Sẽ cắt điện, nước nếu chây ì nộp phạt vi phạm hành chính?
Việc cắt điện, nước là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mới được Bộ Tư pháp đề xuất trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Vào chiều 22/5, đề xuất cắt điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên được trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, hiện đang có những ý kiến khác nhau.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Một trong những đề xuất sửa đổi, bổ sung là “Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”.
Thẩm tra luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, có 2 luồng ý kiến. Thứ nhất là đề nghị bổ sung thành biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thứ 2 là đề nghị quy định thành biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
Theo ông Tùng, một số người tán thành với ý kiến thứ nhất, bổ sung biện pháp cưỡng chế này để có thêm công cụ hữu hiệu trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính sau khi đã áp dụng các biện pháp hiện hành như đề xuất trong dự thảo Luật; đồng thời đề nghị thu hẹp trường hợp áp dụng biện pháp này theo hướng chỉ áp dụng để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt bằng hình thức đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người không tán thành vì cho rằng điện, nước là nhu cầu thiết yếu, là ‘nguyên liệu’ quan trọng của hoạt động sản xuất, kinh doanh nên việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước như một biện pháp cưỡng chế để buộc cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải thực hiện quyết định xử phạt (nộp tiền phạt) là chưa phù hợp.
Không những không phù hợp, nó còn làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức. Nhất là khi điện, nước không phải là công cụ, phương tiện vi phạm.
Hơn nữa, luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành cũng đã quy định nhiều biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có tính ‘trực tiếp’ để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính…
Vũ Tuấn (t/h)