Sợ chọc giận Bắc Kinh, Hong Kong yêu cầu người dân chấm dứt các cuộc tranh luận
Các phong trào đòi độc lập trở nên phổ biến ở Hong Kong thời gian gần đây, đặc biệt trong các trường đại học. Hành động này vấp phải phản ứng giận dữ từ các sinh viên Trung Quốc đại lục.
Theo hãng tin Reuters, tân đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) khẳng định chính quyền không muốn can thiệp hay trừng phạt những người có tư tưởng đòi độc lập trong các trường đại học, tuy nhiên các chiến dịch này đã trở nên “có tổ chức và mang tính hệ thống” thay vì chỉ đơn thuần là tự do ngôn luận.
“Rõ ràng nó đã vi phạm nguyên tắc một quốc gia, hai chế độ… và làm tổn hại mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Hong Kong. Nó không có lợi cho sự phát triển của Hong Kong và phải ngừng ngay lập tức” – bà Carrie Lam lên tiếng gay gắt.
Bà Lam còn cho rằng các chiến dịch đòi độc lập đã vi phạm Bộ luật cơ bản của Hong Kong.
Văn bản luật này bảo vệ quyền được phát ngôn, quyền tụ tập biểu tình của dân Hong Kong. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo các chiến dịch tuyên truyền độc lập kéo dài có thể bị quy tội “kêu gọi chống phá chính quyền”.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình, đã cảnh báo Hong Kong rằng đòi độc lập là “lằn ranh đỏ” không thể vượt qua vì đây là vùng lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.
Các phong trào đòi độc lập trở nên phổ biến ở Hong Kong thời gian gần đây, đặc biệt trong các trường đại học. Một số sinh viên Hong Kong thậm chí đi treo những tấm áp phích tuyên truyền trong trường và hành động vấp phải phản ứng giận dữ từ các sinh viên Trung Quốc đại lục.
Vụ ầm ĩ kéo theo những lời chỉ trích từ truyền thông nhà nước Trung Quốc và một tuyên bố chung của hiệu trưởng các trường đại học Hong Kong, trong đó nói họ không ủng hộ Hong Kong độc lập.
Bình luận về cảnh báo của đặc khu trưởng Carrie Lam, ông Chris Patten, vị toàn quyền cuối cùng của Anh tại Hong Kong, kêu gọi nhà chức trách nên nỗ lực hơn nữa để đối thoại với giới trẻ, giải thích cho họ hiểu vì sao họ sai.
“Bà Lam nói đúng, đó là hành động đòi độc lập sẽ kích động những phản ứng xấu nhất từ truyền thông và nhà cầm quyền Bắc Kinh” – ông Patten nhận xét.
Bà Carrie Lam được cho là thân Bắc Kinh. Vị cựu tổng thư ký chính quyền Đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) này đã giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu ngày 26/3/2017, trở thành trưởng đặc khu trong nhiệm kỳ 5 năm.
Vào cuối năm 2016, truyền thông Trung Quốc từng dẫn lời ông Vương Quang Á – lãnh đạo Văn phòng các vấn đề về Hong Kong, Macau, khẳng định: “Hong Kong là một phần không thể tách rời của đất nước, không có tình huống nào cho phép Hong Kong độc lập. Đây là một điểm mấu chốt không thể chạm đến”.
Theo ông Vương, “một quốc gia, hai chế độ” là thoả thuận mới nên trong quá trình thực hiện có những “tình huống, vấn đề, thách thức mới” phát sinh là chuyện thường.
“Chính phủ trung ương kiên nhẫn và tin vào Hong Kong. Cho đến khi nào nguyên tắc ‘một quốc gia’ không bị tổn hại, những khác biệt giữa hai hệ thống hoàn toàn có thể được chấp nhận và tôn trọng” – ông Vương nói.
Theo Tuổi Trẻ