Shin Saimdang – Người phụ nữ đầu tiên được vinh danh trên tiền giấy Hàn Quốc
Shin Saimdang là người phụ nữ nổi tiếng nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Bà là một nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà thư pháp và là mẹ của học giả Nho giáo lỗi lạc nhất trong lịch sử xứ Hàn. Gần đây, bà đã được chọn làm người phụ nữ đầu tiên xuất hiện trên tờ tiền 50.000 Won của nước này.
Chân dung Shin Saimdang, người phụ nữ vĩ đại của Hàn Quốc. (Nguồn: Wikipedia)
Mặc dù là một người phụ nữ tài năng và đức hạnh phi thường, nhưng tiếng tăm của Shin Saimdang (1504-1551) thường gắn liền với tên tuổi người con trai danh tiếng Yi I.
Yi I là một trong những học giả Nho giáo nổi tiếng nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Người Hàn thường hình dung Yi I và mẹ ông tương tự như vị triết gia lỗi lạc Trung Quốc – Mạnh Tử và người mẹ nổi tiếng của ông.
Tương tự như Mạnh Tử, Yi I cũng được mẹ dạy dỗ từ khi còn nhỏ và sau này trở thành một học giả danh tiếng.
Một nghệ sĩ tài năng
Shin Saimdang tên hồi nhỏ là In-seon, sinh tại gia đình nhà ngoại ở Gangneung, tỉnh Gangwon. Cha bà là Shin Myeong-hwa một học giả người Seoul, và mẹ họ Yi gốc Yongin. Từ nhỏ Shin Saimdang đã có ngoại hình thanh tú, sáng sủa và có tài năng nổi trội nên được rất nhiều người yêu mến.
Từ khi 7 tuổi Shin Saimdang bắt đầu tự học vẽ tranh. Nhờ có sự giúp đỡ hết lòng của gia đình mà Shin Saimdang đã thể hiện được tài năng thiên phú, thể hiện được những đường nét tinh tế và sắc màu phong phú qua các bức tranh như vẽ sâu cỏ, cành nho, cây mai, hoa lan,…
Tranh của Shin Saimdang nổi tiếng là tinh tế và sống động, tới mức có chuyện kể lại rằng, một ngày, bà vẽ tranh châu chấu đậu trên cành cây Toan tương (hoa lồng đèn) và tặng cho một người họ hàng. Khi người này trải tranh ra, bức tranh trông thực đến mức gà ngoài sân cũng tưởng là châu chấu mà lao vào mổ. Các học giả cùng thời với Shin Saimdang, ai cũng tán tụng bà.
Tranh vẽ của Shin Saimdang. (Nguồn: chosonkorea.org)
Shin Saimdang còn được biết đến là người giỏi về thơ văn, từ nhỏ đã ham đọc kinh thư Nho giáo và văn chương của các bậc thánh hiền, đồng thời còn có tài thêu thùa, kim chỉ vượt bậc nên được coi là nữ nghệ sĩ tiêu biểu của giai đoạn trung kỳ thời Joseon.
Người mẹ nuôi dạy nên một học giả Nho giáo danh tiếng
Năm 1522, Shin Saimdang kết hôn khi bước sang tuổi 19. Chồng bà là Yi Won-su, một quan văn. Do phía nhà ngoại không có con trai, nên sau khi kết hôn, được sự đồng ý của nhà chồng và gia đình chồng, Shin Saimdang thường xuyên về sống ở nhà cha mẹ đẻ. Bà sinh hạ được 4 người con trai, 3 người con gái. Sinh sống hòa thuận ở cả 2 bên nội ngoại như vậy khiến mọi người kính trọng, gọi bà là “Vị phu nhân đức hạnh họ Shin”.
Sau khi kết hôn, Shin Saimdang dồn hết tâm sức vào việc giáo dục con cái. Với tình yêu thương và sự nghiêm khắc, bà đã dạy dỗ cho các con mình nên người một cách rất tuyệt vời. Cũng vì vậy mà bà đã tự đặt cho mình cái tên hiệu là Saimdang (Sư Nhậm Đường) với ý nghĩa là noi theo tấm gương của bà Thái Nhậm, người phụ nữ hiền thục nhất trong lịch sử Trung Quốc, mẹ của bậc thánh quân nhà Chu là vua Văn Vương.
Đặc biệt, bà đã nuôi dạy con trai thứ ba Yi I trở thành một trong hai Nho gia lỗi lạc nhất dưới thời Joseon.
Chân dung Yi I. (Ảnh: yoosi0211.tistory.com)
Có một câu chuyện thú vị rằng, Shin Saimdang từng có một giấc mơ thấy một con rồng trong phòng. Và trong văn hóa Hàn Quốc, nếu người phụ nữ mơ thấy rồng, hổ hoặc cá lớn thì sắp sinh con trai. Quả nhiên không lâu sau, bà mang thai và hạ sinh Yi I Yulgok ngay trong căn phòng đó.
Từ nhỏ, ông đã được mẹ dạy dỗ. Ông còn giao tiếp với nhiều học giả là bạn bè của cha mẹ. Khi mới 13 tuổi, ông đã thi đậu tiến sĩ. Ông 9 lần dự thi và đều đỗ đầu, vì thế thiên hạ gọi ông là “Cửu Độ Trạng Nguyên Công”.
Đối với tài đức của Yi I, ở thời Joseon cũng nhiều người cho rằng đó chính là nhờ quá trình dạy dỗ của từ mẫu Shin Saimdang. Ông từng được nhà vua bổ nhiệm các chức trong bộ Hộ, bộ Lễ, từng được phái đi sứ ở nhà Minh.
Sự nghiệp của ông được sánh ngang với triết gia Mạnh Tử của Trung Quốc. Và cả hai đều có những người mẹ phi thường đã dành hết tâm huyết dạy dỗ con mình thành tài. Hình ảnh của ông hiện được in trên tờ tiền 5.000 Won của Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, Shin Saimdang còn nuôi dạy con gái đầu lòng là Mae-chang và con trai thứ tư là Yi Woo cũng trở thành những nghệ sĩ tài ba trong lĩnh vực thơ ca và hội họa.
Không chỉ là người mẹ hiền, Shin Saimdang còn là một người vợ đảm, hết lòng khích lệ chồng trong sự nghiệp làm quan triều đình. Bà đã làm tròn bổn phận của một người vợ có đạo đức và nhân cách cao quý. Shin Saimdang bị bệnh tim và qua đời ở tuổi 48.
Người phụ nữ Hàn Quốc đầu tiên được chọn làm hình ảnh in trên tiền giấy
Ngày nay, ngôi nhà của Shin Saimdang trở thành một di tích lịch sử quốc gia. Tọa lạc ở phía Bắc thành phố bờ biển Kangnung, với tên gọi Ojukheon, ngôi nhà được các em học sinh từ khắp đất nước viếng thăm hàng năm. Nơi đây từng là hình ảnh trên mặt sau của tờ tiền 5.000 Won, cùng với ảnh của Yi I ở mặt trước. Giờ đây, mặt sau của tờ 5.000 phiên bản mới là một số tác phẩm tranh vẽ của Saimdang.
Việc lựa chọn các nhân vật lịch sử để vinh danh trên tiền tệ đã đến với gia đình Yi I Yulgok một lần nữa vào năm 2009, khi Hàn Quốc quyết định in một mệnh giá lớn hơn, đó là tờ 50.000 Won. Và nhân vật được chọn là mẹ của Yi I, Shin Saimdang.
Bà là người phụ nữ đầu tiên được công nhận là một nhân vật lịch sử quan trọng, xứng đáng được vinh danh trên tiền tệ của quốc gia. Những thành tựu của bà rất đáng trân trọng, là một người mẹ, người vợ, người phụ nữ, một nghệ sĩ,nhà văn, nhà giáo tiêu biểu của Hàn Quốc.
TinhHoa tổng hợp