Rút bài viết phủ định tác dụng điều trị COVID-19 của Hydroxychloroquine, nhóm nghiên cứu “xin lỗi sâu sắc”
Một tạp chí hàng đầu đã rút lại nghiên cứu về thuốc sốt rét hydroxychloroquine, sau khi 3 nhà nghiên cứu thừa nhận họ không thể đảm bảo số liệu thống kê trong nghiên cứu thuốc. Ban đầu nghiên cứu thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận thế giới, bởi kết quả từ nghiên cứu đã khiến nhiều quá trình thử nghiệm khác bị trì hoãn.
Các nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát và đưa ra kết luận dựa trên hồ sơ bệnh án của gần 100,000 bệnh nhân đã dùng hydroxychloroquine hoặc chloroquine – một loại thuốc gần tương đồng với hydroxychloroquine. Bốn nhà nghiên cứu chỉ rõ, quá trình phân tích cho thấy những bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán đã dùng thuốc có tỷ lệ tử vong cao hơn những người không dùng.
Tuy nhiên Surgisphere – công ty phân tích chăm sóc sức khỏe ít được biết đến ở Chicago – là nơi làm việc của một trong những nhà nghiên cứu nói trên. Công ty này đã từ chối cung cấp dữ liệu được cho là chứa đựng các hồ sơ bệnh án. Điều này đã khiến 3 nhà nghiên cứu còn lại yêu cầu rút bài nghiên cứu.
Thông tin trên tờ Lancet và tuyên bố của các nhà khoa học đề cập đến việc rút lại bài báo nghiên cứu trên:
“Những người bình duyệt độc lập thông báo với chúng tôi rằng: Surgisphere không chuyển được ‘những thông tin liên quan bao gồm, toàn bộ tập dữ liệu cơ sở’ để họ phân tích, bởi việc chuyển dữ liệu này vi phạm thỏa thuận với bệnh nhân tham gia và quy định bảo mật”, các nhà nghiên cứu viết trong thông báo công bố ngày 4/6.
“Chính vì điều này, những người bình duyệt không thể thực hiện bình duyệt một cách độc lập và riêng tư, do đó đã báo với chúng tôi rằng họ sẽ rút khỏi quá trình bình duyệt”.
“Dựa trên những gì diễn ra, chúng tôi không thể chứng minh được tính xác thực của nguồn dữ liệu chính. Chính vì điều này, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu rút lại bài viết”, họ thông báo.
“Tất cả chúng tôi cùng hợp tác thực hiện nghiên cứu, nhằm đóng góp một cách thiện chí vào giai đoạn rất cần thiết của đại dịch Vũ Hán. Chúng tôi muốn gửi lời xin lỗi sâu sắc đến bạn, các biên tập viên và độc giả của tạp chí vì bất kỳ sự sai sót và bất tiện nào mà điều này gây ra”.
Nghiên cứu ban đầu là một cú sốc với giới khoa học toàn cầu, khiến cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và các nhà chức trách Pháp hoãn mọi thử nghiệm lâm sàng điều trị COVID-19 bằng hydroxychloroquine.
Tuy nhiên, hơn 100 chuyên gia y tế đã chỉ ra 10 vấn đề lớn của nghiên cứu này, đỉnh điểm là nghiên cứu đã bị rút lại vài ngày sau khi tạp chí Lancet – nguồn công bố bài nghiên cứu cho biết, có những “lo ngại nghiêm trọng” về nguồn số liệu.
Ngày 2/6, tạp chí Lancet công bố gỡ bỏ bài nghiên cứu và khẳng định: Họ “rất coi trọng vấn đề liêm chính khoa học, có rất nhiều nghi vấn đáng chú ý xoay quanh Surgisphere và những dữ liệu nêu kèm trong nghiên cứu”.
Tạp chí đã gỡ bỏ bài nghiên cứu theo yêu cầu của ba nhà nghiên cứu: Mandeep Mehra từ Trường Y Harvard, Frank Ruschitzka thuộc Trung tâm Tim Bệnh viện Đại học Zurich, và Amit Patel thuộc Khoa Kỹ thuật Y sinh tại Đại học Utah.
Nhà nghiên cứu còn lại được ghi nhận trong bài nghiên cứu gốc là Sapan Desai đến từ công ty Surgisphere. Nghiên cứu được tài trợ bởi Bệnh viện Brigham and Women tại thành phố Boston – Massachusetts.
Một số nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân COVID-19 thường gặp các vấn đề về tim khi dùng hydroxychloroquine hoặc chloroquine, hai loại thuốc này đã được phê duyệt từ nhiều thập kỷ trước, và được hàng trăm ngàn người sử dụng để điều trị sốt rét và các bệnh nhẹ khác.
Nhưng cũng có nhiều nghiên cứu khác đã cho thấy tính hiệu quả của hai loại thuốc trong việc điều trị COVID-19, bao gồm các nghiên cứu ở Ấn Độ và Mỹ. Các thử nghiệm lâm sàng quy mô rộng đang được tiến hành tại Mỹ, Anh và các quốc gia khác nhằm xác định tính an toàn, và hiệu quả của hai loại thuốc khi được sử dụng để điều trị COVID-19.
Ngày 1/6, các quan chức của WHO cho hay, họ đã tái khởi động lại quá trình thử nghiệm hydroxychloroquine dựa trên lời khuyên từ các chuyên gia. Một số nhóm nghiên cứu, bao gồm các nhà nghiên cứu thực hiện thử nghiệm dự kiến, có sự tham gia của hàng chục nghìn cán bộ y tế vẫn chưa hề trì hoãn dự án của họ lần nào.