Qatar không trục xuất công dân của các nước “từ mặt”
Ngày 10/6, Bộ Nội vụ Qatar thông báo công dân của các nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha vẫn được quyền ở lại quốc gia này theo các quy định hiện hành.
Bộ Nội vụ Qatar cho biết: “Chúng tôi không thay đổi chính sách đối với người dân các nước anh em và hữu nghị đã cắt hoặc giảm quan hệ ngoại giao sau các chiến dịch ác liệt và thù địch chống lại Qatar”.
Rạn nứt quan hệ đã khiến các gia đình và liên kết thương mại bị chia cắt. Thông báo của Qatar đã giúp người lao động nước ngoài, đặc biệt là người Ai Cập – cộng đồng lao động nước ngoài lớn nhất ở Qatar – không phải lo lắng sẽ bị trục xuất do khủng hoảng ngoại giao.
Hôm 5/6, 7 quốc gia gồm Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập, Yemen, Bahrain, Lybia cùng với Maldives đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar và cáo buộc rằng: “Doha hỗ trợ các nhóm khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ các nước trong khu vực”.
Ngày 6/6, Mauritania, một thành viên Liên đoàn Arab (AL) cũng đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Tiếp theo là Mauritius tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar, nâng tổng số nước “từ mặt” Doha lên 9.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao tiếp tục leo thang ngày 9/6 khi Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain liệt 59 cá nhân và 12 tổ chức có liên quan Qatar vào danh sách khủng bố.
Các nước vùng Vịnh cắt đứt các tuyến đường quá cảnh, cho khách du lịch và công dân Qatar thời hạn 2 tuần để rời khỏi nước mình. UAE còn cấm người Qatar lên các chuyến bay chuyển tiếp thông qua sân bay của họ.
TinhHoa tổng hợp