Phụ nữ khan hiếm, hơn 4 triệu đàn ông Việt sắp “ế vợ” vào năm 2050
Dự kiến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 4,3 triệu nữ giới. Việc mất cân bằng này đồng nghĩa với chuyện 4,3 triệu nam giới có thể sẽ không lấy được vợ.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Dân số, 55 trong số 63 tỉnh thành trên cả nước có sự chênh lệch giới tính, trung bình tỷ lệ giới tính khi sinh với 112,8 nam/100 nữ. Đây là hệ quả của việc coi trọng con trai và lựa chọn giới tính thai nhi.
Dù đã có quy định cấm tiết lộ giới tính khi siêu âm nhưng bất chấp điều đó, nhiều cơ sở vẫn thông tin để tình trạng này diễn biến khó kiểm soát.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình cho biết, nếu thực trạng mất cân bằng giới tính, còn tiếp diễn như hiện nay thì khoảng 30 năm sau, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự chênh lệch giới tính, nam hơn nữ khoảng trên 10%.
Hiện đứng đầu cả nước có Sơn La với tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh là 120 bé trai trên 100 bé gái. 4 tỉnh tiếp theo có tỷ lệ chênh lệch cao khi sinh bé trai nhiều hơn bé gái là Hưng Yên 118,6 trai/100 gái; còn có Bắc Ninh 117,6 trai/100 gái; Thanh Hoá 117,2 trai/100 gái; Hải Dương 116,3 trai/100 gái. Trong khi đó, mức chuẩn sinh học bình thường là 105 trai/100 gái bé gái chào đời.
Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì đến năm 2050 nước ta sẽ thiếu khoảng 2,5-4,5 triệu phụ nữ, hay nói cách khác 2,5-4,5 triệu đàn ông trong độ tuổi trưởng thành không có khả năng lấy vợ.
Điều tương tự cũng xảy ra ở Đài Loan, Hàn Quốc đã khiến nhiều nam giới ở đây buộc phải tìm cô dâu ở các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Hiện tượng “xuất khẩu” cô dâu ở Việt Nam gần đây đến một số quốc gia Châu Á là một trong những hệ lụy trực tiếp của hiện tượng thiếu phụ nữ, mà nguyên nhân của nó là do tăng tỷ số giới tính khi sinh ở các quốc gia này trong các thập kỷ trước.
Khi những con số “biết nói” trên được lan truyền trên các trang mạng xã hội đã trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi; nhiều bà mẹ tỏ ra lo xa, mai mối cho con từ khi còn bé bằng cách tìm trong những người quen của gia đình có ai phù hợp thì đề nghị kết thông gia. Câu chuyện có thật như đùa này đã không còn quá xa lạ trong thời đại hiện nay.
Tình trạng này có thể sẽ còn phức tạp hơn nữa trong 20 năm tới nếu không có những biện pháp can thiệp triệt để ngay từ bây giờ. Theo thống kê, các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia…cũng không dư phụ nữ để cho chúng ta tìm kiếm về làm cô dâu, nếu may mắn thì đàn ông Việt Nam có thể sang các nước… châu Phi để tìm bạn đời.
Ngoài ra, để lấy được vợ, các chàng trai phải cạnh tranh nhau khốc liệt từ rất sớm thông qua việc trau dồi cho mình nhiều kiến thức, chăm chút vẻ bề ngoài, tập nhiều môn thể thao và năng khiếu. Cuối cùng phải kiếm được tiền có sự nghiệp vững chắc thì may ra mới lấy được vợ. Sẽ tạo thành áp lực lớn ngay từ rất sớm cho các cậu bé khi còn nhỏ tuổi.
Nguyên nhân của tình trạng dỡ khóc dỡ cười này vẫn là do quan niệm “trọng nam khinh nữ”, tư tưởng con trai sẽ mang tên dòng họ, và có trách nhiệm kế thừa, xây đắp truyền thống và danh dự của gia đình, trông nom và chăm sóc mồ mả tổ tiên. Không có con trai được xem như là một điều bất kính với tổ tiên. Con trai cũng là nguồn lao động chính trong mỗi gia đình, nhất là các vùng nông thôn thường để con trai kế thừa tài sản của gia đình và có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ lúc về già.
Việc thống kê về 4 triệu đàn ông Việt ế vợ chính là 1 hồi chuông cảnh báo cho các các bậc cha mẹ. Đã đến lúc các cặp vợ chồng phải suy đúng đắn hơn về vấn đề này.
Đặc biệt, tất cả chúng ta cần phải hiểu rằng, giới tính của con cái không quan trọng. Điều quan trọng nhất không phải bạn sinh con trai hay con gái, mà cái chính là cần nuôi dạy chúng cho tử tế, giúp chúng trở thành những người lương thiện và có ích cho mọi người, ngoan ngoãn, và có hiếu với bố mẹ.
Anh Thư (t/h)
Xem thêm:
- Phá giải cách hiểu sai lầm trong một câu nói của Khổng Tử
- Phá thai liên tiếp 17 lần trong 6 năm: Hệ luỵ từ chính sách 1 con của TQ
- Tại sao người xưa sinh con trai coi là ngọc, con gái là gốm?