Nha khoa thời trung cổ với kỹ thuật tiên tiến xuất hiện từ 9.000 năm trước
Khi nghiên cứu trên các khu tàn tích cổ, người ta đã chứng minh được những kỹ thuật tiên tiến về nha khoa thẩm mỹ đã có mặt trên địa cầu từ rất lâu.
Kỹ thuật nha khoa, theo nhiều hình thức khác nhau, đã được con người sử dụng trong ít nhất 9.000 năm qua. Bên cạnh các biện pháp điều trị nhức răng, người xưa thậm chí còn có thể tiến xa hơn nữa trong lĩnh vực y học này.
Bằng chứng về sự xuất hiện nha khoa sớm nhất thuộc về nền văn minh thung lũng Indus, vào khoảng năm 7000 TCN. Các di chỉ ở Pakistan đã tiết lộ nhiều hoạt động điều trị các bệnh rối loạn răng miệng. Chúng được thực hiện bởi những thầy thuốc có tay nghề khá cao. Các kết quả thu được từ phương pháp tạo hình răng miệng cổ xưa cũng khá hiệu quả và đáng tin cậy.
Bên cạnh đó, bằng chứng lâu đời nhất về kỹ thuật khoan răng đã được tìm thấy vào năm 2012 tại Slovenia. Đó là một xương hàm 6.500 tuổi có một khoang nhân tạo khá sâu và được lấp đầy bằng sáp ong. Các nhà khoa học không chắc chắn về hiệu quả nhưng sáp ong thực sự có thể làm giảm các triệu chứng đau và sưng tấy.
Nha khoa ở Ai Cập cổ đại
Các tài liệu lịch sử cho thấy người Ai Cập cổ đại đã biết vệ sinh và thực hiện các thủ thuật trên răng. Trong văn tự bằng giấy cói có tên Edwin Smith được viết vào thế kỷ 17 TCN, có viết về một số phương pháp chữa trị bệnh nha khoa. Bênh cạnh đó, cuốn Ebers từ thế kỷ 16 TCN cũng có ghi chép về 11 công thức nấu ăn tốt cho răng miệng. Bốn trong số đó là các biện pháp khắc phục cho những chiếc răng trong tình trạng lung lay. Chúng được cho là có chứa một hỗn hợp gần giống với composite trong nha khoa hiện nay.
Qua hóa nghiệm người ta phát hiện hỗn hợp này được làm từ lúa mạch trắng (một chất làm đầy), trộn với mật ong và chất sát trùng làm từ bột son vàng. Đây là một hoạt chất làm đầy có tác dụng giống như một thanh nẹp để giữ cho răng được cố định tại chỗ. Khi các nhà khoa học tiến hành chụp CT trên đầu một xác ướp Ai Cập 2.100 năm tuổi, họ cũng đã tìm thấy một số lỗ khoan có lót thêm vải lanh, có thể trước đó tấm vải này đã được ngâm trong hỗn dịch nước ép sung hoặc tinh dầu tuyết tùng.
Hesi-Re là nha sĩ đầu tiên của Ai Cập và thế giới cổ đại. Ông còn là một nhà chính trị, nhà thơ từng sinh sống vào triều đại thứ ba của Ai Cập, tức là vào khoảng năm 1600 TCN, dưới thời pharaoh Djoser. Ông được miêu tả với các danh hiệu như “Nha sĩ, bác sĩ hàng đầu”, “Thầy thuốc răng miệng”, một cận thần của đức vua. Ông là người đầu tiên ghi nhận các bệnh lý nha chu.
Thời đó, các nha sĩ thường bọc vàng vào những cây răng hư hỏng hoặc đính các cầu nối bằng vàng xung quanh răng. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu chưa rõ là số vàng đó có bị thu hồi sau khi chủ nhân của chúng qua đời hay không?
Người Maya là những bậc thầy của nha khoa thẩm mỹ. Họ đã biết cách tạo những lỗ tròn trên răng và đính lên đó những viên đá quý như ngọc bích. Trên các lỗ này có bôi một chất kết dính với thành phần chính là nhựa cây trộn với các hóa chất khác và bột xương. Hơn thế nữa, những nha sĩ Maya cổ đại có thể đã nắm vững kiến thức về giải phẫu răng miệng nên khi khoan răng, họ hoàn toàn không để phạm vào phần tủy.
Nha khoa thời trung cổ
Trong thời Trung Cổ và suốt thế kỷ 19, nha sĩ không phải là một nghề riêng biệt, và các thủ thuật nha khoa thường được thực hiện bởi thợ cắt tóc hoặc bác sĩ đa khoa. Thợ cắt tóc thường rất hạn chế nhổ đối với răng đang đau hoặc viêm nhiễm mãn tính.
Trong những năm 1400, răng giả dường như đã khá giống với răng giả hiện nay. Những răng giả này được làm từ xương động vật hoặc ngà voi được cắt gọt, cũng có một số được lấy từ răng người. Những tên trộm mộ thường đánh cắp răng của những người mới qua đời hoặc người nghèo sẽ tự lấy răng mình để bán cho nha sĩ. Các loại răng giả này thường không đẹp và cũng không ổn định, sau một thời gian sẽ bị thối rữa.
Dù ở thời kỳ nào, nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của con người vẫn không hề thay đổi. Tuy nhiên, điều bất ngờ là con người cổ đại đã có hiểu biết về chăm sóc răng miệng cũng như nha khoa thẩm mỹ ở trình độ khá cao. Và những điều này chính là một phần trong các thành tựu khoa học kỹ thuật của nhân loại trong quá khứ.
Hoàng An