cá bị giết mổ.
Vụ việc Úc ngừng xuất khẩu bò sang Việt Nam do việc giết mổ dã man những con bò tại nước sở tại là một tín hiệu của ngành chăn nuôi văn minh – ngành chăn nuôi đảm bảo phúc lợi động vật, đảm bảo con vật dù bị khai thác, giết mổ nhưng phải được đối xử nhân đạo.
Yêu cầu này là không mới với ngành chăn nuôi của Việt Nam. Nhật Bản – một trong những thị trường lớn với ngành thủy sản Việt Nam – cũng có những yêu cầu khắt khe, đặc biệt là yêu cầu nhân đạo với động vật bị giết mổ.
Nhật Bản là một trong những thị trường brandmark – thị trường có yêu cầu kỹ thuật khắt khe bậc nhất, mà nếu đáp ứng được các yêu cầu này, doanh nghiệp Việt sẽ “rộng cửa” sang các thị trường khác.
Với riêng sản phẩm cá, người Nhật yêu cầu cá chỉ được nặng 700g.
“Cá nặng hơn họ không lấy, nhẹ hơn trọng lượng trên thì chắc chắn doanh nghiệp không bắt vì sẽ lỗ. Việc làm sao nuôi cá và thu hoạch đúng trọng lượng trên không phải chuyện dễ”, ông Nguyễn Văn Khải – Thành viên HĐQT Công ty Thủy sản Bến Tre chia sẻ tại Tọa đàm Đường ra cho nông sản sạch chiều 20/7.
Cũng theo ông Khải, người Nhật kiểm tra các chỉ tiêu rất căng. Ngoài trọng lượng cá, họ còn yêu cầu doanh nghiệp Việt đối xử nhân đạo với con cá.
“Chúng tôi có bể nước đá rất lạnh. Khi cắt cổ thả ngay vào bể nước lạnh thì con cá không còn cảm giác đau, sẽ ra máu từ từ. Cá trôi đến cuối bể được vớt lên. Khi cắt phi lê đưa vào đèn soi sẽ trong suốt và có vân óng ánh rõ ràng. Nếu soi qua đèn thấy có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy con cá phải chịu đau đớn là không đạt yêu cầu”, ông Khải cho biết.
Bên cạnh đó, khách hàng mỗi khi đặt hàng lại cẩn thận kiểm tra lại, xem các quy trình được vẽ ra có được thực hiện chính xác hay không.
Việc quan tâm tới phúc lợi động vật là một trong 4 tiêu chí của chăn nuôi văn minh. Theo ông Phạm Kim Đăng – Học viện nông nghiệp, chăn nuôi văn minh còn 3 tiêu chí khác gồm: Đưa hàm lượng chất dinh dưỡng như Omega 3, Omega 6… vào thành phẩm; Đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; và an toàn với môi trường.
Liên quan tới thực trạng từ trước đến nay luôn xuất khẩu sản phẩm “ngon”, trong khi người dân trong nước lại dùng thực phẩm “bẩn”, ông Khải cho rằng: “Ở góc độ người sản xuất, công ty hoàn toàn có thể làm ra những sản phẩm an toàn cho người dân trong nước. Tuy nhiên, để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng lại cần những tiêu chuẩn chuẩn mực từ nhiều đơn vị như phân phối, bán lẻ…”
“Phải đảm bảo có những chuẩn mực hàng hóa để vào được siêu thị, và đến tay người tiêu dùng. Phải có quy trình lọc như thế mới tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, và sản phẩm sạch mới đến được tay người dùng”, ông Khải khuyến nghị.
Theo Cafebiz