Steve Jobs đã truyền ngôi cho kẻ thuộc nhóm người mình khinh ghét nhất
Với bộ 3 iPhone 11 và chu kỳ nâng cấp iPhone được đẩy lên 3 năm, Tim Cook đã một lần nữa thể hiện sự tinh quái trong chiến lược kinh doanh. Nhưng cũng chính sự tinh quái này đã khiến Tim Cook thuộc về nhóm người Steve Jobs căm ghét nhất: những kẻ lãnh đạo công ty mà không biết “làm sản phẩm”.
1. Câu nói để đời
Năm 1995, 10 năm sau ngày bị ép rời khỏi Apple, Steve Jobs đã phát biểu một câu để đời về tình cảnh buồn của những gã khổng lồ công nghệ một thời như IBM và Xerox:
“Nếu bạn là một người làm sản phẩm tại IBM hay Xerox, nếu bạn tạo ra một chiếc máy tính hay một chiếc máy copy tốt hơn… Điều gì sẽ xảy ra? Công ty của bạn vốn đã có thị phần độc quyền rồi, [sản phẩm tốt hơn] không thể giúp công ty thành công thêm nữa.
Lúc này, những kẻ duy nhất có thể giúp công ty thành công hơn là những kẻ làm sale và marketing, và cuối cùng họ sẽ lên làm lãnh đạo công ty. Những người làm sản phẩm sẽ bị loại bỏ ra khỏi khâu lên quyết định, rồi dần dần công ty sẽ quên mất việc tạo ra những sản phẩm tuyệt vời là như thế nào. Sự nhạy bén với sản phẩm, tư tưởng thiên tài về sản phẩm vốn đã giúp công ty vươn lên vị trí độc quyền sẽ dần dần bị loại bỏ bởi những kẻ điều hành công ty này, những kẻ vốn không thể phân biệt một sản phẩm tốt với một sản phẩm xấu“.
Chỉ 2 năm sau, ông được đưa về điều hành Apple. Lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ, Apple lại được lãnh đạo bởi một “người làm sản phẩm” – Steve Jobs. Và với iMac, iPod, iPhone rồi iPad, Apple dần dần vươn lên trở lại đỉnh cao thế giới công nghệ.
2. Truyền ngôi cho Tim Cook
Steve Jobs chỉ sống được thêm 1 năm sau ngày vén màn iPhone 4. Những năm tháng cuối đời, ông dành nhiều thời gian cho một cuốn tiểu sử do cây viết Walter Isaacson, một cây viết lỗi lạc ghi chép lại.
Mới đây, Isaacson, kẻ chịu trách nhiệm ghi lại ký ức của Jobs, đã hé lộ một điều bất ngờ về mối quan hệ giữa nhà sáng lập Apple và người kế vị Tim Cook:
“Đôi khi, những lúc Steve chịu đau đớn, và khi ông ấy giận dữ, ông ấy sẽ nói rằng Cook không phải là người làm sản phẩm. Tôi đã nghĩ rằng, tôi chỉ ghi lại những điều có nghĩa với độc giả (của hồi ký), chứ không phải những lời chỉ trích ấy“.
Điều đó có nghĩa rằng Steve Jobs không hề coi người kế nhiệm của mình thuộc vào nhóm người nên làm chủ công ty. Và đó cũng không hẳn là một điều bất ngờ đối với những ai từng đọc quá khứ của Tim Cook: không hẳn là chuyên về sale/marketing nhưng Cook rõ ràng mang thiên hướng quản lý kinh doanh hơn là thiết kế sản phẩm hay kỹ thuật. Dù có bằng kỹ thuật công nghiệp nhưng Cook cũng có bằng MBA và nổi danh đầu tiên từ IBM, ở vị trí giám đốc đáp ứng đơn hàng. Trước khi về Apple, Cook là phó chủ tịch tại Compaq, mảng thiết bị doanh nghiệp.
Về Apple, Cook được Jobs giao cho vị trí quản lý hoạt động kinh doanh toàn cầu. Việc đầu tiên Cook làm để ghi điểm trong mắt Steve Jobs là đóng cửa nhà máy, tái thiết lại chuỗi cung ứng, đôn đáo đi tìm nguồn cung cho các sản phẩm “đỉnh”… Và đó đều là những việc chẳng mấy ai nghĩ đến khi nhắc về Steve Jobs: Jobs thường chỉ chú tâm vào sản phẩm, còn “tinh quái” là việc dành cho những cấp dưới như Cook.
3. Mâu thuẫn của Steve Jobs
Ấy thế mà, cuối cùng Jobs vẫn đặt Cook lên trên tất cả các “đệ tử” làm sản phẩm của mình. Trong bức thư từ giã vị trí lãnh đạo công ty, ông nói: “Về vấn đề người kế nhiệm, tôi đặc biệt đề nghị rằng chúng ta hãy thực thi kế hoạch nối tiếp, và đưa Tim Cook vào vị trí CEO của Apple. Tôi tin rằng những ngày tươi sáng nhất, sáng tạo nhất của Apple vẫn còn đang ở phía trước“.
3 tháng sau, Jobs qua đời. Các anti-fan vẫn chờ đợi về một kịch bản tương tự như năm 1985 lặp lại. Khi ấy, người thừa kế của Jobs – cũng là kẻ đá nhà sáng lập Apple ra khỏi chính công ty của mình – là một người làm “sale và marketing” như những gì Jobs đã chỉ trích. Không còn khả năng tạo ra những sản phẩm cuốn hút như chiếc Macintosh, Apple dần dần lụi bại trước Microsoft và rồi tiến sát đến bờ vực phá sản.
Đến nay, Apple đã trải qua 10 năm không có bàn tay dìu dắt của Jobs (Tim Cook vốn đã lên nắm quyền điều hành trực tiếp từ năm 2009). Nhưng Apple của năm 2019 khác hẳn với Apple của năm 1995: Apple năm 1995 thì lụi bại, Apple của năm 2019 thì vẫn đang ở rất gần mức nghìn tỷ. Apple năm 1995 chứng kiến đối thủ lớn nhất là Microsoft thống trị mọi mặt, Apple năm 2019 vẫn làm chủ thị trường smartphone cao cấp, thị trường tablet, smartwatch và wearable. Apple năm 1995 thua lỗ nặng nề, còn Apple của năm 2019 có lợi nhuận bằng Samsung và Google cộng lại (số liệu CounterPoint).
4. Tầm nhìn của người lãnh đạo
Vì sao Jobs truyền ngôi cho kẻ thuộc nhóm người mà ông vẫn căm ghét, những kẻ mà theo ông đã khiến những gã khổng lồ công nghệ phải gục ngã? Câu trả lời thực sự rất đơn giản: Cook không phải là một gã làm sản phẩm, nhưng Cook là người lãnh đạo luôn tôn trọng, luôn đề cao những gã làm sản phẩm kế thừa Jobs.
Nhìn vào Apple của ngày hôm nay và bạn sẽ thấy điều đó. Nếu như Steve Jobs luôn là người trình diễn gần như độc nhất tại các sự kiện Apple trước đây thì ngày nay Cook sẽ không giành hết thời lượng về phần mình: trọng trách ra mắt sản phẩm luôn được dành phần nhiều cho những “gã làm sản phẩm” như Phil Schiller, Craig Federighi, Jeff Williams… Chính những người này mới là kẻ kế thừa thực sự của Jobs, Cook chỉ là “kẻ giúp việc” mà thôi.
Báo chí cũng đã luôn ca ngợi khả năng xây dựng đội ngũ lãnh đạo vừa hòa hợp, vừa biết chịu trách nhiệm từ Jobs. Đơn cử, ngay sau màn ra mắt muối mặt của Apple Maps, Cook đã “trảm ngay” Scott Forstall, kẻ vốn thích đấu đá và không thích nhận trách nhiệm cho bản thân. Bộ máy Apple sau khi được Tim Cook xây dựng đã tạo thành một hệ sinh thái sản phẩm gắn kết chưa từng có. Mảng dịch vụ trong năm 2018 và 2019 tăng trưởng mạnh để giúp bù đắp cho smartphone bão hòa chính là minh chứng rõ ràng nhất. Tuy không thể tạo ra những cuộc cách mạng như iPhone hay iPod ngày trước, Apple Watch hay AirPods vẫn bá chủ lĩnh vực của riêng mình, thể hiện niềm tin tuyệt đối của người dùng vào cảm quan trải nghiệm của nhà Táo.
5. Cuộc cách mạng cuối cùng
Dĩ nhiên, vẫn sẽ có người phàn nàn rằng Apple không còn khả năng thực hiện cách mạng công nghệ nữa. Nhưng điều không phải ai cũng nhận ra, đó là Steve Jobs rất có thể đã tạo ra cuộc cách mạng công nghệ cuối cùng – chiếc modern smartphone. Trong cuộc cách mạng công nghệ ấy, Tim Cook vẫn đang giữ cho Apple những lợi thế riêng. Apple có hệ sinh thái riêng, có phần mềm riêng, có tốc độ vượt trội, có những tính năng mà các đối thủ không thể nào bắt kịp (Face ID, chụp ảnh giả lập studio…). Vị thế của chiếc iPhone vẫn mạnh mẽ không kém gì ngày Steve Jobs qua đời: theo số liệu Counterpoint, Apple chiếm tới 80% doanh số phân khúc cao cấp.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2015, Tim Cook kể lại về niềm tin của Steve Jobs: “Các sản phẩm tốt, các công cụ tốt dành cho con người… là di sản của Jobs dành cho thế giới”. Không phải là kẻ thực sự hiểu về sản phẩm, Cook vẫn biết mình cần phải làm gì: giữ cho Apple luôn là một tập thể hướng về sản phẩm. Và Jobs đã nhìn thấy điều ấy ở Cook.
Theo Trí Thức Trẻ