Phát hiện “siêu quần thể” chim cánh cụt tại Nam Cực, số lượng lên tới 1,5 triệu con
Các nhà khoa học đã phát hiện 1,5 triệu con chim cánh cụt Adélie trên Quần đảo Danger ở Nam Cực bằng cách sử dụng hình ảnh vệ tinh và máy bay không người lái.
Gần đây, trong một chuyến khám phá thực địa đảo Danger, các nhà khoa học đã tìm ra một “vương quốc” chim cánh cụt Adélie với số lượng lên tới 1,5 triệu con. So với các khu vực khác của Nam Cực, hòn đảo nơi loài cánh cụt này đang sinh sống và phát triển mạnh mẽ chịu tác động tối thiểu của biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người.
Trước khám phá quan trọng này, các nhà khoa học đã luôn lo lắng về sự tồn vong của chim cánh cụt Adélie khi biến đổi khí hậu đã khiến số lượng loài này sụt giảm liên tục trong nhiều thập kỷ qua.
Nằm xa bên ngoài mũi phía bắc Antarctic Peninsula, Đảo Danger được bao quanh bởi biển băng dày. Nhờ vậy, đế chế chim cánh cụt Adélie đã tồn tại mà con người không hề hay biết cho tới tận ngày nay.
“Từ trước tới nay, đảo Danger chưa bao giờ được coi là môi trường sống của Adélie, một trong những loài chim cánh cụt cực kỳ quan trọng”, GS. Heather Lynch cho biết.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi các nhà khoa học nhìn thấy vết phân chim đặc trưng trên ảnh vệ tinh của NASA. Để xác thực, GS. Lynch đã cùng với các cộng sự tiến hành một chuyến thám hiểm Đảo Nguy hiểm để thống kê số lượng chim cánh cụt Adélie.
Bên cạnh thống kê từ mặt đất, Lynch đã dùng drone bay quanh hòn đảo để chụp ảnh phục vụ quá trình nghiên cứu. Kết quả cho thấy có tổng cộng 751.527 cặp chim cánh cụt Adélie sinh sống trên hòn đảo, nhiều hơn toàn bộ số chim cánh cụt ở phần còn lại của Nam Cực.
GS. Michael Polito, một nhà sinh thái học thuộc Đại học Bang Louisiana, người cũng tham gia nghiên cứu, rất ngạc nhiên về số lượng chim cánh cụt Adélie tại đây. Ông nói: “Chúng đông tới nỗi có thể làm sôi nước xung quanh hòn đảo này”.
“Không chỉ hòn đảo Danger nắm giữ quần thể chim cánh cụt Adélie lớn nhất Antarctic Peninsula, loài chim này còn không chịu tác động làm giảm số lượng như phía Đông Antarctic Peninsula, nơi chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”.
TS. Tom Hart bổ sung thêm: “Điều chúng ta thấy ở phía Tây Antarctic Peninsula này hoàn toàn tương phản với loài chim cánh cụt Adélie phía Đông Antarctic Peninsula”.
Điều này cho thấy loài chim cánh cụt thích nghi tốt hơn trong môi trường ít bị tác động bởi con người và các nhà môi trường học cần phải bảo vệ được khu vực biển Weddell – nơi có hòn đảo Danger hẻo lánh.
“Khám phá lý thú này cho chúng ta thấy còn có rất nhiều điều kỳ diệu chúng ta còn phải nghiên cứu về loài vật biểu tượng của băng giá”, người đứng đầu chương trình Rod Downie cho biết.
“Nhưng chúng ta cũng phải tăng cường bảo vệ môi trường nước tại vùng biển Nam Cực nhằm bảo vệ loài chim cánh cụt Adélie khỏi hai mối nguy hại của việc đánh bắt cá quá mức và biến đổi khí hậu”.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Scientific Reports.
Hồng Liên (t/h)