Quan Âm các: Ngôi đền 700 tuổi sừng sững giữa dòng Trường Giang mặc cho bão lũ
Trong thời gian gần đây, trước tình hình lũ lụt kinh hoàng trên sông Trường Giang, đã cuốn trôi không biết bao nhà cửa, công trình,… Thế nhưng tại đây, có một ngôi đền được xây dựng giữa con sông, gọi là Quan Âm các, tọa lạc ở thành phố Ngạc Châu, Hồ Bắc, Trung Quốc vẫn đứng hiên ngang, vững chãi.
Ngay từ thời nhà Tống, ngôi đền đã được xây dựng nằm trên một mỏm đá lớn, đặt tên là Long Bàn Cơ (Long Panji). Mãi đến thời nhà Nguyên do sông Trường Giang thường xuyên bị ngập lụt nên người dân địa phương mới chính thức đổi tên cho ngôi đền thành Quan Âm các. Ngôi đền đã được xây lại nhiều lần trong suốt triều đại nhà Minh và Thanh, tính đến nay tuổi thọ của nó đã hơn 700 năm.
Quan Âm các được xây dựng trên đá với phần móng khá vững chắc, đứng sừng sững giữa lòng sông với chiều dài đền là 24 mét và cao 14 mét. Chất liệu dùng xây đền là đá đỏ và gạch xanh. Mỗi khi nước dâng, một phần của ngôi đền sẽ bị chìm sâu dưới nước, chỉ để lộ phần mái, khiến công trình trông như đang nổi trên mặt nước. Chỉ đến khi nước cạn, thì toàn bộ kiến trúc của ngôi đền mới được lộ ra hoàn toàn.
Quan Âm các có hai tầng chính, với những gian thờ khá đơn sơ nhưng vẫn giữ được gần như nguyên vẹn. Bao quanh đền còn có bức tường làm rào chắn khá cao để ngăn chặn nước tràn vào.
Có “3 điều thú vị” bên trong ngôi đền này đó là: Một cây cổ thụ thường khô héo quanh năm, nhưng mỗi lần nó chết đi, thì lập tức sau đó lại trổ ra những cành mới xanh tươi; thứ hai là một cái giếng cổ, bên trong nước trong vắt và mực nước cao hơn nhiều so với dòng sông; và cuối cùng là con mắt của rùa thần.
Ngoài ra, thiết kế của ngôi đền cũng chính là điểm ấn tượng nhất, những người từng xây dựng nên Quan Âm các đã tạo ra nó dưới dạng vòng cung, giúp giảm đáng kể tác động của sức nước.
Bởi vậy dù đã trải qua hàng trăm năm, bất chấp những con sóng lớn tạt vào, ngôi đền vẫn đứng vững chãi không hề bị phá hủy. Quan Âm các quả thật là một công trình đáng ngạc nhiên, cho thấy sự khéo léo và trí tuệ của người xưa thật đáng khâm phục.
Ngày nay, Quan Âm các không mở cửa đón khách tham quan, nhưng nhiều người vẫn tìm mọi cách bất chấp nguy hiểm để bơi ra giữa dòng, trèo lên đền và khám phá cấu trúc tuyệt vời bên trong ngôi đền.
Chúc Di (t/h)