Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình lên tiếng về việc được ‘bổ nhiệm thần tốc’
Trước những thông tin cho rằng bản thân được ‘bổ nhiệm thần tốc’, Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đã lên tiếng, ông khẳng định bản thân ông không phải con ông, cháu cha…
Mới đây, Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đã bị công dân phản ánh rằng con đường thăng tiến của ông có nhiều bất thường và khá ‘thần tốc’. Cụ thể là trong quá trình công tác, ông Thận đã được điều chuyển, bổ nhiệm giữ nhiều chức vụ quan trọng khi chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Thận cho biết bản thân là người trong cuộc nên sẽ không giải thích gì để đảm bảo tính khách quan, ông chỉ khẳng định rằng mình “trưởng thành từ địa phương, gia đình làm nông chứ không phải con ông cháu cha”.
Đồng thời vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình này cũng mong báo chí đưa thông tin khách quan, chân thực. “Các cơ quan báo chí nên thông tin, trao đổi với các cơ quan chức năng của tỉnh để sự việc được khách quan, hoặc về xác minh tại các cơ quan, đảng bộ của huyện Quỳnh Phụ (nơi ông Thận công tác nhiều năm trước khi lên làm lãnh đạo tỉnh)”, ông Thận cho hay.
Trả lời câu hỏi, ông có chủ động báo cáo, giải trình với Tỉnh ủy, UBND tỉnh trước sự việc này hay không, ông Thận nói “Nếu tổ chức yêu cầu báo cáo tôi sẽ thực hiện”.
Tố cáo của công dân về việc Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình được bổ nhiệm ‘thần tốc’
Theo các tài liệu được công khai thì ông Nguyễn Khắc Thận (SN 1974) từng đảm nhiệm các vị trí: Viện phó VKSND huyện, Trưởng phòng TN&MT, Trưởng ban tổ chức huyện ủy Quỳnh Phụ.
Tháng 6/2014, ông được bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện, sau đó là Bí thư Huyện ủy Quỳnh Phụ. Đến tháng 3/2016, ông Thận làm Giám đốc Sở Nội vụ, sau đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình vào tháng 7/2019.
Theo tố cáo của công dân thì năm 2011, ông Thận được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình). Theo quy định thì người được bổ nhiệm vị trí này phải đạt tiêu chuẩn là chuyên viên chính trở lên, có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên, đối với cán bộ dưới 45 tuổi phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy và cao cấp chính trị hệ tập trung.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, ông Thận 37 tuổi, chỉ có bằng chuyên môn Cao đẳng Kiểm sát và Cử nhân Luật hệ chuyên tu, không đáp ứng tiêu chuẩn “tốt nghiệp đại học hệ chính quy”.
Đến tháng 6/2014, ông Thận tiếp tục được bầu giữ chức Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ. Chức danh Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện này yêu cầu về trình độ như sau: Đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên, có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên, đối với cán bộ dưới 45 tuổi phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy… Lúc này ông Thận cũng không đạt tiêu chuẩn vì ông mới 40 tuổi, vẫn chưa là chuyên viên chính và chưa có bằng đại học chính quy.
Đặc biệt, chỉ sau 1 năm giữ chức Chủ tịch UBND huyện, tháng 7/2015, ông Thận lại được bầu giữ chức Bí thư Huyện ủy, tham gia Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Thái Bình.
Đối chiếu với quy định về tiêu chuẩn chức danh ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh phải “có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên (đối với cán bộ dưới 45 tuổi phải tốt nghiệp đại học chính quy, nếu tốt nghiệp đại học tại chức phải có bằng thạc sĩ và tương đương trở lên, đúng chuyên ngành đào tạo ở bậc đại học)” thì ông Thận cũng không đạt.
Cụ thể, ông Thận chỉ có bằng Thạc sĩ Quản lý kinh tế hệ tại chức, không phải bằng thạc sĩ Luật – ngành mà ông đã từng được đào tạo ở bậc đại học theo quy định nêu trên.
Được biết, trước khi bổ nhiệm ông Thận làm Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ chưa đầy 1 tháng, vào tháng 5/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ra quyết định hạ tiêu chuẩn với Chủ tịch UBND huyện.
Theo đó, từ tiêu chí bắt buộc “là chuyên viên chính” thành “đủ điều kiện, tiêu chuẩn nghiệp vụ dự thi ngạch chuyên viên chính và tương đương trở lên”. Theo quyết định này, ông Thận lúc đó cũng chỉ đạt về yếu tố chuyên viên và vẫn chưa có bằng đại học chính quy theo quy định.
Trao đổi về việc này, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng có dấu hiệu vi phạm và phải làm rõ. “Đầu tiên là phải yêu cầu giải trình, khi có thông tin thì Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Thái Bình phải vào cuộc thanh kiểm tra và có ý kiến, quan điểm về việc này.
Tôi nói trường hợp này không bình thường ở chỗ, vị này có thể là thiên tài, có biệt tài vượt qua các quy định, tiêu chuẩn, cần phải thông tin hoan nghênh. Nhưng đây là trường hợp hiếm có, ít xảy ra. Mặt khác, câu chuyện phổ biến hiện nay là dung dưỡng nhau, có lợi ích nhóm, lôi kéo nhau ngồi trên quy định”, ông Hùng cho hay.
Vũ Tuấn (t/h)