Gặp gỡ họa sĩ thiết kế người Việt duy nhất tham gia “Kong: Đảo đầu lâu” (2017)
Khi nói đến “Kong: Đảo đầu lâu” (2017) sắp được công chiếu chính thức vào ngày 10/3 tới, mọi người thường nhớ đến nó được quay ở Việt Nam mà ít ai nhớ tới họa sĩ người Việt duy nhất được mời tham gia xây dựng bối cảnh cho bộ phim.
Giới trẻ biết đến họa sĩ Vũ Huy phần nhiều vì anh là họa sĩ người Việt duy nhất được mời tham gia xây dựng bối cảnh cho bộ phim “Kong: Đảo đầu lâu” (2017), dự kiến sẽ công chiếu vào ngày 10/3 sắp tới. Nhưng giới điện ảnh Việt thì không hề xa lạ với cái tên Vũ Huy, một trong những họa sĩ thiết kế phim lão làng trong làng phim Việt, với các bộ phim nổi tiếng từng tham gia như “Người Mỹ thầm lặng”, “Đông Dương”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Đêm hội Long Trì”…
“Kong: Đảo đầu lâu” là “đơn giản nhất”
Khi được hỏi về ấn tượng của mình đối với “Kong: Đảo đầu lâu”, họa sĩ Vũ Huy cười giản dị: “Chẳng có mấy kỷ niệm”. Tất nhiên, cùng làm phim với những chuyên gia nước ngoài, chia sẻ tình cảm, chia sẻ niềm vui với những con người có cùng đam mê thì quả thật là một điều đáng quý. Nhưng họa sĩ Vũ Huy chia sẻ rất thật rằng, trong những bộ phim lớn từng thực hiện thì “Kong: Đảo đầu lâu” là bộ phim anh phải thiết kế bối cảnh “đơn giản nhất” bởi vì nó là một bộ phim hành động.
“Khán giả sẽ tập trung vào những pha hành động hơn là việc bối cảnh phục dựng có được ‘thật’ hay không”, họa sĩ Vũ Huy giải thích trong khi so sánh “Kong: Đảo đầu lâu” với những bộ phim đậm chất điện ảnh truyền thống mà anh từng tham gia thiết kế như “Đêm hội Long Trì”.
Trailer phim “Kong: Đảo đầu lâu” (2017):
Họa sĩ Vũ Huy cũng tâm sự, khán giả Việt sẽ khó mà nhận ra những địa danh mà đoàn làm phim đã quay tại Việt Nam, vì bản thân “Kong: Đảo đầu lâu” không nhấn mạnh bối cảnh vào một đất nước nào cả. “Người ta đã đi xem phim hành động rồi thì làm gì có thời gian mà ngắm nhìn cảnh biển”, họa sĩ Vũ Huy cười nói. Vậy nên theo anh, tác động của bộ phim đối với ngành du lịch của Việt Nam là không lớn.
Nhưng dù sao, “Kong: Đảo đầu lâu” cũng đã mở đường cho Hollywood về Việt Nam sau nhiều năm vắng bóng. Có khá nhiều người lầm tưởng rằng Hollywood dừng không đến Việt Nam là vì cú sốc James Bond với “Tomorrow never dies” bị từ chối vào năm 1997. Tuy nhiên sự thật không phải là vậy!
Theo họa sĩ Vũ Huy, điều khiến Hollywood rời bỏ Việt Nam không phải là “James Bond”, mà chính là phim “Người Mỹ thầm lặng” (2002). Được biết vào thời điểm quay phim năm 2000, mặc dù rất nhiều cảnh trong “Người Mỹ thầm lặng” là quay ở Việt Nam, tuy nhiên có hai bối cảnh cho phép quay và đã dựng cảnh xong, nhưng khi tiến hành quay thì phía Việt Nam lại không cho quay mà không giải thích lý do. Điều này khiến đoàn làm phim chịu nhiều khó khăn và thiệt hại vì không hội đủ điều kiện nhận bảo hiểm.
Trong bữa tiệc chia tay sau khi kết thúc công việc tại Việt Nam, đoàn làm phim đã chân thành cảm ơn chúng ta, nhưng cũng nói rằng “đã có nhiều kỷ niệm buồn”, và khẳng định “người Mỹ sẽ không đến Việt Nam làm phim nữa”. Sự việc “thầm lặng” này chỉ có những người tham gia đoàn làm phim mới được biết.
Điện ảnh chân chính bị quên lãng
Cũng chia sẻ về nền điện ảnh Việt Nam, họa sĩ Vũ Huy tâm sự, trong khi người Việt nói về việc việc tư nhân hóa mọi thứ, kể cả phim ảnh, thì chúng ta dường như đang quá vội vã. Gìn giữ nền điện ảnh Việt, và qua đó gìn giữ văn hóa Việt, là trách nhiệm của nhà nước, ở bất cứ quốc gia nào cũng đều như vậy. Công việc này đòi hỏi phải có cả đam mê lẫn tiền bạc mà tư nhân không bao giờ đầu tư vào những gì tốn kém và không sinh lời.
Họa sĩ Vũ Huy lấy nền điện ảnh Pháp làm ví dụ: Nếu nước Pháp không đầu tư 200 triệu Euro/năm cho điện ảnh Pháp, thì điện ảnh Pháp cũng sẽ biến mất như điện ảnh Ý, điện ảnh Tây Ban Nha, hay suy sụp như điện ảnh Nga. Ở Việt Nam, chúng ta đã thấy điều đó qua những bộ phim chạy theo thị hiếu như “Để mai tính”, “Chạy đi rồi tính”, hay chạy theo chất hành động như “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”.
Có thể nói rằng nghệ thuật điện ảnh chính thống và đội ngũ những người làm phim chuyên nghiệp của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Bên cạnh đó, không chỉ có điện ảnh Pháp, những bảo tàng nổi tiếng thế giới tại Pháp với hàng chục ngàn nhân viên và hệ thống an ninh nghiêm ngặt tiêu tốn hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ Euro, cũng là trách nhiệm của nhà nước Pháp.
Quay lại với điện ảnh Việt Nam hiện tại, với những cơn sốt gần đây như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, họa sĩ Vũ Huy chia sẻ rằng dù bộ phim đã tạo ra niềm vui giải trí cũng như thể hiện sự nỗ lực rất nhiều ở hệ thống truyền thông, nhưng đây chỉ là một thứ mỹ nghệ, làm theo kiểu điện ảnh để bán chứ không phải là cinema thật sự.
Trong một bài viết về bộ phim, anh đã chỉ ra rất nhiều hạt sạn về chuyên môn điện ảnh, như lỗi ánh sáng, lỗi dẫn dắt truyện, lỗi trang phục, cách lột tả tình cảm ngây thơ của trẻ con quá “người lớn”, hay các yếu tố văn hóa vùng miền bị trộn lẫn. Vậy nên theo anh, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” khá “duy mỹ, nhưng lại không theo quy tắc hội họa”.
Cũng nói về phim Việt, họa sĩ Vũ Huy tâm sự, một trong những nguyên nhân khiến khán giả lãng quên điện ảnh chính thống của Việt Nam là do trong một thời gian dài, nhà nước đã quá lạm dụng việc định hướng các bộ phim được nhà nước đầu tư, khiến giới điện ảnh không thể tự do làm chủ các tác phẩm của mình. Đây không phải là lỗi của những người làm phim… Và trong khi ở rất nhiều nước khác như Thái Lan, người ta “thèm” có được đội ngũ làm phim chuyên nghiệp thì người Việt lại đang bỏ rơi nền điện ảnh chính thống.
Không gian văn hóa dành cho người Việt
Cùng với những trăn trở về điện ảnh, họa sĩ Vũ Huy cũng có nhiều băn khoăn về không gian văn hóa cho người Việt. Ngay cuối năm 2016, liên tiếp hai công trình mang đậm nét văn hóa bị đóng cửa phá dỡ. Một là Hanoi Cinemathèque, góc chiếu phim nhỏ tại phố Hai Bà Trưng, nơi đã từng trình chiếu hàng ngàn bộ phim kinh điển của điện ảnh thế giới và Việt Nam. Hai là Thương xá Tax, trung tâm thương mại lâu đời một thời là biểu tượng của Sài Gòn. Việc phá dỡ như vậy sẽ khiến người Việt không còn có thể tìm lại được những nét kiến trúc Đông Dương một thời rực rỡ.
Trong khi đó, những dự án lớn như làng văn hóa Việt Nam được đầu tư hàng nghìn tỉ đồng thì lại đang xuống cấp. Hơn thế nữa, sự vắng bóng của các họa sĩ thiết kế và các chuyên gia văn hóa trong dự án đã khiến cho làng văn hóa Việt Nam trở nên rời rạc, không tạo nên một không gian văn hóa đích thực, không tạo nên được một “phim trường” cho người Việt. Là một người làm phim, họa sĩ Vũ Huy cảm thấy tiếc nuối vì làng văn hóa Việt Nam lại không thể phục vụ cho việc xây dựng những thước phim về văn hóa dân tộc.
Họa sĩ Vũ Huy cũng chia sẻ rằng anh đang khởi động một dự án tư nhân mang tên Indochine (Đông Dương) với hy vọng tạo dựng lại một không gian văn hóa dành cho người Việt trên một diện tích khoảng 1.500 m2 tại Đông Anh, Hà Nội. Indochine sẽ bắt đầu với một ngôi nhà nhỏ mang kiến trúc Đông Dương bên hồ, là nơi các bạn trẻ có thể tới để tìm hiểu lại về những nét văn hóa của xứ An Nam xưa qua các hiện vật, tranh ảnh, trang phục, kiến trúc, v.v. Ngoài ra, đây cũng sẽ là nơi hội tụ triển lãm của những người Việt đam mê sưu tầm và tìm hiểu văn hóa.
Đã rất lâu rồi, họa sĩ Vũ Huy luôn để ý sưu tầm những vật dụng làm phim, tuy chưa phải là “cổ vật” nhưng lại mang nhiều ký ức đẹp.
Bên cạnh ngôi nhà đó, họa sĩ Vũ Huy cũng sẽ vận dụng chuyên môn để tạo nên một con phố điện ảnh nhỏ, nơi Indochine có thể tùy ý sử dụng và thay đổi để phục dựng lại những góc phố xưa, những ký ức đã mất, không chỉ giới hạn ở thời Đông Dương, mà còn là những thời kỳ lịch sử xa hơn nữa. Cũng thông qua con phố này, người Việt có thể hiểu được phần nào về người xưa thông qua các sự kiện văn hóa nhỏ do Indochine tổ chức.
Còn trong thời gian chờ đợi Indochine, quán Carambola của họa sĩ Vũ Huy vẫn là không gian văn hóa nho nhỏ, nơi người Hà Nội có thể nhấm nháp tách cafe và tận hưởng dư vị của thời gian. Riêng đối với những người yêu điện ảnh, các bạn có thể hội tụ tại Carambola vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần, để được thưởng thức lại những bộ phim kinh điển của thế giới, và cùng chia sẻ với họa sĩ Vũ Huy về những thủ pháp tinh tế làm nên điện ảnh đích thực trong từng thước phim.
Theo trithucvn.net