Sau 2 năm, TT Duterte vẫn mòn mỏi chờ tiền xoay trục của Bắc Kinh
Kể từ khi khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte loan báo màn xoay trục ngoạn mục từ đồng minh lịch sử Hoa Kỳ sang gã khổng lồ láng giềng Trung Quốc sẵn sàng mở hầu bao, ông Duterte vẫn phải chờ đợi những khoản đầu tư tỷ đô chưa tới của Bắc Kinh.
Năm 2016, Tổng thống Philippines Duterte tới Bắc Kinh và đem về cam kết đầu tư 24 tỷ USD vào các dự án cải tạo cơ sở hạ tầng quan trọng, chỉ vài tuần sau khi ông ta tuyên bố Philippines đã bị Mỹ đối xử “như con chó” và “làm bạn với Trung Quốc còn tốt hơn”.
Đến nay, chỉ một phần nhỏ của lời hứa trên trở thành sự thực, ông Duterte trong khi vẫn hết lòng “yêu mến Bắc Kinh”, đang phải hứng búa rìu chỉ trích như một tay sai không công giúp Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Philippines.
Trong tuần này, Philippines sẽ trải thảm đỏ đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và theo Richard Heydarian, một nhà phân tích an ninh từ Manila, Duterte sẽ phải hy vọng tiền của Bắc Kinh sẽ đi theo cùng với ông Tập, nếu không “chúng ta chắc chắn có thể kết luận rằng chẳng có gì ngoài những lời nói suông và Philippines đã bị lợi dụng”.
“Sự ngây thơ của ông Duterte với Trung Quốc là một chiến thắng chiến lược cho Trung Quốc, không có nghi ngờ gì”, Heydarian viết.
Bộ trưởng Ngân sách Philippines Benjamin Diokno cho rằng là không hợp lý nếu kỳ vọng toàn bộ cam kết của Trung Quốc đều trở thành sự thực chỉ sau 2 năm, nhưng Manila kỳ vọng sự can thiệp của ông Tập sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ.
Dự án hạ tầng cơ sở mà ông Duterte nhắc lại nhiều lần là “Xây, Xây và Xây thêm nữa”, trọng tâm trong chiến lược kinh tế của ông, bao gồm 75 dự án xây dựng đắt đỏ, trong đó một nửa sử dụng tiền vay, viện trợ và đầu tư của Trung quốc.
Nhưng theo các tài liệu do Manila công bố được Reuters rà soát, chỉ có 3 dự án – 2 cây cầu và 1 hệ thống tưới tiêu có chi phí tổng cộng 167 triệu USD là được khởi công.
Số còn lại, gồm 3 dự án đường sắt, 3 đường quốc lộ và 9 cây cầu, mới đang ở giai đoạn lập kế hoạch, hoặc đang chờ chính phủ Trung Quốc thông qua phần cấp vốn, hoặc đang chờ đấu thầu nhà thầu Trung Quốc.
Trong một tuyên bố tới Reuters, sau khi tờ báo này có bài viết chỉ ra tiến độ đầu tư của Trung Quốc vào Philippines, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các dự án song phương lớn “đang được tiến hành trơn tru và đạt được kết quả tích cực”.
“Trung Quốc muốn thúc đẩy thương mại và đầu tư, và khuyến khích thực hiện sớm việc xây dựng các dự án mà 2 nước đã đồng ý”, tuyên bố của Bộ này ghi.
Nhưng khoản tiền đầu tư theo cam kết của Trung Quốc vào Philippines trong nửa đầu năm nay chỉ có 33 triệu USD, bằng 40% so với Mỹ và khoảng 1/7 so với Nhật Bản, theo số liệu của Tổng cục Thống Kê Philippines.
Thương mại song phương Trung-Philippines cũng gia tăng, nhưng theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Hàng xuất khẩu Trung Quốc sang Philippines tăng 26% trong 9 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước, trong khi hàng nhập khẩu từ Philippines chỉ tăng 9,8%.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng của Trung Quốc vào Philippines tuy có tăng, lên 181 triệu USD trong 8 tháng đầu năm nay, mức tăng lớn nếu so với con số 28,8 triệu USD trong toàn bộ năm 2017, nhưng còn xa mới tới con số 24 tỷ đô mà Bắc Kinh hứa hẹn.
Từ khi xoay trục sang Trung Quốc, ông Duterte chưa một lần lỗi hẹn thể hiện tình cảm yêu quý của mình đối với ông Tập Cận Bình. Ông ta thậm chí còn nói đùa rằng Bắc Kinh có thể xem Philippines như “một tỉnh của Trung Quốc”.
Rất nhiều người Philippines cũng như các luật sư và nhà ngoại giao quốc tế tỏ ra tức giận khi ông Duterte không chịu nêu vấn đề Tòa Trọng tài Quốc tế đã xử Philippines thắng kiện trong vụ kiện Biển Đông với Trung Quốc. Thay vào đó, ông ta tìm kiếm một thỏa thuận cùng thăm dò, khai thác dầu khí tại vùng Cỏ Rong (Reed Bank) với Trung Quốc.
Ông Duterte cũng phản đối việc các quốc gia Đông Nam Á liên kết lại để phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông tại các diễn đàn khu vực. Ông ta cảnh báo việc này sẽ dẫn đến xung đột, bởi vì “Biển Đông hiện tại đang trong tay Trung Quốc”. Tổng thống Philippines thậm chí còn đổ tội cho Mỹ mới là người gây cản trở việc tìm một giải pháp hòa bình cho Biển Đông.
Tác giả Heydarian cho rằng với tất cả các nhượng bộ trên, nếu ông Duterte không thể chứng minh được lợi ích kinh tế từ canh bạc Trung Quốc, ông ta có thể phải chịu hậu quả trong cuộc bầu cử giữa kỳ 2019.
Để có cơ hội thực hiện nghị trình chính trị của mình, ông Duterte sẽ cần có đồng minh ở Quốc hội để có thể đảm bảo các điều luật quan trọng được thông qua, chẳng hạn các cải tổ để thu hút đầu tư nước ngoài, tu sửa cơ sở hạ tầng và tạo công ăn việc làm.
Chính các quan chức trong chính quyền Duterte cũng không chia sẻ quan điểm với ông ta về Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr khẳng định Manila “chắc chắn sẽ không đầu hàng một tấc chủ quyền” tại Biển Đông cho Trung Quốc.
“Nếu sau chuyến thăm của Tập Cận Bình, Trung Quốc vẫn không có động thái gì lớn trong việc đầu tư vào Philippines, nếu việc quân sự hóa và cải tạo Biển Đông Trung Quốc vẫn tiếp tục mà không bị phản đối, các bạn sẽ chứng kiến một tình huống mà ông Duterte sẽ phải chịu áp lực ghê gớm”, nhà phân tích Heydarian nói.
“Phe đối lập sẽ sử dụng điều này để gọi Duterte và đồng minh của ông ta là tay sai của Trung Quốc.”
>>> Trung Quốc nhượng bộ Mỹ, truyền thông nhà nước im lặng
>>> Mỹ chơi thân với Đài Loan, dè chừng với Trung Quốc
Theo trithucvn.net