Siêu vận tải cơ Mỹ chở xe “Quái thú” của Obama tới Việt Nam
Tuần qua, sân bay quốc tế Nội Bài đã đón 5 chuyến máy bay vận tải hạng nặng Boeing C-17 Globemaster III chở trang thiết bị phục vụ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong đó có chiếc ôtô “Quái thú” của tổng thống.
Theo Aviations militaires, C-17 Globemaster III là máy bay vận tải quân sự cỡ lớn được hãng McDonnell Douglas phát triển trong những năm 1980 trên cơ sở thiết kế của mẫu máy bay vận tải chiến thuật YC-15, với phạm vi hoạt động được tăng lên để phù hợp với nhu cầu, nhiệm vụ của không quân Mỹ trong giai đoạn cuối của cuộc Chiến tranh Lạnh.
Sau gần 30 năm hoạt động, C-17 Globemaster III luôn được đánh giá là thiết bị xương sống của ngành vận tải quân sự Mỹ. Không những được quân đội ưa thích, chiếc máy bay này thường xuyên được Nhà Trắng sử dụng để tháp tùng Tổng thống Mỹ trong các chuyến công du nước ngoài. Mục đích chính của C-17 là chuyên chở chiếc limousine bọc thép hạng nặng của tổng thống và các thiết bị hỗ trợ an ninh khác.
C-17 Globemaster III được phát triển nhằm mục đích vận chuyển, cung cấp trang thiết bị vũ khí và lực lượng trực tiếp đến chiến trường, đồng thời có thể đảm nhận các nhiệm vụ như sơ tán y tế và các sứ mạng đặc biệt khác.
Máy bay có chiều dài thân 53 m, sải cánh rộng 51,75 m. Với chiều rộng khoang hàng 5,5 m, cao tối đa 4,6 m, Globemaster III có khả năng mang đến 78 tấn hàng hóa hoặc 102 lính dù tinh nhuệ.
Ngoài ra, máy bay có khả năng vận chuyển hầu hết các thiết bị chiến đấu di động của quân đội Mỹ gồm xe tăng chiến đấu M1 Abrams, xe bọc thép M2/M3 Bradley. Đặc biệt máy bay còn có khả năng chuyên chở 4 máy bay trực thăng vận tải UH-60 Blackhawk, hai máy bay trực thăng tấn công AH-64 Apache.
C-17 Globemaster III có tổ bay ba người gồm cơ trưởng, cơ phó và một chuyên viên bốc dỡ hàng. Sở dĩ chiếc máy bay này chỉ cần đến một nhân viên xếp dỡ đảm nhiệm khối lượng hàng hóa lớn là bởi các nhà thiết kế đã tối đa hóa khả năng tự động của nó.
Cửa khoang hàng hóa, thiết kế bậc tải hàng và hệ thống neo hàng bên trong có thể cho phép hàng hóa được tháo dỡ ngay lập tức mà không cần đến các thiết bị chuyên dụng. Buồng lái của máy bay cũng được nâng cấp với các màn hình CRT giúp tăng độ tin cậy và giảm độ phức tạp. Hệ thống chẩn đoán tình trạng Built-In Test (BIT) cũng giúp giảm thời gian soát lỗi và bảo trì.
C-17 Globemaster III sở hữu 4 động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt, cho phép vận chuyển một khối lượng hàng hóa lớn xuyên lục địa mà không cần tiếp nhiên liệu.
Các động cơ được tích hợp hệ thống đảo chiều lực đẩy giúp máy bay dừng nhanh hơn khi hạ cánh, đồng thời giảm tác động của bụi, mảnh vỡ và tiếng ồn lên các nhân viên hoạt động trên mặt đất.
Khả năng tiếp theo tạo nên nét đặc trưng và năng lực đặc biệt C-17 Globemaster III là độ cơ động và dã chiến của chiếc máy bay này. Nhờ hệ thống nâng đẩy, trong đó sử dụng luồng khí từ động cơ để gia tăng lực nâng, C-17 Globemaster III có thể tiếp cận đường băng ngắn ở tốc độ hạ cánh rất chậm. Cụ thể, máy bay có thể hạ cánh với tổng lượng hàng hóa lên đến 72 tấn trên một đường băng chỉ dài 914 m.
Các chuyên gia của Aviations đánh giá C-17 Globemaster III có thể dễ dàng chuyển hàng hóa đến bất kỳ địa điểm hiểm trở nào trên thế giới với một sân bay dã chiến có diện tích nhỏ và đường băng gồ ghề, kể cả đường băng đất.
Chiếc phi cơ “ngựa thồ” này có giá khoảng 218 triệu USD tại Mỹ. Tổng cộng có 259 chiếc C-17 Globemaster III đã xuất xưởng và đang thuộc biên chế của quân đội nhiều nước như Canada, Ấn Độ, Anh, Qatar, Arab Saudi và khối NATO.
Theo VnExpress