Qua cách ăn một chiếc bánh cũng có thể nhìn ra phẩm chất một con người
Từ một chuyện nhỏ cũng có thể phản ánh ra cảnh giới nội tâm của một con người. Ai có thể nghĩ rằng, Trịnh Hoán sẽ dùng cách ăn bánh bao để khảo nghiệm người thân của mình.
Trong “Khuyết sử” có ghi chép lại, Trịnh Hoán nổi tiếng là một người cần cù và giản dị, ngày ông đảm nhiệm một chức quan ở Hà Nam, có người cháu tên là Đàm Hoài tìm đến gặp. Người cháu trai này làm việc đồng áng ở quê, chưa từng trải qua cảnh đời, không hiểu lễ tiết, quần áo thì cũ nát, con trai Trịnh Hoán và người hầu trong nhà đều cười nhạo cậu ta. Chỉ có Trịnh Hoán là nhìn cậu với vẻ thương cảm, quan tâm hỏi han về mong muốn của đứa cháu.
Người cháu này nói: “Cháu đã một thời gian dài khổ cực ở quê, nay muốn làm một huyện úy (quan coi ngục và bắt trộm), như vậy thì mới có thể mặc áo gấm mà về làng”. Trịnh Hoán trong lòng rất cảm thông, cũng muốn đáp ứng yêu cầu của cậu ta.
Trịnh Hoán vốn là một vị quan thanh liêm, vì để giải quyết chuyện này, ông liền viết thư cho quận trưởng. Ngay trước khi cháu trai mình đi đảm nhiệm chức vụ một ngày, Trịnh Hoán cầm bức thư này tìm đến cháu, và họ cùng nhau dùng bữa. Trong bữa ăn hôm đó có món bánh bao nướng, người cháu trai này đem lột bỏ vỏ bánh, chỉ ăn mỗi nhân thịt ở bên trong.
Trịnh Hoán nhìn thấy vậy thì thở dài tức giận, nói với cậu ta rằng: “Vỏ bánh và nhân bên trong thì có gì khác nhau? Ngươi như vậy là quá lãng phí, ngươi nên giữ đức tính thuần phác chân thật. Ta thương ngươi làm lụng vất vả ở quê nhà, nghĩ rằng ngươi nhất định sẽ hiểu được sự mệt nhọc khi làm ra hạt gạo, không ngờ rằng ngươi lại còn hoang phí hơn cả những công tử bột gia tộc quyền quý”.
Nói xong, ông bảo cậu ta nhặt vỏ bánh vừa vứt kia lên. Người cháu này hoảng sợ, vội vàng nhặt vỏ bánh lên đưa cho Trịnh Hoán. Trịnh Hoán nhận lấy và ăn hết chúng một cách ngon lành.
Sau đó, Trịnh Hoán tiễn người cháu này đến phòng khách, đưa cho cậu ta một ít tiền để cậu trở về quê.
(Trích “Khuyết sử”)
Người xưa có kỹ năng nhìn người quả là rất tinh thâm, có thể qua một việc nhỏ mà thấy được phẩm hạnh của một người ra sao. Kỳ thực, cách nhìn nhận này cho đến ngày nay vẫn vô cùng ý nghĩa.
Một con người có phẩm hạnh, có nhân cách tốt có thể biểu hiện qua những điều nhỏ nhặt nhất, từ cách ăn, cách nói v.v… Đặc biệt, những người làm quan chức mà có đời sống giản dị, lại biết cần kiệm, ấy mới là ngưới biết thương yêu con dân mình. Những người như thế chắc chắn sẽ nhận được sự tín phụng từ nhân dân.
Vậy nên, để hình thành nên những con người có nhân cách tốt có ích cho xã hội, thay vì dạy con trẻ cách “chạy theo” lợi ích ra sao, hãy giáo dục trẻ từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống này!
Bảo An, biên dịch theo NTDTV