Phim chống dịch của Trung Quốc bị chỉ trích là giả tạo và coi thường phụ nữ
Gần đây, sau khi bộ phim tuyên truyền chống dịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “Người ngược dòng đẹp nhất” được công chiếu, các bình luận tiêu cực đã ập đến như sóng triều. Cư dân mạng Trung Quốc đã chỉ trích bộ phim là “quá giả tạo”, “vớ vẩn”, “phân biệt đối xử với phụ nữ”…
Sau khi bộ phim tuyên truyền chống dịch “Người ngược dòng đẹp nhất” với chủ đề về đại dịch viêm phổi Vũ Hán được tung ra, nó đã bị cư dân mạng Trung Quốc chỉ trích dữ dội. Bộ phim được gọi là “giai điệu chính” do đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV của ĐCSTQ sản xuất, bao gồm 14 tập được phát sóng trên kênh CCTV1 từ ngày 17/9. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi bộ phim được phát sóng, nó đã vấp phải một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ cư dân mạng.
Những lời chỉ trích của đông đảo cư dân mạng Trung Quốc chủ yếu tập trung vào hai khía cạnh sau:
Thứ nhất, nội dung và lời thoại của bộ phim có xu hướng phân biệt đối xử với phụ nữ.
Ví dụ: Trong phim, một công ty xe buýt thành lập một đội vận chuyển chống dịch, kết quả là các nhân viên nam đều chủ động ghi danh không chút do dự, trong khi các nhân viên nữ lần lượt tìm lý do để từ chối, họ không những không tích cực ghi danh mà còn lôi kéo các đồng nghiệp nữ phản ứng một cách tiêu cực.
Trong phim xuất hiện lời thoại “Những người ghi danh này đều là đồng chí nam, có phải đồng chí cũng có một người (ghi danh) không?” Trong cảnh cấp cứu trong phim còn có lời thoại “Bạn là đồng chí nữ thì chỉ cần ở bên cạnh phối hợp là được rồi”, rõ ràng là có xu hướng hạ thấp nhân viên y tế nữ.
Thứ hai, có nhiều tình tiết sai sót ở trong phim.
Ví dụ: Trong phim có cảnh tiêm thuốc; bệnh nhân thì đang cần khử rung tim ngay lập tức, vậy mà nhân viên y tá lại cứ túc tắc, mà động tác của nhân viên y tá cũng không chuyên nghiệp;
Tiếp theo nữa là có xuất hiện tình tiết những người trong vùng dịch trở về quê ăn Tết. Nhưng trên thực tế, trong thời gian xảy ra dịch, toàn bộ các thành phố trong cả nước đều thực hiện quản lý kiểm soát giao thông, đặc biệt thành phố Vũ Hán là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch, làm sao có thể cho phép người dân nơi khác tại Vũ Hán được về quê ăn Tết chứ?
Trước những vấn đề nêu trên, nhiều cư dân mạng đã chỉ trích dữ dội: “Trăm ngàn sơ hở, bưng bít sự thật”, “Tư tưởng hẹp hòi phân biệt đối xử với phụ nữ” và “tràn đầy chủ nghĩa hình thức giả tạo”.
Một số cư dân mạng chỉ ra rằng, thực tế nhiều nữ nhân viên y tế dù đang mang thai hoặc mới sinh con nhưng vẫn bám trụ để chăm sóc bệnh nhân. Họ đeo bình oxy và xoay người cho bệnh nhân, do đeo khẩu trang trong thời gian dài nên da mặt họ bị mẩn ngứa và dẫn đến da bị dị ứng, thậm chí bị bào mòn, vì để giảm việc sử dụng đồ bảo hộ nên họ không ăn uống, không đi vệ sinh, cố gắng chờ đợi đến khi thay ca… Nhưng bộ phim này lại miêu tả một cách trắng trợn những nữ nhân viên y tế như một nhóm người ích kỷ
Có cư dân mạng bức xúc để lại lời nhắn: “Ở ngoài đời thì đẩy phái nữ bọn họ lên tuyến đầu, còn trong tuyên truyền lại vùi dập những người phụ nữ này”.
Còn có cư dân mạng nói: “Trên thực tế, có hơn 100.000 nữ nhân viên y tế (được đưa vào cuộc chiến chống dịch), và phụ nữ mang thai chiếm 5%, nói cách khác, ít nhất 5.000 phụ nữ đang mang thai ở tuyến đầu của cuộc chiến chống dịch”.
Trên thực tế, truyền thông Đại lục từng báo cáo rằng, 70% nhân viên y tế từ khắp nơi trên cả nước được cử đến Hồ Bắc trong thời kỳ dịch bệnh đều là phụ nữ; ở tất cả các tỉnh ở Trung Quốc, phụ nữ chiếm hơn một nửa số nhân viên y tế tuyến đầu trong thời gian xảy ra dịch bệnh.
Ngoài ra, trên Weibo, đánh giá của cư dân mạng cho bộ phim này cũng xuất hiện với số điểm thấp nhất trong lịch sử là 0,7. Trên nền tảng trực tuyến lớn “Zhihu”, nó chỉ nhận được 0,6 điểm; điểm trên trang web đánh giá điện ảnh nổi tiếng “Douban” thì điểm số ổn định ở mức 2,4 điểm, sau đó tiếp tục giảm xuống còn 2,1 điểm, cuối cùng trang web đã phải đóng chức năng chấm điểm cho bộ phim này.
Vào ngày 22/9, tờ “Apple Daily” trích dẫn tin tức nói rằng, nhà biên kịch của bộ phim này thực sự chỉ là để cái tên cho có, đồng thời trong một cuộc trò chuyện riêng đã tiết lộ rằng, “bộ phim này đều là CCTV muốn thay đổi như thế nào liền thay đổi theo thế ấy”.
Trước đó, ĐCSTQ cũng đã tung ra một bộ phim truyền hình chống dịch khác tên là “sát cánh bên nhau”, khiến cư dân mạng giễu cợt: “Có dám quay phim dịch bệnh bắt đầu như thế nào không?”; “Nếu muốn quay, hãy quay phim những người không có một chỗ trong bệnh viện để điều trị. Người chết tại nhà không có ai biết đến, hãy để cho đồng bào cả nước thấy những mảnh đời vô tội này đã phải vật lộn và chết một cách thê thảm như thế nào khi tai họa ập đến!”.
Minh Huy (Theo NTDTV)