Quá cố chấp thường khiến cho các mối quan hệ rạn vỡ
Cuộc sống có những thứ càng theo đuổi lại càng thấy mệt mỏi, càng cố chấp lại khiến cho các mối quan hệ trở nên bế tắc. Đôi khi buông lỏng lại chính là cấp cơ hội cho cả mình và người.
Bạn có từng đứng tại góc độ của đối phương mà suy nghĩ?
Tôi đã tham gia vào việc tư vấn và giáo dục trong nhiều năm, từ trước đến nay luôn giúp đỡ mọi người hàn gắn những tổn thương trong lòng do các mối quan hệ mang lại.
Tôi từng gặp một người phụ nữ vô cùng ưu tú, để cải thiện mối quan hệ giữa cô và mẹ, cô đã đầu tư rất nhiều tiền bạc và thời gian vào không ít các khóa học.
Những người quen biết cô đều thấy cô là người thấu hiểu lòng người, rất biết nghĩ cho người khác, không có việc gì là cô ấy không cân đối được. Nhưng có một điều cô luôn canh cánh trong lòng, đó là không thể chung sống hòa bình với mẹ của mình được.
Mỗi lần mẹ con gặp nhau lúc nào cũng như trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, mẹ cô nhiều lần trách mắng cô không ra gì. Cô không ngừng thay đổi bản thân để phù hợp với sự kỳ vọng của mẹ, nhưng tất cả đều tốn công vô ích.
Chúng tôi dành rất nhiều thời gian để thảo luận, vẫn không tìm được nút thắt để cải thiện mối quan hệ. Lần nọ, sau khi khóc lóc than vãn một hồi, tôi trực tiếp hỏi cô ấy: “Ngoài chuyện mẹ của cô ra, trong cuộc sống này cô còn cảm thấy thiếu thốn điều gì không?”
Cô bỗng chốc ngây người, hít một hơi thật sâu rồi nói: “Nếu tôi không có người mẹ này, thì tôi cảm thấy tôi là một người hạnh phúc. Tất cả mọi thứ tôi muốn đều đã nằm trong lòng bàn tay”.
Tiếp theo, tôi lại hỏi cô: “Trong suốt thời gian dài như vậy, cô luôn muốn cải thiện mối quan hệ giữa hai mẹ con, nhưng cô có từng nghĩ rằng liệu mẹ của cô cũng có tâm nguyện như vậy không? Mong muốn có một gia đình yêu thương hòa thuận có phải là điều bà ấy quan tâm không?”.
Cô ấy trừng mắt nhìn tôi, như thể tôi đang nói tiếng ngoài hành tinh. Sau khi im lặng một lúc, cô mới buồn bã nói: “Tôi chưa từng nghĩ như vậy, tôi luôn cho rằng người mẹ nào cũng yêu thương con cái. Nhưng anh nói đúng, có lẽ bà ấy không muốn thân thiết, muốn một cuộc sống không có tôi, bà ấy không hề đáng thương.
Bà ấy có hứng thú và mối quan tâm của riêng mình, tôi can thiệp vào lại trở nên phiền phức. Là tôi cưỡng ép bà ấy phải lên sân khấu để diễn vở kịch gia đình hoàn mỹ, lại còn trách bà ấy diễn không đạt”.
Tôi nói: “Đây không phải là lỗi của cô, mà đối với việc hài hòa các mối quan hệ, toàn xã hội này đều mắc một chứng bệnh gọi là rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Họ cho rằng chỉ cần mối quan hệ có rạn nứt, thì phải gắng sức để hàn gắn, thẳng thắn nhận lỗi lầm trước để nhận được sự tha thứ. Không muốn chấp nhận sự hối tiếc, đó là kết cục bình thường nhất của một mối quan hệ”.
Quá cố chấp dễ gây tổn thương lẫn nhau
Lần tư vấn đó đem lại cho tôi và khách hàng một ấn tượng vô cùng sâu sắc. Đối với sự rạn nứt trong các mối quan hệ, ngoài việc hàn gắn, chúng ta còn có lựa chọn nào khác không? Liệu rằng có phải chúng ta quá cố chấp nên mới gây nên những tổn thương trong các mối quan hệ?
Chỉ chăm chăm muốn có được sự thỏa mãn cho chính mình bằng cách đặt kỳ vọng lên người khác, mà lại quên mất rằng mối quan hệ phải xuất phát từ hai người, động thái chỉ từ một phía, hạnh phúc không bao giờ xuất hiện.
Trong bộ phim Nhật Bản “Dr. Rintarō”, khi một bác sỹ khoa tâm thần đối mặt với một cô gái vì quá ưu sầu mà muốn tự tử, anh ta không khuyên răn những câu như là thế giới này đẹp biết bao, phải kiên cường dũng cảm tiếp tục sống… mà thấy được sự tổn thương sâu sắc trong lòng đối phương, nên nói với cô ấy: “Không cần phải gắng gượng nữa, cô đã kiên trì đến mức không thể kiên trì được nữa rồi!”.
Cho dù là cố sức thế nào, thì tình hình cũng rất khó để cải thiện, tại sao không tự mình buông bỏ? Học cách yêu thương bản thân, không quá bận tâm đến những việc phiền toái và trách nhiệm, so với việc dũng cảm tiến lên là chuyện đòi hỏi phải có thêm nhiều dũng khí.
Mối quan hệ như một căn phòng, đòi hỏi phải thường xuyên dọn dẹp
Tôi nhớ có một khoảng thời gian, cuốn sách về dọn dẹp nhà cửa bán rất chạy, mọi người đều học cách thoát khỏi vật dụng, rũ bỏ những gánh nặng không cần thiết, khiến cuộc sống tươi mới trở lại.
Nhưng dường như trước nay chúng ta chưa từng suy xét kỹ càng rằng, có bao nhiêu không gian tâm lý trong lòng chúng ta? Có thể chứa thêm được bao nhiêu người? Và những người này sẽ chiếm giữ hay chia sẻ không gian tâm lý thế nào? Ai xứng đáng được giữ lại? Ai sẽ phải ra đi?
Dường như chúng ta rất bị động, đón nhận liên tiếp mối quan hệ này đến mối quan hệ khác, phải ghi nhớ cái tên này đến cái tên nọ, cho dù người đó không tồn tại trong cuộc sống, nhưng vẫn tồn tại trong cảm xúc của bạn, khiến bạn hao tổn không ít tâm sức.
Khi chúng ta học được kỹ năng thoát khỏi vật dụng, có hiệu quả trong việc “giảm cân” cho không gian vật lý, loại bỏ những thứ dư thừa. Cùng lý thuyết này, chúng ta liệu có thể vận dụng với không gian tâm lý, tìm lại chất lượng cuộc sống?
Một lần, tôi gặp một chuyện phiền não trong công việc, nó đã gây phiền nhiễu cho tôi một khoảng thời gian, mặc dù tan ca trở về nhà trong lòng vẫn bận tâm về chuyện này.
Một buổi tối, để bản thân bình tâm trở lại, tôi cầm máy hút bụi để hút bụi bẩn ở trên sàn. Hút mãi hút mãi, tôi đột nhiên nhận ra một chuyện rất quan trọng, tôi chăm chỉ dọn dẹp như vậy để giữ nhà cửa luôn gọn gàng, ra ngoài cũng không mua đồ linh tinh mang về nhà, nhưng tại sao chỉ vì một người không quan trọng, mà lại dễ dàng chiếm cứ không gian tâm lý, và làm rối đầu óc tôi như vậy?
Lúc đó, tôi mới nhận ra rằng, tôi không trân trọng ngôi nhà tâm lý như trân quý căn nhà của mình. Mối quan hệ giống như một căn nhà, đòi hỏi phải dọn dẹp thường xuyên. Tôi không những không thường xuyên sắp xếp dọn dẹp, còn chất đống đủ các thể loại mối quan hệ ở trong đầu.
Có những mối quan hệ tốt, có những mối quan hệ xấu, nhưng khi tất cả các mối quan hệ cứ chồng chéo lên nhau, không có giới hạn cách biệt, thì cho dù là tốt thì cũng dễ bị nhiễm bẩn, bị nhấn chìm.
Từ đó về sau, tôi hiểu rằng các mối quan hệ phải được cắt tỉa, dọn dẹp thường xuyên, nếu cứ để chúng ngổn ngang bừa bãi, chỉ đem lại cho chúng ta thêm nhiều gánh nặng và đau khổ.
Nhật Hạ (Biên dịch)