“Satan giáo”, thử thách Cá Voi Xanh và cái chết của hàng loạt thiếu niên
Các nhà chức trách Iran đã kết luận trò thử thách lan truyền trên mạng xã hội có tên Cá Voi Xanh có liên quan đến vụ tự sát của hai cô gái tuổi teen. Vậy là một hiện tượng trực tuyến có liên quan đến những vụ tự sát trên toàn thế giới đã được sáng tỏ.
Cảnh sát Iran cho biết, ngày 21/10, hai cô gái trẻ đã nhảy xuống từ một cây cầu ở trung tâm thành phố Isfahan. Hậu quả là một người chết và người còn lại phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Khi được báo cáo về thử thách Cá Voi Xanh, giới chức Iran có động thái tăng cường kiểm soát đối với Internet, vốn đã bị chính phủ Iran và các cơ quan kiểm duyệt giám sát vô cùng gắt gao.
Theo cơ quan thông tấn tư pháp Mizan Online, cảnh sát trưởng của thành phố Isfahan là ông Mehdi Masoom Beigi cho biết, các nhà chức trách đã phát hiện ra tin nhắn thoại được các cô gái ghi lại. Trong đó họ đã chào tạm biệt cha mẹ và tiết lộ rằng sẽ lấy tính mạng để hoàn thành thử thách Cá Voi Xanh.
“Thử thách Cá voi xanh” là một trò chơi trên mạng xã hội. Ban quản trị trò chơi sẽ dẫn dắt người chơi thực hiện nhiều việc làm khác nhau, từ bình thường đến nguy hiểm, từ nhẹ nhàng đến “đẳng cấp cao”, như trao đổi trên mạng về cá voi xanh; xem phim Cá voi xanh; xem phim kinh dị; vẽ hình cá voi xanh (bằng bút bi) lên cơ thể; sử dụng dao, lưỡi lam hoặc kim khâu để tạo hình dáng cá voi lên cánh tay hoặc chân…
Họ cũng được khuyến khích đăng tải hình ảnh về những thử thách hàng ngày của mình lên mạng.
Vào ngày cuối cùng (ngày thứ 50), người chơi sẽ được cộng đồng mạng thừa nhận là “người chiến thắng” khi “dũng cảm” tự kết liễu đời mình (tự sát), giống như hiện tượng có một số con cá voi xanh tự lao lên bãi biển để tự kết liễu cuộc đời trong tự nhiên.
Rất nhiều vụ tự tử và cố ý tự tử qua khám nghiệm đã được cho rằng có liên kết với trò chơi này, mặc dù sau khi kiểm tra chặt chẽ hơn thì lại không tìm thấy sự ràng buộc thuyết phục nào trong số họ.
“Những ý tưởng theo chủ nghĩa Satan giáo”
Vào ngày 22/10, Bộ trưởng truyền thông và công nghệ thông tin của Iran, ông Azari Jahromi cho biết trên Instagram rằng, vụ việc này đã “gây sốc” và thúc giục các bậc cha mẹ giám sát chặt chẽ hơn đối với việc sử dụng mạng xã hội của thanh thiếu niên.
Tháng 9, ông Jahromi cho biết Cá Voi Xanh được lấy cảm hứng từ “ý tưởng Satan giáo” và hứa rằng chính phủ của ông sẽ cố gắng ngăn chặn sự xâm nhập của vấn nạn này ở Iran bằng cách thắt chặt giám sát trên Internet.
Trong những năm gần đây, cộng hòa Hồi giáo đã chặn quyền truy cập vào YouTube và các trang mạng xã hội của phương Tây như Facebook và Twitter. Điều này đã khiến các nhà chức trách Iran tạo ra một trong những bộ lọc Internet lớn nhất thế giới. Tuy thế, công dân của quốc gia này vẫn tiếp tục truy cập vào các trang web phương Tây thông qua những công cụ như mạng riêng ảo (VPN).
Sự việc ngày 21/10 đã khiến một số người dùng mạng xã hội ở Iran lo ngại.
Nhà làm phim người Iran tên Ghazale Soltani đã đăng tải trên Twitter ngày 22/10: “Vào Giai đoạn thứ 26 của trò chơi Cá Voi Xanh, bạn được bảo rằng: ‘Chúng tôi sẽ liên lạc để thông báo thời gian cho cái chết của bạn. Bạn phải chấp thuận nó’. Hãy quan tâm hơn đến thế hệ thanh thiếu niên của chúng ta”.
Trò chơi có nguồn gốc từ Nga?
Cá Voi Xanh xuất phát từ VKontakte – trang mạng xã hội được sử dụng rộng rãi ở Nga.
Trong bài báo gây nên làn sóng dư luận được xuất bản vào tháng 5, tờ báo Nga Novaya Gazeta tuyên bố rằng “đại đa số” trong khoảng 130 vụ tự sát của giới trẻ ở Nga từ tháng 11/2015 đến tháng 4/2016 có liên quan đến thử thách Cá Voi Xanh.
Các báo cáo tiếp theo đã bác bỏ tuyên bố đó, các lực lượng thực thi pháp luật và các chuyên gia khác cũng đã thể hiện sự thận trọng trong việc gán ghép trò chơi này lên bất kỳ cái chết nào xảy ra.
Nhiều nhà hoạt động Nga đã đưa ra lý lẽ tập trung hơn vào các yếu tố thúc đẩy sự quan tâm của giới trẻ trong các trò chơi như vậy, trong khi nhiều chính trị gia lập luận rằng hiện tượng này sẽ dẫn đến nhiều hạn chế hơn trên mạng trực tuyến.
Theo một bài đăng trên News.Zing.vn ngày 8/5/2018, tại Việt Nam cũng có thiếu niên tham gia trò chơi có hồi kết chết chóc này. Đó là những em học sinh cấp THCS ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, có em đã tự rạch vào tay để tạo hình cá voi xanh như hướng dẫn của trò chơi trên Internet.
Xuân Nhạn, theo RFE