Quỹ lương hưu của Nhật sắp cạn kiệt vì người dân sống quá thọ?
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chính thức lên tiếng xin lỗi người dân, khẳng định những con số trong báo cáo trên là chưa chính xác và gây hiểu lầm.
Trước đó vào 3/6, hội đồng tại Cơ quan Các dịch vụ tài chính Nhật Bản từng công bố ước tính một cặp vợ chồng với người chồng trên 65 tuổi và người vợ trên 60 tuổi sẽ đối mặt với khoản nợ 50.000 yên (460 USD)/tháng nếu họ chỉ sống phụ thuộc vào lương hưu.
Nếu cặp vợ chồng này sống thêm 20 năm nữa sẽ cần ít nhất 13 triệu yên. Nếu sống thêm 30 năm nữa, họ sẽ cần ít nhất 20 triệu yên, vượt mức trợ cấp lương hưu mà họ có thể được hưởng.
Báo cáo cũng cho rằng số tiền lương hưu, một trong những nguồn tiết kiệm quan trọng của người dân Nhật Bản, khả năng sẽ giảm theo thời gian.
Do đó, cơ quan trên kêu gọi người dân chủ động quản lý tài chính để lên kế hoạch nghỉ hưu. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc các cá nhân tham gia quỹ lương hưu nhà nước sẽ gặp nhiều rủi ro hơn so với trước đây khi lên kế hoạch tài chính trong tương lai.
Cũng theo báo cáo, những năm gần đây, những người có bằng cao đẳng được hưởng mức lương hưu trung bình khoảng 20 triệu yên, giảm 30-40% so với mức đỉnh điểm trước đây tại Nhật Bản.
Các thông tin trong báo cáo trên đã gây hoang mang với người dân Nhật Bản ngay trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện quan trọng. Trong khi người già lo lắng sẽ bị mất quyền lợi, những người trẻ lo sợ hệ thống lương hưu sẽ không còn tồn tại đến khi họ về hưu.
Vào ngày 10/6, trong một cuộc họp của Ủy ban kiểm toán Hạ viện cùng ngày, Thủ tướng Abe đã phải đưa ra lời xin lỗi, khẳng định những con số trong báo cáo trên là chưa chính xác và gây hiểu lầm.
“Báo cáo không chính xác khi nói rằng một cặp vợ chồng cao tuổi sẽ bị thiếu ít nhất 50.000 yen mỗi tháng”, ông Abe thừa nhận.
Đến 11/6, bộ trưởng tài chính Taro Aso lên tiếng khẳng định: “Hệ thống lương hưu sẽ không bao giờ bị sụp đổ”. Ông Aso – người từng giữ ghế Thủ tướng trong 357 ngày, nhấn mạnh rằng những gì được nêu trong báo cáo là thiếu chính xác, gây hoang mang và đi ngược lại các chính sách hiện hành của chính phủ.
Đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP) đang cố gắng dập tắt sự hoang mang ngay trước thềm bầu cử. Một ngày trước phát biểu của ông Aso, Tổng thư ký LDP Toshihiro Nikai thừa nhận đảng này đang hết sức thận trọng để tránh làm mất lòng cử tri.
Hoang mang về già hóa dân số nhanh chóng
Theo số liệu công bố của chính phủ Nhật Bản, cứ một trong số ba người dân nước này sẽ ở độ tuổi 65 vào năm 2025. Một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu dân số và an ninh xã hội quốc gia Nhật Bản cũng chỉ ra rằng, xã hội già hóa dân số nhanh chóng của Nhật Bản sẽ chứng kiến 1/4 dân số bước vào tuổi 75 và cao hơn vào năm 2040.
Báo cáo này nhận định, khi số lượng người già Nhật Bản sống một mình tăng lên, đất nước này càng phải cần cải tạo hệ thống an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng có liên quan
Hiện tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản chỉ đạt 2,3%, mức thấp nhất từ đầu những năm 1990, đã cho thấy mức độ thiếu hụt lao động ở một loạt lĩnh vực từ công nghiệp tới các cửa hàng tiện lợi.
Chính phủ Nhật Bản đã công bố một loạt biện pháp đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động do tốc độ già hóa dân số nhanh chóng như tuyển nhiều hơn lao động nước ngoài và khuyến khích phụ nữ tham gia vào thị trường lao động.
Tuy nhiên, theo tính toán của Viện Nghiên cứu và Tư vấn Persol thuộc Đại học Chuo, đến năm 2030, đất nước “Mặt trời mọc” sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt 6,44 triệu lao động.
Lần đầu tiên trong lịch sử, các nước G20 đã thừa nhận già hóa dân số đã trở thành mối đe dọa toàn cầu.
Nhật Bản, nước chủ nhà G20 năm nay cho biết việc đưa vấn đề này vào thảo luận nhằm gióng lên hồi chuông cảnh báo các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển cần chuẩn bị trước khi già hóa như cơn sóng thần ập xuống không kịp trở tay.
Anh Thư (t/h)