Sự ăn năn của cảnh sát trưởng tại lối vào địa ngục
Ông vốn là người tư lợi, ích kỷ, không có tính cách chính nghĩa như một cảnh sát nên có. Nhưng trong một lần ‘thập tử nhất sinh’ ông đã thay đổi hoàn toàn…
Trải nghiệm cận kề cái chết của cảnh sát trưởng
Trong cuốn sách ‘Ấn tượng Thiên Đường – Tự thuật của 100 người trở về từ cõi chết’, có câu chuyện về một người đàn ông không tin vào Quỷ Thần, cũng không tin vào sự tồn tại của thế giới bên kia, người này chính là Stein Heidler – cảnh sát trưởng Berlin, Đức. Heidler vốn luôn đối xử với người khác bằng sự thờ ơ, thô lỗ, ích kỷ, không muốn giúp đỡ người khác và không có tính cách chính nghĩa như một cảnh sát nên có.
Vào ngày 1/10/1996, cảnh sát trưởng Stein Heidler, 49 tuổi, đã có một trải nghiệm cận kề cái chết thay đổi cuộc đời khi ông lâm bệnh nặng bị xuất huyết não do tăng huyết áp. Heidler cảm thấy rằng linh hồn của mình đã được rời khỏi xiềng xích của cơ thể, trải nghiệm cảm giác tự do giải thoát, nhưng ngay lúc đó ông bị bao vây bởi một đám linh hồn tham lam. Chúng chào đón ông vào địa ngục. Cảnh tượng này khiến Heidler không tin nổi và tức giận.
Nhớ lại những cảm xúc đầu tiên của mình, Heidler nói: ”Lúc đó tôi rất sốc vì dù sao tôi cũng không muốn ở bên những linh hồn xấu xa này. Tất cả những linh hồn này thoạt nhìn đều hung ác tàn nhẫn, lời nói hành động cử chỉ thô lỗ tàn bạo.
Mặc dù bản thân tôi ích kỷ và không bao giờ đặt mình vào vị trí của người khác, nhưng ít nhất tôi cũng là một người xuất chúng, ăn mặc đẹp. Vì vậy, tôi đã cố gắng vượt qua vòng vây của những linh hồn xấu xa này, nhưng chúng bao vây kín đến mức giọt nước cũng không lọt qua được. Mặc dù tôi không ngừng lớn tiếng kêu cứu nhưng không một ai đến cứu tôi. Có thể nói là chính tôi đã tự đào hố chôn mình, bây giờ cuối cùng cũng nếm trải được cảm giác trong đó.”
Thay đổi ý niệm được đắc cứu
Trong khoảnh khắc đầy tuyệt vọng, Heidler nảy ra một ý tưởng chưa từng có trong đầu: “Tôi cảm thấy đau đớn lạ thường, từ giây phút đó tôi nhìn thấy lỗi lầm của mình trong cả cuộc đời, nhưng tôi không biết làm thế nào để thay đổi số phận của mình. Cho đến khi từ trong nội tâm tôi tràn ngập sự hối hận về tính ích kỷ, tư lợi của bản thân, thì một vị Thần đã giải cứu tôi từ trong vòng vây của ác ma.”
Vì vậy, Heidler đã có thể từ quỷ môn quan trở về, ông nói: “Kể từ đó, tôi không ngừng xem xét nội tâm của mình, nhớ lại những lỗi lầm mà tôi đã mắc phải trong quá khứ và tìm kiếm sự tha thứ từ mọi người. Đó sẽ là một hành trình dài, rất dài và tôi sẽ phải một mình đối mặt với hết thảy.”
Rất khó để thay đổi thói quen và tính cách của một người được tích lũy trong nhiều năm, và Heidler cũng không ngoại lệ, ông nói: “Đôi khi, tôi cảm thấy rất khó khăn để vượt qua. Sự thờ ơ và thô bạo phát triển trong nhiều năm đã trở thành một phần của cơ thể tôi. Có một sự thôi thúc muốn làm điều ác giống như một cái cùm không thể bẻ gãy, nó kích thích tôi hết lần này đến lần khác, và tôi phải cố gắng kiềm chế sự thôi thúc này.
Đôi khi một ý nghĩ xuất hiện: ‘Ta xong rồi, ác niệm trong ta đã khống chế ta rồi!’. Lúc đó, cảnh tượng kinh hoàng của trải nghiệm cận kề cái chết lúc trước sẽ lại hiện ra trước mắt tôi, và sẽ có một ác quỷ há cái miệng đầy máu lao tới cắn tôi, nhưng nó lại không thể cắn xuống được, chỉ là đem cái miệng ấy liều mạng mở ra, cách cổ họng của tôi ở cự ly gần, rất đáng sợ!”
Heidler nói rằng tình trạng này tái diễn nhiều lần, và mỗi lần như vậy ý vị của hình phạt ngày càng rõ ràng hơn. Điều này khiến ông phải suy ngẫm về sự thờ ơ và ích kỷ của mình, dần dần hiểu được sự thờ ơ và thô bạo của mình sẽ mang lại thống khổ, tổn thương cho người khác như thế nào. Heidler cuối cùng nói: “Tôi cố gắng sửa đổi từng chút một cho những tội lỗi tôi đã làm trong quá khứ, mặc dù tôi biết rằng những gì mình đã làm là không thể bù đắp trọn vẹn, nhưng tôi biết mình phải tiếp tục!”
Sau trải nghiệm cận kề cái chết, Heidler đã thay đổi thành một con người khác. Mọi người xung quanh đều cảm thấy rằng ông không ích kỷ, thờ ơ như lúc trước nữa, ông trở nên khá thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Họ đều bất ngờ trước sự thay đổi quá lớn này.
Tử Vi (Theo Vision Times)