Quản Trọng – Vị triết gia và nhà lập pháp xuất sắc thời cổ đại
Quản Trọng, tên hiệu là Di Ngô, là một chính trị gia và nhà chiến lược xuất sắc nước Tề, thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Hoa. Dưới sự phò tá của Quản Trọng, nước Tề trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thời bấy giờ.
Khởi nghiệp bần hàn
Phụ thân mất mất sớm, Quản Trọng sống cùng mẫu thân trong cảnh nghèo nàn. Ông sớm trở thành bằng hữu của Bao Thúc Nha.
Nhận ra tài năng của Quản, lại thương cảm gia cảnh bần hàn, Bao luôn chăm lo cho Quản Trọng và một mực cung kính thi ân. Thậm chí, hai người bạn từng cùng nhau san sẻ việc kinh doanh, rồi sau cả hai đều tham gia vào quan trường và trở thành sư gia cho hai Thái tử nước Tề.
Quản Trọng dạy Thái tử Củ, trong khi Bao Thúc Nha là thầy Thái tử Tiểu Bạch. Trong thời nước Tề loạn lạc, hai quân sư cùng đưa Thái tử sang các nước láng giềng lánh nạn.
Năm 686 TCN, Tề Tương Công đương nắm quyền, đã bị sát hại cùng vị Tể tướng của mình. Quản Trọng tin rằng Thái tử Củ có quyền kế vị vì lớn tuổi hơn, tuy nhiên Bao Thúc Nha cũng có dự tính riêng. Cả hai vội vã đưa Thái tử về nước Tề.
Thái tử Tiểu Bạch nhanh chân hơn Quản Trọng và Thái tử Củ, nên về đến nước Tề trước và lên ngôi, trở thành Tề Hoàn Công.
Tề Hoàn Công lập tức phong Bao Thúc Nha làm Tể tướng. Tuy nhiên, Bao Thúc Nha đã cật lực tiến cử tài năng của bạn mình. Cuối cùng Tề Hoàn Công chấp thuận và phong Quản Trọng làm Tể tướng nước Tề năm 685 TCN.
Xây dựng đất nước
Chẳng bao lâu sau khi được bổ nhiệm, Quản bắt đầu hiện đại hóa nước Tề với nhiều cải cách, và các chính sách của ông sau này đã giúp Tề Hoàn Công trở thành vị vua chư hầu xưng bá đầu tiên thời Xuân Thu.
Quản tập trung quyền lực nhà nước bằng cách chia đất nước thành nhiều làng, mỗi làng tập trung vào một lĩnh vực thương mại riêng. Thay vì dựa vào giai cấp quý tộc để thu thuế như truyền thống trước kia, ông áp dụng thuế má trực tiếp tới mỗi đơn vị làng xã.
Quản chia dân số thành bốn nhóm, quan chức, nông dân, thợ thủ công và thương nhân. Sau đó, ông đã phát triển phương pháp chọn người tài hiệu quả hơn, thông qua các chương trình đào tạo mới, theo đó sinh ra một thế hệ quan chức chuyên nghiệp.
Thay vì phụ thuộc vào các nhóm nhỏ binh sĩ được các gia đình quý tộc khác nhau đào tạo, ông tuyển quân trực tiếp từ làng xã. Quản có công chuyển đổi hệ thống cai trị của nước Tề từ quý tộc tập quyền sang quan viên chuyên trách.
Những cải cách này là khởi điểm của thuyết pháp gia, trong đó chế độ quân chủ kiểm soát chặt chẽ tất cả các hoạt động, với một hệ thống thống nhất thưởng-phạt đối với tất cả mọi người. Phán quyết được ban ra theo pháp luật.
Tuy nhiên, Quản không phải là nhà lập pháp với tầm nhìn hạn hẹp. Bên cạnh chủ trương nhà nước quản lý và kiểm soát, ông cũng tin tưởng vào việc tập trung phát triển các phẩm chất đạo đức và truyền thống tín ngưỡng, vốn đã trở thành hệ tư tưởng chính thống của người dân Trung Hoa.
Quản Trọng cũng cho rằng phúc lợi của dân là nền tảng nước nhà. Người dân no đủ sẽ dễ dàng tiếp thụ sự chính trực và lễ nghĩa, theo đó mới dễ dàng cai quản. Ông đưa ra một biểu thuế thống nhất và sử dụng nguồn lực nhà nước để khuyến khích sản xuất muối và sắt.
Quản chủ trương rằng, nhà vua cần quan tâm đến sự phát đạt của tất cả tầng lớp xã hội, đảm bảo người dân ai cũng no cơm ấm áo, sẵn lòng phụng sự ngôi rồng. Quản tin rằng bốn cột trụ của một nước là lễ nghi, công bằng, chính trực và lương tâm. Thân làm lãnh đạo phải tuân theo nếp sống này và trở thành một tấm gương đạo đức cho dân.
Đối nội và đối ngoại
Trong suốt 40 năm làm Tể tướng, Quản Trọng thực hiện một loạt các biện pháp cải cách trong ngoài. Với sự phò tá của ông, Tề đã trở nên thịnh vượng, với tầm ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ.
Quản Trọng được xem là tác giả của Quản Tử, cuốn sách sớm nhất đàm luận về luật pháp và kinh tế Trung Hoa cổ đại bao gồm chính trị, thương mại và triết học.
Riêng về kinh tế, cuốn sách đề cập đến những khía cạnh như tài chính, ngân hàng, thương mại, thuế cùng các lĩnh vực khác, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế Trung Hoa cổ đại.
An Nhiên – Hàn Mai, Theo Epoch times