Phim tài liệu về mổ cướp nội tạng sống thôi thúc sinh viên Đại học Texas A&M hành động
Hôm 28/9 vừa qua, một buổi chiếu phim tài liệu về mổ cướp nội tạng, từng đạt giải thưởng Hollywood, tại Đại học Texas A&M đã khiến hàng trăm khán giả xúc động và muốn nhanh chóng lan truyền những tin tức về tội ác tàn bạo đang diễn ra tại Trung Quốc.
Bộ phim tài liệu “Harvested Alive” (Tạm dịch: Thu hoạch sống) kể về cuộc điều tra kéo dài 10 năm của Tổ chức Thế giới Điều tra cuộc Bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) về tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.
Trước đó, các báo cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Canada khu vực Châu Á-Thái Bình Dương David Kilgour, luật sư nhân quyền quốc tế David Matas, và nhà báo điều tra Ethan Gutmann, cũng như của WOIPFG cũng đã đưa ra bằng chứng cho thấy đã có hàng loạt vụ giết hại tù nhân lương tâm, mổ cướp nội tạng để cung cấp cho ngành công nghiệp ghép tạng của Trung Quốc, diễn ra sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công xảy ra vào tháng 7/1999.
“Harvested Alive” cũng đưa ra những bằng chứng này, nhưng bộ phim muốn khẳng định rằng hoạt động mổ cướp nội tạng này là một tội ác do nhà nước Trung Quốc chỉ đạo.
Cũng như đạo diễn Jun Li từng nói với Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn trước đây: “Đây không phải hành động của các bác sĩ với tư cách cá nhân, mà là toàn bộ bộ máy nhà nước đang tham gia vào tội ác này”.
Lệnh mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công đến từ cấp trên. Bộ phim cho biết, cựu thành viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai nói rằng Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã “ra lệnh mổ cướp nội tạng sống từ học viên Pháp Luân Công”.
Ý nghĩa
Video: Bộ phim tài liệu Harvested Alive (Thu hoạch sống) kể về cuộc điều tra 10 năm tội ác mổ cướp nội tạng sống ở Trung QUốc.
Buổi chiếu phim “Harvested Alive” do chi hội đại học của Tổ chức Ân xá Quốc tế tổ chức đã gây được sự chú ý trong trường Đại học Texas A&M. Bộ phim từng dành chiến thắng tại giải thưởng Hollywood International Independent Documentary, cho bộ phim tài liệu nước ngoài xuất sắc nhất vào tháng 1/2017.
Trước 2 ngày diễn ra sự kiện, người tham gia đã đăng ký hết chỗ, và kết quả là nhiều người vẫn hỏi họ có thể tham dự nếu chưa đăng ký không. Nhiều người xem đã đến sớm để có chỗ ngồi, nhưng một số người vẫn không được vào vì hết chỗ.
Tất cả hội trường gồm đã rất xúc động sau khi xem bộ phim. “Bạn sẽ làm gì để trở nên có ý nghĩa trong thế giới này? Bạn sẽ làm gì để làm nên sự thay đổi?”, ông Karl P. Mooney, Thị trưởng thành phố College Station, bang Texas nói.
Ông nói thêm: “Một số người có cha mẹ, bạn bè, ông bà có thể cần cấy ghép tạng, và bạn có thể ngăn cản họ đi Trung Quốc nhờ tài liệu đặc biệt này. Đó là một bước. Hãy hiểu rằng bạn đã biết được những thông tin quý giá trong tối nay, hãy thiết lập mục đích cho cuộc đời mình, và cố gắng để trở nên có ý nghĩa”.
Để đáp lại bộ phim, Mooney còn mở rộng bài nói chuyện của mình từ những gì người xem có thể làm đến những gì Hoa Kỳ có thể làm.
“Hoa Kỳ đã tiến một bước với nghị quyết H.Res.343 vào tháng 6/2016. Nghị quyết của Hạ viện bày tỏ ‘quan ngại trước các báo cáo liên tục và đáng tin cậy về hoạt động mổ cướp nội tạng có hệ thống được sự hậu thuẫn của nhà nước Trung Quốc từ tù nhân lương tâm mà không có sự đồng ý của họ, trong đó bao gồm số lượng lớn học viên Pháp Luân Công và thành viên của các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số khác’”, Mooney nói.
Mooney cho biết ông hy vọng Thượng viện sẽ thông qua một nghị quyết tương tự.
Ông nói: “Tôi hy vọng Tổng thống Trump sẽ xem xét việc này một cách đặc biệt khi Thượng viện đưa ra nghị quyết, và quyết định cách ứng xử phù hợp với Trung Quốc”.
“Bạn không thể làm thinh như không biết chuyện này được”.
Hành động
Trong số khán giả xem phim có một số thành viên của Corps of Cadets, một tổ chức sinh viên quân sự mặc quân phục ở Đại học Texas A & M.
“Bộ phim khiến tôi rất sốc. Tôi cảm thấy đau lòng khi chứng kiến điều khủng khiếp như vậy đang xảy ra trên thế giới, và nó làm tôi muốn tiếp tục việc học của mình để có thể tạo ra sự thay đổi tích cực trong tương lai”, sinh viên sĩ quan David Campbell chia sẻ.
Sinh viên Robert Riegert nói: “Bộ phim này thôi thúc tôi bảo vệ gia đình mình cùng những gia đình khác không thể tự bảo vệ”.
Campbell đã đồng ý với một trong những gợi ý của ông Mooney, đó là can ngăn những người khác đến Trung Quốc cấy ghép tạng. Campbell nói: “Một số thành viên trong gia đình tôi đang dự định phẫu thuật ghép tạng. Điều đầu tiên tôi nghĩ đến khi phim tài liệu này kết thúc là khi ra khỏi đây, tôi sẽ nói ngay với họ rằng: ‘Đừng đến Trung Quốc để làm những phẫu thuật này’”.
Riegert thì muốn truyền rộng những gì anh biết được từ bộ phim. “Chúng tôi sẽ làm nhiều nhất có thể để nói cho mọi người biết. Điều đó không nên xảy ra. Chúng tôi sẽ làm những gì có thể để giúp ngăn chặn nó”, anh nói.
Faviana Soto, một sinh viên quốc tế, nói: “Vấn đề này sẽ đến tai người dân ở Honduras vì tôi sẽ nói với các thành viên trong gia đình, bạn bè tôi và chia sẻ bộ phim với họ. Đó là một khởi đầu tốt để phơi bày sự việc này”.
Rất nhiều khán giả đã ký tên vào bản kiến nghị kêu gọi Thượng nghị sĩ Texas John Cornyn và Ted Cruz đồng bảo trợ cho nghị quyết S.Res.220.
Nghị quyết này thể hiện “sự đoàn kết với các học viên Pháp Luân Công đã mất đi sinh mạng, sự tự do và quyền thực hành tín ngưỡng” đồng thời lên án “việc thu hoạch nội tạng mà không được sự đồng ý của họ”. Nghị quyết đang được Thượng Nghị viện xem xét trong phiên họp Quốc hội.
Theo EpochTimes