Phát hiện kim tự tháp mới khiến giới khoa học phải xem lại vai trò của nền văn minh Inca
Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện một kim tự tháp bậc thang trong khu tàn tích Pueblo Viejo ở tỉnh Recuay, phía bắc Peru, khiến họ phải suy nghĩ lại về vai trò của người Inca trong khu vực.
Kim tự tháp mới được phát hiện cao 10m, từng được coi là “ushnu” – nơi tổ chức lễ hội Mặt Trời hay Inti Raymi.
Nhóm khảo cổ học phát hiện ra kim tự tháp nhờ công nghệ không xâm nhập, bao gồm các máy bay không người lái xác định đối tượng, chụp ảnh từ trên cao, khảo sát bổ sung, dựng mô hình 3D và công nghệ truyền thống.
Kim tự tháp này đang bị chôn vùi một phần, đã được chụp ảnh bằng máy bay không người lái của các nhà nghiên cứu thuộc trường ĐH Quốc gia Federico Villarreal và trường ĐH Quốc gia Santiago Antunez de Mayoolo ở thành phố Huaraz, cách thủ đô Lima (Peru) 385km.
Trước khi phát hiện ra kim tự tháp này, các chuyên gia đã nghĩ rằng khu tàn tích chỉ là khu định cư tầm thấp của người Inca. Nhóm nghiên cứu đã cho thấy trong khu vực này còn có kim tự tháp chứ không chỉ có nhà cửa.
Họ đã tìm thấy những mảnh gốm sứ, lăng mộ từ thời nền văn hóa Recuay có trước cả nền văn minh cổ đại Inca hơn 1.000 năm. Đây là bằng chứng quan trọng cho thấy đã có nhưng nền văn hóa khác nhau xuất phát từ Callejón de Huaylas.
Các chuyên gia làm việc trong khu tàn tích của người Inca cho biết, kim tự tháp nằm sâu trong khu vực rừng bạch đàn, vẫn được bảo tồn nguyên vẹn mặc dù có bị ảnh hưởng của nạn cướp bóc và hoạt động nông nghiệp.
Sau khi Dự án Khảo cổ tỉnh Recuay xác định được đặc điểm khảo cổ trong khu vực, chính quyền Recuay đã xác định nguồn lực cho những cuộc nghiên cứu trong tương lai và khai quật công trình để xây dựng viện bảo tàng cho khu vực.
Các nhà nghiên cứu vẫn không biết kim tự tháp bậc thang được xây dựng trước hay sau khi người Inca đến đây. Nhưng họ phát hiện ra những ngôi mộ có niên đại hàng ngàn năm trước nền văn minh của người Inca làm các học giả phải suy nghĩ lại về vai trò của người Inca trong khu vực.
Theo Soha