Tại sao người xưa sinh con trai coi là ngọc, con gái là gốm?
Người xưa sinh con trai ví như ngọc, con gái ví như là gốm. Nhiều người cho rằng đây là tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Kỳ thực, rất nhiều điều không hề giống như những gì con người ngày nay từng suy đoán.
Trong “Cựu Đường thư – Lý Lâm Phủ truyện” có đoạn viết: Trong thời Đường Huyền Tông, khi em vợ của tể tướng Lý Lâm Phủ sinh con trai, Lý Lâm Phủ đã viết câu “Văn hữu lộng chương chi khánh” để chúc mừng gia đình nhà em vợ.
Khách đến nhà em vợ Lý Lâm Phủ thăm hỏi, đọc xong câu này ai trong lòng cũng phì cười, nhưng vì sợ quyền thế của Lý Lâm Phủ nên không ai dám nói năng gì.
Nguyên lai là, Lý Lâm Phủ đã viết sai chữ “Chương” thành chữ “Hoẵng”, mà “Lộng chương chi hỷ”, là câu chúc mừng người khác sinh con, trong đó “Chương” có nghĩ là quý như ngọc chương, điều này thì ai cũng biết.
Nhưng từ “Hoẵng” lại có nghĩa là con hoẵng, nghĩa của hai từ thật quá khác nhau. Vì thế, Lý Lâm Phủ bị hậu nhân chế giễu là ‘Tể tướng hoẵng’, châm biếm ông không có văn hóa quyền quý.
“Chương” là một món đồ bằng ngọc gọi là ngọc chương, hình dạng như là một nửa ngọc khuê.
Từ ghép “Lộng chương” (nghĩa bóng là sinh con trai) xuất hiện sớm nhất trong “Kinh thi. Tiểu nhã. Tư can”: “Nếu sinh con trai, cho ngủ trên giường, cho mặc xiêm y, cho chơi với với ‘ngọc chương’. Nếu tiếng khóc của đứa bé to, thì nhất định thành tựu, sau này nó có thể làm đại quan hoặc kế thừa gia nghiệp”.
Ngọc khuê và ngọc chương là hai loại đồ bằng ngọc, trong “Chính văn” của Lỗ Dĩnh Đạt viết: “Khuê chương đặc giả, khuê chương, ngọc trung chi quý dã”. Là dùng hai món đồ để tỷ dụ cho tư tưởng phẩm đức cao thượng của con người.
Trong “Kinh Thi. Tiểu Nhã. Tự Kiền” cũng có đoạn: “Ngung ngung ngang ngang, như khuê như chương, lệnh văn lệnh vọng”, nghĩa là cổ nhân lấy ngọc để cho con trai chơi, để hy vọng sau này nó lớn lên sẽ có được phẩm đức cao quý như ngọc. Vì thế, sau này sinh con trai được gọi là “lộng chương”, chúc mừng người khác sinh con trai được gọi là “lộng chương chi hỷ” hoặc “lộng chương chi khánh”.
Chúc mừng người khác sinh con trai nói “lộng chương chi hỷ”, còn sinh con gái thì nói “lộng ngõa chi hỷ”. Như trong “Ấu học quỳnh, quyển 2 – Lão thọ ấu đản loại” viết: “Sinh nam viết lộng chương, sinh nữ viết lộng ngõa”.
Từ “lộng ngõa” xuất hiện sớm nhất cũng là ở trong “Thi kinh. Tiểu nhã. Tử kiền”, trong đó có đoạn viết: “Nếu sinh con gái, thì cho nằm ở dưới đất, cho đắp khăn trải giường, cho chơi với ‘đào chế’ (cái suốt bằng gốm), với hy vọng sau này bé gái sẽ thiện lương, không làm gì vượt quá quy củ, chuyên tâm lo liệu việc nhà, không làm cha mẹ lo lắng”.
“Ngõa” chỉ cái suốt gốm (trên máy kéo sợi) mà người xưa dùng khi dệt vài, cổ nhân lấy cái suốt đào chế này cho con gái chơi, để cho con gái sau này lớn lên sẽ trở thành nữ công. Đây không phải tư tưởng trọng nam khinh nữ như nhiều người vẫn nghĩ.
Khi nói đến thân phận người phụ nữ xưa, người ta thường nghĩ tới câu “Nam tôn nữ ti” (trọng nam khinh nữ). Thực ra có rất nhiều điều mà con người ngày nay không cách nào lý giải được, hoặc đã bị người thời nay cải biến. Chữ “Tôn” (cao) và “Ti” (thấp) trong câu “Nam tôn nữ ti” vốn có nguồn gốc từ đạo lý Âm Dương hòa hợp của “Kinh Dịch”.
Hàm nghĩa của câu “Nam tôn nữ ti” là ý nói rằng nam giới có đặc tính khí chất của người nam, nữ giới có đặc tính khí chất của người nữ, điều này đã quyết định sự phân công các nhiệm vụ vai trò khác nhau của nam nữ trong gia đình, nam nữ tuân thủ nghiêm ngặt vị trí của mình, gia đình tự nhiên sẽ êm ấm thịnh vượng.
Diễn giải
Câu “Nam tôn nữ ti” xuất phát đến từ “Kinh Dịch”, trong “Kinh Dịch Hệ Từ” có viết: “Thiên tôn địa tị, càn khôn định hĩ. Ti cao dĩ trần, quý tiện vị hĩ … càn đạo thành nam, khôn đạo thành nữ”, ý nói Trời ở trên cao Đất ở dưới thấp, càn khôn đã được định rõ vậy. Lấy tôn cao ti thấp để trình bày rõ, địa vị cao thấp ra sao đã sẵn ở vị trí đó rồi … Cung Càn tạo thành Nam, cung Khôn tạo thành Nữ.
Trong đó “Tôn” là cao, “Ti” là thấp. Là hai từ chỉ vị trí cao thấp. “Thiên Tôn Địa Ti” là để diễn tả ý nghĩa “Trời ở trên Đất ở dưới, Trời cao Đất thấp”, là một cách dùng để miêu tả trạng thái tự nhiên. Trong “Thuyết Văn Giải Tự” có viết: Tôn, được gọi là cao vậy. Trong cuốn từ điển “Quảng Nhã” giải thích: Ti, lùn thấp vậy. Trong cuốn từ điển “Quảng Vận” viết : Ti, ở bên dưới vậy.
“Kinh Dịch” là miêu tả quy luật vận hành của thiên thể vũ trụ. Tư tưởng trung tâm cuối cùng của nó là quy về Âm Dương cân bằng. Phàm là những sự vật không cân bằng, không hòa hợp, cuối cùng nhất định đi lệch khỏi đường lối và quỹ đạo. Vạn sự vạn vật trong vũ trụ cuối cùng đều tất yếu hướng về hòa hợp và cân bằng. Một tư tưởng trung tâm khác của “Kinh Dịch” , chính là Âm Dương tự có vị trị của nó, Thiên tại vị trí của Trời, Địa ở vị trí của Đất; Âm tại vị trị của Âm, Dương tại vị trí của Dương.
Thiên địa, âm dương, nam nữ là một phương pháp “phân loại” của cổ nhân. “Nam tôn nữ ti” chính là từ “Thiên tôn địa ti” khai triển diễn biến mà sinh ra. Bổn ý của nó là nói “Nam nữ là không giống nhau”. Đây là một cách phân chia của thiên nhiên, trạng thái tự nhiên.
Nam tôn: Làm một người đàn ông – tạo vật đặc biệt của tự nhiên, nếu muốn hợp với “Đạo”, nhất thiết phải giống như Trời. Cao vang công chính (ở địa thế trên cao, âm thanh vang rộng công bằng chính trực), tự cường bất tức (tự mình cố gắng mạnh mẽ không nghỉ), tức là: “Thiên hành kiên, quân tử dĩ tự cường bất tức” (Trời hành theo đạo kiện toàn, người quân tử đi theo đạo không ngừng tự vươn lên);
Nữ ti: Làm một người phụ nữ – tạo vật đặc biệt của tự nhiên, nếu muốn hợp với “Đạo”, nhất định phải giống như Đất, to lớn khiêm nhường, bao dung, lấy đức dày chở muôn vật, vô tư vô oán, chính là: “Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu tải vật“ (Đất ở tại vị trí của cung Khôn, người quân tử lấy đức lớn mà mang tải vạn vật).
“Nam tôn nữ ti” đề xướng hòa hợp của tự nhiên, âm dương đều có an bài vị trí của mình. Vì vậy “Nam tôn nữ ti” là giảng đạo lý nam nữ nên sống hài hòa như thế nào trong hôn nhân và đời người, và không có nội hàm nam nữ bình đẳng. Một người đàn ông phẩm cách cao thượng, người phụ nữ tự nhiên sẽ tôn trọng anh ta, thuận theo anh ta. Trong gia đình, nam nhân chính trực cao thượng, nữ nhân nhã nhặn khiêm hòa, khoan dung; thì gia đình không có một lý do nào của sự bất hòa. Ở trong xã hội và gia đình như vậy, người phụ nữ cũng tự nhiên có được địa vị tương ứng và sẽ không có sự kỳ thị.
Khác biệt nam nữ và nhiệm vụ của mỗi người
Mạnh tử nói: Phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín, thử nhân chi đại luân dã. Dã tựu thị ngũ luân (Cha con gần gũi thân thiết, vua tôi nhân ái có đạo nghĩa phép tắc, vợ chồng có sự khác biệt, huynh trưởng và trẻ nhỏ có trật tự trên dưới, bạn bè thành thật tin tưởng. Đai Luân của người này, ở đây cũng chính là năm điều luân thường đạo lý).
Phu (chồng) tựa như thiên (trời), phụ (vợ) tựa như địa (đất). Thiên, nhật nguyệt chiếu rọi, vân vũ hành theo, tưới nhuần đại địa; Địa, gánh đỡ sơn hà, dựng dục trường dưỡng (ấp ủ mầm sống, nuôi nấng dưỡng dục), nhân loại vạn vật, đời đời phồn vinh, sinh sôi không ngừng. Phu (chồng), bảo hộ gia đình, để gia đình không chịu bất kỳ tổn hại; thê (vợ), mang hoài thai nghén, bồi dưỡng giáo dục con cái. Chính là phù hợp đạo lý âm dương, nam nữ phân công bất đồng, nếu như cả hai đều tận tâm với chức trách của mình, thì gia đình tự nhiên được hòa thuận.
Trái lại, nếu như trời không có mưa, thì đất khô hạn, cuộc sống của chúng ta ngay lập tức hỗn loạn; cũng giống như vậy, chồng không kiếm tiền, vợ mất đi chỗ dựa, cuộc sống gia đình ngay lập tức phát sinh rối loạn. Lại nhìn xem hiện tượng tự nhiên, hoa cỏ cây cối là không thể ly khai khỏi mặt đất, chính như em bé cũng không thể rời xa khỏi mẹ vậy, đạo lý trong đó vi diệu. Có thể thấy vợ chồng có nhiệm vụ trong gia đình khác nhau, mà không thể thay thế lẫn nhau.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung