Quốc hội tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60 tuổi
Tại kỳ họp thứ 8 mới đây, Quốc hội đã thông qua bộ luật Lao động sửa đổi với điểm nổi bật là tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60.
Sáng 20/11, sau nhiều lần thảo luận và đề xuất, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó có phần tăng tuổi nghỉ hưu với hơn 90% đại biểu tán thành.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Ngoài ra, tùy từng trường hợp mà người lao động có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn nhưng không quá 5 tuổi so với độ tuổi quy định nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Cụ thể, theo Bộ luật Lao động 2012 thì lao động nam được nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi và nữ đủ 55 tuổi.
Nhưng kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường sẽ là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam; đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng với lao động nam; 04 tháng với lao động nữ.
Người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tuổi nghỉ hưu nếu bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Cũng liên quan đến việc tăng tuổi nghỉ hưu thì theo điều 169 của Bộ luật lao động sửa đổi, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Được biết, trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, dù có nhiều ý kiến đại biểu tán thành với quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60; nhưng một số ĐBQH lại cho rằng việc áp dụng cùng một lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu khó có thể áp dụng chung cho các đối tượng lao động khác nhau; có ý kiến đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay.
Một số ý kiến khác đề nghị đối với lao động nữ thì tuổi nghỉ hưu chỉ đến 58 tuổi; có ý kiến đề nghị đối với nhóm lao động trực tiếp và một số lao động đặc thù cần xem xét giữ như Bộ luật hiện hành…
Ngoài việc tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ luật Lao động vừa được thông qua còn có nhiều nội dung mới, đáng chú ý khác tác động đến đông đảo người lao động trên cả nước.
Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này gồm 17 chương và 220 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021
Vũ Tuấn (t/h)