Serbia: Hàng ngàn người biểu tình kêu gọi Tổng thống từ chức bất chấp COVID-19 lây lan
Cảnh sát Serbia hôm 8/7 đã bắn hơi cay sau khi bị người biểu tình ném đá và pháo sáng. Hàng ngàn người biểu tình vây kín quốc hội Belgrade yêu cầu Tổng thống Vucic phải từ chức, bất chấp cảnh báo việc tụ tập đông đúc như vậy có thể khiến nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tăng cao, Epoch Times đưa tin.
Tối hôm 8/7, bạo lực đã nổ ra khi một đám đông biểu tình xông vào trụ sở quốc hội Serbia để phản đối kế hoạch tái lập phong tỏa sau khi chính phủ báo cáo một đợt các ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến. Cuộc đụng độ khiến 43 sĩ quan cảnh sát cùng 17 người biểu tình bị thương, 23 người bị bắt giữ.
Vài giờ trước khi cuộc biểu tình nổ ra, Tổng thống Aleksandar Vucic đã kêu gọi người dân ngừng tham dự các cuộc biểu tình chống chính phủ, để tránh virus lây lan thêm đồng thời cảnh báo rằng, không còn sót giường bệnh nào trong bệnh viện.
“Không còn giường bệnh nào trong bệnh viện của chúng tôi. Chúng tôi sẽ mở bệnh viện mới”, ông nói trong một bài phát biểu. Ông cáo buộc các nhóm cực hữu và các quan chức tình báo “đã đàn dựng lên các cuộc bạo loạn nhằm là suy yếu Serbia”.
Hầu hết những người biểu tình vào tối 8/7 đều đeo khẩu trang bảo vệ, thổi còi và hô lớn “Vucic phải từ chức” khi đối mặt với cảnh sát chống bạo động bảo vệ khu phức hợp quốc hội. Một số người còn ném đá và pháo sáng vào cảnh sát, và bị cảnh sát đáp trả bằng hơi cay. Người biểu tình cũng đụng độ với cảnh sát ở thành phố phía Bắc Novi Sad.
Vucic cho biết mặc dù vào ngày 7/7 ông đã tuyên bố đợt phong tỏa mới sẽ được áp dụng tại Belgrade vào cuối tuần này, nhưng cuối cùng ông đã khuyến nghị chính phủ và các cơ quan y tế không nên giới thiệu nó. Chính phủ sẽ công bố một loạt các biện pháp hạn chế mới vào ngày 9/7, ông nói.
Serbia với dân số 7 triệu người, đã báo cáo 17.076 ca nhiễm COVID-19 và 341 người chết. Cơ quan y tế nước này cho biết các bệnh viện đang hoạt động hết công suất và các nhân viên y tế đã kiệt sức. Chỉ 1 ngày từ 7/7 đến 8/7, số ca nhiễm mới đã tăng từ 299 đến 357 ca.
Các nhà phê bình cho rằng, những quyết định của chính phủ như: Cho phép các trận đấu bóng đá, lễ hội tôn giáo, các bữa tiệc, các cuộc họp mặt tư nhân được tiếp tục, và cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào ngày 21/6 là nguyên nhân gia tăng các ca nhiễm virus mới.
Về phía Chính phủ Serbia, họ đổ lỗi cho việc thiếu kỷ luật vệ sinh trong cộng đồng, đặc biệt là trong các hộp đêm.
Thiện Thành (Theo Epoch Times)