Ô nhiễm nhà máy giấy: Dân kêu cứu, trùm túi ni lông… đi ngủ
Trong suốt nhiều ngày nay, cuộc sống của các hộ dân sống tại xã Phú Hữu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì phải chịu đựng ô nhiễm không khí từ nhà máy Giấy Lee & Man cách đó khoảng 200m.
Bụi than, mùi hôi thối khó chịu
Được biết, kể từ ngày 10/3 vừa qua, khi nhà máy này vận hành lại, người dân bắt đầu phải chịu đựng chất thải bụi than và mùi hôi thối khó chịu, khiến cho cuộc sống đảo lộn hoàn toàn.
Bà Phạm Thị Quế Khâu (64 tuổi, người dân ở ấp Phú Xuân) cho biết, ban đêm khi ngủ, mùi hôi thối bốc lên như ở hầm cầu khiến cả gia đình bà và nhiều hộ xung quanh không thể chịu nổi.
Mùi hôi và khói bụi này khiến người dân bị “ám ảnh” cả trong giấc ngủ. Bà Trần Thị Thúy Hồng (49 tuổi, sinh sống cách nhà máy một con sông) cho biết, nhà bà chịu không được, đóng cửa lại vẫn bị hôi, thậm chí đi ngủ phải bịt cả khẩu trang.
Bà Trần Thị Dung (50 tuổi, sống cách nhà máy giấy Lee&Man khoảng 150m) thì than thở, từ khi nhà máy vận hành thử đến nay, cuộc sống của gia đình bà rơi vào “bi kịch”. Bà Dung nói, nhà máy mới vận hành thử vài ngày đã xuất hiện bụi than và mùi hôi thối nồng nặc.
Theo lời phàn nàn của bà Dung, cả ngày cửa nhà đóng im ỉm, không dám mở ra mà ngày nào bà cũng quét ra một đống bụi than, vậy nên gia đình bà rất lo lắng.
Nhà bà Dung có 11 bè nuôi cá diêu hồng gần Nhà máy Lee & Man, trung bình mỗi lứa cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhưng vì lo lắng nguồn nước bị ô nhiễm làm cá chết nên gia đình bà không dám thả cá nuôi dưới bè. Nhiều người dân trong xã cũng không dám tiếp tục sử dụng nước sông để sinh hoạt.
Cùng cảnh ngộ với gia đình bà Dung, ông Trần Văn Long cho biết, người dân nơi đây phải đóng kín cửa để tránh mùi hôi thối. Buổi tối đi ngủ ông phải lấy túi nilông trùm kín mặt để chống lại mùi hôi thối khó chịu.
Gửi đơn thư kêu cứu
Trước tình trạng ngày càng nghiêm trọng, người dân trong vùng đã nhiều lần lên UBND thị trấn để phản ánh, yêu cầu nhà máy giấy Lee&Man sớm khắc phục mùi hôi thối và khói bụi. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh, huyện có kế hoạch giải phóng mặt bằng, di dời các hộ dân sinh sống gần khu vực nhà máy đi nơi khác, tuy nhiên UBND chỉ ghi nhận ý kiến để báo lên cấp trên.
Ông Ngô Mộng Thu (một người dân khác ở địa phương) than thở, người dân ở đây chỉ còn nước bỏ đi nơi khác sinh sống thì mới mong tránh được ô nhiễm.
Ông Trần Thanh Phong (Phó chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm) xác nhận, có khoảng 50 hộ dân, chợ và hơn 500 em học sinh tiểu học bị ảnh hưởng mùi hôi từ nhà máy giấy. Bên cạnh đó, nhiều nhân viên đang làm việc tại UBND thị trấn cũng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm.
Ông Tống Hoàng Khôi (chủ tịch UBND huyện Châu Thành) cho biết, ông có nghe thị trấn Mái Dầm báo cáo vấn đề người dân sống gần Nhà máy Lee & Man phản ảnh tình trạng ô nhiễm. Theo ông Khôi, huyện đã cử người tham gia đoàn giám sát hoạt động của nhà máy này. Tuy nhiên, kết quả thế nào địa phương chưa nắm được.
Nhà máy giấy của công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam là nhà máy được xem là có quy mô lớn nhất Việt Nam và nằm trong số 5 nhà máy giấy lớn nhất thế giới, dự án này được xây dựng trong cụm công nghiệp tập trung ở tỉnh Hậu Giang (nằm cạnh sông Hậu) và có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, thời điểm năm 2016, người dân ở Hậu Giang, Cần Thơ và các tỉnh lân cận lo ngại khi nhà máy giấy này đi vào hoạt động mỗi năm sẽ thải khoảng 28.500 tấn xút (NaOH) ra sông Hậu, gây tác động xấu đến môi trường. Sau đó, tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã quyết định thành lập đoàn thanh tra đối với nhà máy Lee&Man tại Hậu Giang.
Bảo An tổng hợp