Phát hiện đường hầm bí ẩn dẫn linh hồn vua Maya xuống địa phủ
Mới đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện đường hầm dẫn nước dưới một ngôi đền thờ cổ ở Mexico, và cho rằng đây mới là đường dẫn linh hồn vua Maya đến địa phủ.
Theo Guardian, các nhà khảo cổ học phát hiện một đường hầm dẫn nước nằm dưới chân đền Inscriptions (đền của những câu khắc) chứa mộ vua Pakal tại di chỉ của người Maya ở Palenque, phía Nam Mexico.
Vì đường hầm rất nhỏ, các nhà nghiên cứu phải đưa robot gắn camera xuống để quan sát cấu trúc dưới lòng đất. Đường hầm này kết nối với một đường hầm khác, được làm bằng đá và rộng khoảng 60 cm, cao 60cm. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ vẫn chưa xác định được chiều dài của đường hầm và nơi khởi nguồn của nó.
Nhiều năm trước khi phát hiện ra đường hầm, các nhà khảo cổ đã tìm thấy quan tài đá chứa hài cốt vua Pakal.
Trong cuốn sách xuất bản năm 1968, tác giả Erich von Daniken cho rằng, những hình ảnh chạm khắc vua Pakal trên nắp quan tài cho thấy ông đang ngồi và điều khiển một tàu vũ trụ, phía đuôi tàu có một “ngọn lửa” để đến địa phủ. Các chuyên gia lý giải “ngọn lửa” này chính là “cây đời” của người Maya, có rễ lan xuống tận địa phủ.
Tuy nhiên, nhà khảo cổ học Arnoldo Gonzalez bác bỏ điều này sau khi phát hiện đường hầm, đồng thời cho hay trên đôi khuyên tai bằng đá trong mộ khắc dòng chữ một vị thần “sẽ dẫn đường cho người chết tới cõi âm, bằng cách dìm họ xuống nước để được địa phủ tiếp nhận“.
Ông Gonzalez hôm 25/7 cho biết, khi được tìm thấy, nước vẫn chảy qua kênh đào chính, qua đó họ tin rằng ngôi mộ và kim tự tháp được cố ý xây chèn lên một dòng suối có niên đại từ năm 683-702, và đường hầm dẫn nước từ phòng địa táng ra mặt trước ngôi đền chính là phương tiện đưa linh hồn vua Pakal tới cõi âm.
Tuy nhiên nhà khảo cổ này cũng không loại trừ khả năng các kênh đào chỉ là một phần của hệ thống thủy lợi hoặc cung cấp nước.
Pedro Sanchez Nava, trưởng phòng khảo cổ học thuộc Viện Nhân chủng học và Lịch sử quốc gia Mexico, đánh giá giả thuyết mới này đã mở đường cho việc lý giải những con kênh dẫn nước của các tộc người khác như người Hispanic sống ở Teotihuacan, gần thủ đô Mexico City.
“Cả 2 tộc người đều cho xây dựng đường hầm dẫn nước“, Sanchez Nava nói. “Nước đôi khi có ý nghĩa thể hiện chu kỳ của cuộc sống bắt đầu và kết thúc“.
Cuộc khai quật bắt đầu từ năm 2012, khi các nhà nghiên cứu quét radar phát hiện lớp địa chất dưới chân kim tự tháp biến động bất thường. Lo ngại mặt đất sụp xuống hoặc xảy ra đứt gãy địa chất kéo theo kim tự tháp sụp đổ nên các nhà khoa học đã cho đào móng kim tự tháp lên và phát hiện có ba lớp đá được phủ cẩn thận trên đường hầm. Dưới mặt đất phòng địa táng vua Pakal cũng có lớp đá tương tự.
“Ngôi đền của những câu khắc” là một trong những kim tự tháp bậc thang có cấu trúc lớn nhất tại Trung Mỹ được xây dựng bởi người Maya. Kiến trúc của ngôi đền được thiết kế để tưởng niệm K’inich Janaab’ Pakal, vị vua cai trị xứ Palenque hơn 70 năm trong thế kỷ thứ bảy.
Trong suốt triều đại khoảng 68 năm, Pakal chịu trách nhiệm cho việc xây dựng, mở rộng một số kiến trúc hoành tráng đáng chú ý nhất của Palenque. Ngôi đền có ý nghĩa rất quan trọng với công việc nghiên cứu về Maya cổ đại vì rất nhiều những bản khắc chữ tượng hình được tìm thấy trên các cột trụ và hầm mộ của Pakal.
Theo VNExpress