Sáng kiến chống trộm tranh quý
Theo những người đề xướng, một loại chữ ký số hóa độc nhất vô nhị có thể giúp phân biệt các kiệt tác hội họa nguyên gốc với tranh giả mạo và qua đó hỗ trợ việc phát hiện tác phẩm đã bị đánh cắp.
Giới truyền thông thế giới vừa đồng loạt đưa tin về một sự cố gây chấn động hồi đầu tuần này: những kẻ trộm táo tợn đã đột nhập trước bình vào bảo tàng Kunsthal ở Rotterdam, Hà Lan và lấy đi 7 kiệt tác hội họa của 4 họa sĩ lừng danh là Picasso, Monet, Matisse và Gauguin. Cảnh sát cho biết, đây là vụ trộm lớn nhất ở Hà Lan trong hơn 2 thập niên qua, với tổng trị giá tài sản bị mất ước tính lên tới gần 100 triệu USD. Sự cố một lần nữa làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về nạn trộm tranh và nhu cầu về một phương pháp chống trộm hiệu quả. Cả thế giới đang nỗ lực cho ra đời những sáng kiến giúp ngăn cản bọn trộm, trong đó phải kể đến dự án có tên FING-aRt-PRINT do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ nhằm tạo nên một “chữ ký số hóa độc nhất vô nhị” trên các kiệt tác hội họa, có khả năng phân biệt những tác phẩm nguyên gốc, giả mạo và bị đánh cắp. Trang Discovery dẫn lời Kirk Martinez, một thành viên nhóm dự án và là giảng viên cấp cao chuyên ngành Điện tử và Vi tính tại Đại học Southampton (Mỹ) lý giải: “Thông qua sự kết hợp giữa phương pháp đo đạc mô tả bề mặt cực kỳ chính xác với các phép đo màu vô cùng chuẩn xác, chúng tôi tin có thể lưu trữ “dấu vân tay” của đối tượng (trong trường hợp này là các bức tranh), đặc điểm không thể sao chép”. Giống như dấu vân tay, mỗi bức tranh sở hữu các đặc tính nhất định về độ ráp của bề mặt tác phẩm và màu sắc. Những đặc điểm này có thể được nhìn thấy dưới kính hiển vi. Tất cả khiến mỗi tác phẩm hội họa trở thành độc nhất vô nhị và có thể dễ dàng được nhận ra. Từ khoảng cách không đầy 1,5cm, các nhà nghiên cứu sử dụng một kính hiển vi phức tạp gọi là máy đo biên dạng tiêu điểm ánh sáng trắng để đo độ ráp của 1cm2 của một bức tranh. Bằng cách hướng một camera đặc biệt vào cùng vị trí, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một “dấu vân tay” quang phổ ghi lại cách thức ánh sáng phản chiếu trên tranh. Việc làm này cung cấp các thông tin giá trị về màu và chất nhuộm sử dụng trong tác phẩm hội họa. Cuối cùng, hình ảnh về điểm lấy dấu “vân tay” của bức tranh được lưu lại phục vụ mục đích tra cứu trong tương lai. Marc Masurovsky, một nhà sử học và cũng là chuyên gia về tranh đánh cắp, nhận định, công nghệ mới giống như đóng dấu lên đối tượng, giúp chúng ta nhận diện ra chúng. Ứng dụng của nó là khả năng giúp ngăn chặn sự giả mạo hoặc trộm cắp tranh. Tuy nhiên, một số người chỉ trích hoài nghị liệu công nghệ FINGER-aRt-PRINT có thể tạo ra “chữ ký” số hóa bền lâu vĩnh cửu cho các bức tranh trước thực tế rằng, độ ráp và màu sắc của tác phẩm hội họa luôn bị hủy hoại theo thời gian. Dù thế nào, theo chuyên gia Masurovsky, công nghệ FINGER-aRt-PRINT cũng là một bước đi đúng hướng, góp phần vào những nỗ lực chống nạn sao chép và trộm cắp tranh hiện nay. Tuấn Anh |
Theo VietnamNet