Phản ứng của Mỹ sau khi Trung Quốc công bố sẽ xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước
Trả lời về thông tin sửa đổi Hiến pháp của Trung Quốc, ngày 26/2, người phát ngôn của Nhà Trắng cho biết, đây là sự vụ nội bộ của chính quyền Bắc Kinh, do chính quyền Bắc Kinh quyết định. Cùng ngày, trong phát biểu của mình, Tổng thống Trump đã hai lần nhắc đến ông Tập Cận Bình và biểu thị tôn trọng ông Tập.
Ngày 25/2, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra kiến nghị sửa đổi Hiến pháp, xóa bỏ hạn chế nhiệm kỳ của Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước. Một khi việc hiệu đính được thực hiện, điều này có nghĩa là Chủ tịch nước Tập Cận Bình sẽ vẫn có nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp sau khi hết nhiệm kỳ hiện tại.
Sau khi ĐCSTQ công bố sẽ sửa đổi Hiến pháp, thông tin này đã thu hút được sự chú ý chưa từng có trên toàn thế giới. Điều này cũng có nghĩa chế độ hạn chế nhiệm kỳ Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước từ thời ông Đặng Tiểu Bình sẽ không còn tồn tại nữa. Thông tin này cũng thu hút sự chú ý của nhà Trắng.
Theo Đài phát thanh Hoa Kỳ (VOA) đưa tin hôm 26/2, cùng ngày, trong báo cáo ngắn gọn tin tức tại Nhà Trắng, người phát ngôn của Nhà Trắng là bà Sarah Huckabee Sanders khi được hỏi về thông tin ông Tập Cận Bình hủy bỏ chế độ hạn chế nhiệm kỳ, bà cho biết: “Đó là quyết định của Trung Quốc nhằm làm thế nào để Trung Quốc tốt nhất. Tuy nhiên, đúng như các vị biết, trong các hoạt động tranh cử của mình, Tổng thống Trump nhiều lần nhắc đến hạn chế nhiệm kỳ, đây cũng là việc mà nước Mỹ ủng hộ. Nhưng đối với quyết định xóa bỏ nhiệm kỳ của Trung Quốc, nó thuộc về quyền của Trung Quốc”.
Trả lời cẩn thận của Nhà Trắng đã phản ánh quan hệ tế nhị giữa ông Trump và ông Tập. Ngày 26/2, trong cuộc gặp mặt thống đốc các bang tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cũng đã khen ông Tập Cận Bình. Ông nói, ông và vị lãnh đạo Trung Quốc có “mối quan hệ cực kỳ tốt”, “vô cùng tôn trọng ông ấy”.
Trong bài phát biểu, ông Trump lần thứ 2 nhắc đến ông Tập: “Năm ngoái chúng ta đã tổn thất thương mại với Trung Quốc khoảng 50,4 tỉ Đô la Mỹ. Tôi cho rằng Chủ tịch Tập là người rất đặc biệt, ông ấy đang giúp chúng ta trong vấn đề Bắc Triều Tiên”.
Tuy nhiên, tổ chức nhân quyền Freedom House và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain đều đang rất quan tâm đến cách làm của chính quyền Bắc Kinh.
Bà Sophie Richardson, giám đốc phụ trách Trung Quốc của Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) cho biết: “Trên thực tế, bà ấy (Sarah Huckabee Sanders) đang nói, ông Tập Cận Bình nói một cách dứt khoát rằng ông ấy sẽ nắm quyền vô thời hạn, về vấn đề này, các đảng của Mỹ phải OK. Bà ấy liệu có nhận thức được rằng Trung Quốc không phải là một chính thể dân chủ?”.
Trên Twitter của mình, Thượng nghị sĩ John McCain chia sẻ, “Mỹ phải bảo vệ giá trị phổ quát, pháp trị, kinh doanh mở cửa và tôn trọng nhân quyền”, nếu không phải là Mỹ, ai sẽ làm như vậy đây? “Chắc chắn không phải là kẻ độc tài muốn nắm quyền cả đời”.
Về việc sửa đổi Hiến pháp lần này của Trung Quốc, Đài BBC cũng dẫn lời của ông Lại Nhạc Khiêm, học giả Chính trị Quốc tế và hai bờ eo biển Trung Quốc – Đài Loan, hiện công tác tại Đại học Shih Chien (Đài Loan) cho biết, việc thiết lập chế độ chính trị như thế này của phía Trung Quốc, có thể để cho người chấp chính không bị hạn chế về thời gian nhậm chức để yên tâm thực hiện các chính sách lâu dài, quyết định này là “lợi nhiều hơn hại”.
Hãng tin AP (Mỹ) cũng dẫn phân tích của nhà bình luận chính trị Hồ Tinh Đẩu nói, mặc dù ông Tập Cận Bình cần thời gian dài hơn 2 nhiệm kỳ để thực hiện kế hoạch của mình, nhưng Trung Quốc không có quá nhiều khả năng để trở lại thời đại nguyên thủ quốc gia nhậm chức cả đời.
Theo Trithucvn