Những tư duy ngụy biện kỳ quặc thường chỉ có ở người Việt (P.2)

27/07/22, 14:48 Góc Nhìn

“Ngụy biện” là khái niệm dùng để chỉ một loại lập luận trong giao tiếp, tưởng chừng đúng nhưng thực chất lại là sai, bề ngoài thì chặt chẽ nhưng thật ra rất phi logic, khiến người nghe lẫn lộn không phân biệt được thật giả, từ đó khóa miệng người khác, khiến nhiều người không biết phải đối đáp ra sao…

Lập luận ngụy biện bề ngoài thì chặt chẽ nhưng thật ra rất phi logic. (Ảnh qua Trithucvn.org)

Tiếp theo Phần 1.

“Không có Nhà nước thì chúng ta có ngày hôm nay không?”

Ngày nay rất nhiều người Việt lẫn lộn các khái niệm “lãnh thổ”, “dân tộc”, “nhà nước”, “chế độ”, “lãnh đạo”, “đảng cầm quyền”,… với nhau. Đa số người còn xem những khái niệm này là một, nhưng thật ra chúng rất khác nhau. Sự lẫn lộn này không chỉ ở trong tư tưởng mà còn trong cả lời nói và hành vi của người Việt. 

Ví dụ nhiều người nói rằng đảng cầm quyền là đại diện cho quốc gia và dân tộc, vì vậy hễ có cách nghĩ không giống với đảng cầm quyền thì là kẻ phản bội; cũng có người lập luận rằng việc thực hiện nhiệm vụ mà nhà lãnh đạo giao phó, bất kể đúng sai, là đang trung thành với Tổ quốc,… thực chất những cách lập luận này đều trái đạo lý thông thường.

“Lãnh đạo” và “nhà cầm quyền” có thể cai quản đất nước, nhưng họ không thể hoàn toàn đại diện cho dân tộc được. Lịch sử của dân tộc chúng ta và nhiều dân tộc khác trên toàn thế giới, từ xưa tới nay luôn là một triều đại nối tiếp một triều đại, vua này trị vì rồi lại đến vua khác, cũng như Nguyễn Trãi đã từng viết: “Từ Triệu Đinh Lý Trần bao đời gây nền độc lập; Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.” trong Bình Ngô Đại Cáo. Đây chính là lời tuyên bố hào hùng trong Sử Việt, minh chứng rằng nước Việt ta trải qua ngàn năm truyền thừa cũng không thua kém gì Trung Quốc, mỗi thời mỗi đại đều đối ứng có một Vương triều ra đời.

Sự xuất hiện của các triều đại, minh quân, danh nhân kỳ tài đều là điều tất nhiên ứng với các thời kỳ lịch sử khác nhau, cổ nhân cho rằng đây là Thiên mệnh an bài như vậy. Kể cả theo Triết học biện chứng, người ta cũng nhìn nhận rằng khi lịch sử phát triển đến một giai đoạn thì ắt sẽ có một sự kiện tương ứng phát sinh, dù người này không làm thì cũng sẽ có người khác làm, dù không xuất hiện vĩ nhân này thì cũng sẽ xuất hiện vĩ nhân khác, đây là thời thế tạo nên. 

Những vị ấy đời đời nối tiếp nhau mà xây dựng văn hóa và bản sắc cho dân tộc Việt Nam. Mặc dù họ xứng đáng nhận được sự tôn kính của hậu thế, nhưng không người nào trong họ có thể đại diện cho dân tộc được, chính họ cũng chỉ là một phần của dân tộc, là nắm phù sa trong dòng sông lịch sử, trước họ đã có nhiều vĩ nhân, sau họ cũng sẽ còn nhiều vĩ nhân khác nữa. Giả tỷ không có họ thì dân tộc cũng vẫn sẽ sản sinh ra nhân tài khác, sẽ phát triển theo hướng khác, chứ không thể nào chỉ vì mất đi họ mà dân tộc bị tuyệt diệt được.

Nước Đại Việt mỗi đời đều có nhân tài, không thể chỉ vì mất đi một người hoặc một chế độ mà dân tộc bị tuyệt diệt được. (Ảnh qua Trithuc.org)

Nhà cầm quyền cũng vậy, lịch sử Đại Việt 4000 năm đã chỉ rõ cho chúng ta rằng: Khi một triều đại không còn tốt nữa, ví dụ xuất hiện nhiều tham quan ô lại, người cầm quyền chỉ biết vui thú hưởng lạc, đời sống nhân dân cực khổ,… thì nhiều thiên tai và nhân họa sẽ diễn ra khắp nơi, dẫn đến kết cục cuối cùng là Vương triều cũ sụp đổ, liền sau đó sẽ có Vương triều mới ra đời thay thế nó. Các Vương triều hoặc nhà cầm quyền thường bắt người ta phải tung hô “vạn tuế”, “muôn năm”, nhưng thực tế làm gì có người hoặc chính quyền nào cai trị đất nước được “muôn năm”?

Do đó những cách lập luận như là “không có nhà cầm quyền thì không có đất nước”, “không có lãnh đạo thì không có chúng ta”, “phản đối lãnh đạo là phản bội dân tộc”,… đều là những tư duy ngụy biện, khiến người ta hiểu lầm rằng “nhà nước” và “dân tộc” là một, nhưng đây là những khái niệm khác nhau hoàn toàn.

Thật ra linh hồn thật sự của một dân tộc cũng không phải “lãnh thổ” hay “đất nước”, mà chính là văn hóa của dân tộc đó. Người Do Thái suốt 2000 năm không có lãnh thổ, nhưng toàn thế giới vẫn nể phục trí tuệ sâu sắc của họ và biết rằng họ là dân tộc Do Thái, đó là vì họ bảo vệ rất tốt văn hóa truyền thống của dân tộc mình, không để nó mai một đi. 

Người Việt chúng ta cũng đã từng sinh sống ở những vùng đất khác nhau, nước Việt có hình dạng như ngày hôm nay bất quá chỉ mới hai ba trăm năm lịch sử. Nhưng chúng ta vẫn biết mình là người Việt vì chúng ta nói tiếng Việt và có văn hóa truyền thống của người Việt, điều này là do các thế hệ đi trước đời đời truyền lại và kế thừa, chứ không phải do riêng một nhà cầm quyền nào tạo ra cả. 

“Im lặng mà sống mới là người thông minh!”

Chúng ta thường nghe qua câu ngạn ngữ “Im lặng là vàng”, ngày nay nhiều người Việt cũng thường dùng cách nói này, chẳng hạn như người ta cho rằng: “Im lặng mới là cách sống khôn khéo! Mình chỉ lo việc của mình, ai có ra sao hay xã hội có thế nào thì cũng chẳng can dự gì đến mình, đừng nhiều chuyện làm gì!” Thật ra đây là một hình thức của ngụy biện, đã bóp méo ngữ nghĩa của từ “im lặng”.

Trong câu “Im lặng là vàng”, cái “im lặng” được nhắc tới chính là khuyên người ta đừng gây điều tiếng thị phi, đừng nói những lời làm khó dễ hoặc tổn thương người khác, đừng nói xấu người khác sau lưng hoặc xúi bẩy kích động ai đó đấu đá với nhau. Câu này cũng có ý khuyên rằng trong quan hệ giữa người với người thì nên khoan dung và độ lượng với nhau hơn, nếu có phát sinh mâu thuẫn thì nên nhanh chóng im lặng, mỗi người lùi một bước, đừng đẩy tới cực đoan mà khiến sự việc không thể vãn hồi được. “Im lặng” ở đây là chỉ sự khoan dung, nhẫn nại và tu dưỡng tâm tính của một con người.

Còn cái “im lặng” trong lập luận ngụy biện kia nói thẳng ra chính là xuất phát từ tâm lý gian xảo và ích kỷ. “Im lặng khôn khéo” mà họ nói, là chỉ biết tới bản thân mình chứ không để ý tới ai, không quan tâm đến người xung quanh hay thậm chí là vận mệnh của đất nước. Nhìn thấy người tốt bị làm hại hoặc chịu oan khuất cũng không lên tiếng, nhìn thấy có kẻ xấu cậy quyền thế ức hiếp người khác cũng mặc kệ, nhìn thấy có kẻ bòn rút công quỹ hoặc nhận hối lộ cũng không để tâm, thậm chí cảnh giết người phóng hỏa diễn ra trước mắt cũng làm như không thấy,… trong lòng cũng biết những điều này không tốt, nhưng vì sợ bị liên lụy nên không dám xen vào, thậm chí còn dương dương tự đắc cho rằng đây là “thông minh”.

Ngụy biện có thể bóp méo hàm nghĩa của từ ngữ. (Ảnh qua jobsgo.vn)

Thật ra điều này không phải “thông minh” mà là “gian trá”, thậm chí thiếu chính kiến, lập trường Thiện ác không rõ ràng. Những người nghĩ như vậy, gió chiều nào sẽ ngả theo chiều đó, nếu chính nghĩa chiếm lợi thế thì họ nói theo chính nghĩa, còn nếu tà ác đắc thắng thì sẽ đứng về phía tà ác, vô cùng gian xảo.

Trong tác phẩm “Thần khúc” nổi tiếng của Dante có đề cập đến cuộc nổi loạn trên Thiên Đường của Lucifer chống lại Thiên Chúa, câu chuyện này có ý nghĩa rất sâu sắc. Lúc bấy giờ các Thiên Thần chia ra làm ba nhóm, nhóm thứ nhất trung thành với Chúa, nhóm thứ hai đi theo Lucifer, và nhóm thứ ba chỉ khoanh tay ngồi nhìn không đứng về phía ai. Kết cục của trận chiến, Lucifer và những kẻ theo y làm điều ác bị đuổi xuống địa ngục. Nhưng còn hơn thế nữa, chính là nhóm Thiên Thần thứ ba – “những kẻ sống không hèn nhưng chẳng dám khen chê” – đây là những Thiên Thần mà ngay cả địa ngục cũng không dung chứa, không có bất kỳ nơi nào để đi, hoàn toàn vô vọng. 

Theo Dante, họ mới là những Thiên Thần thảm thương nhất! Dù họ không làm điều ác, nhưng so với những Thiên Thần độc ác đi theo Lucifer thì họ còn xấu xa hơn, vì vậy sự trừng phạt dành cho họ chính là “mất đi hy vọng”. Đây cũng là một lời nhắn gửi với con người ngày nay rằng: “Làm điều ác là có tội. Nhưng im lặng trước cái ác, không dám đưa ra lựa chọn Thiện ác, chưa chắc đã vô tội”.

“Tự do ngôn luận có đổi được cơm không?”

Một lập luận khác liên quan đến tranh luận trong các vấn đề thời sự mà người Việt cũng thường sử dụng đó là: “Tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhân quyền, dân chủ,… là cái gì vậy? Nó có đổi được cơm ăn hay không?” 

Chẳng hạn khi có người cảm thấy mình không có đủ quyền lợi đáng có của một công dân, hoặc là có oan khuất gì đó, hoặc là muốn đòi công bằng cho người khác, nhưng tiếng nói của họ lại không được công luận lắng nghe mà còn bị chỉ trích, thì họ liền đứng ra đòi các cấp lãnh đạo phải thực hiện quyền tự do ngôn luận, cho phép mọi người đều được trình bày ý kiến và hoàn cảnh cá nhân. Lúc bấy giờ liền có một số người (kể cả lãnh đạo) phản bác rằng: “Tự do ngôn luận có quan trọng bằng cơm ăn hay không? Ông thử đi hỏi một người lao động, hỏi bác nông dân xem, bác ấy cần ăn cơm hay cần tự do ngôn luận?”

Lối so sánh khập khiễng và cưỡng từ đoạt lý này đôi lúc cũng khiến người ta khó mà đáp lại được. Kỳ thực lập luận này đang đánh lừa người nghe: Đem một thứ hữu hình rất cụ thể mà ai cũng biết và ai cũng cần là “cơm gạo”, để so sánh với “tự do ngôn luận” vốn là một khái niệm có vẻ trừu tượng và mơ hồ.

Thực tế thì có nhiều người dân bình thường hoặc những người lao động phổ thông, họ phải vất vả mưu sinh quanh năm mà vẫn chưa đủ ăn đủ mặc, nên hầu như không có thời gian để tiếp cận thời sự và các tri thức. Vì vậy họ không thật sự hiểu “tự do ngôn luận” là gì, hoặc hiểu sai ý nghĩa của nó, cho rằng đây là “chống phá chế độ” hay “đặt yêu sách với Nhà nước”. Trong khi đó “cơm gạo” là thứ rất thiết thực đối với cuộc sống hằng ngày, nên câu nói này dễ khiến người ta lầm tưởng rằng “cơm gạo” thì quan trọng, còn “tự do ngôn luận” thì không. Đây là do người nói làm lẫn lộn tư duy của người nghe.

Người nói có thể làm tư duy của người nghe bị lẫn lộn. (Ảnh qua Cafef)

Bây giờ nếu chúng ta đổi cách nói, thay vì dùng khái niệm “tự do ngôn luận” một cách mơ hồ, hãy thử hỏi người lao động, hỏi bác nông dân rằng: “Bác có từng phải chịu thiệt thòi vô cớ, như là bị phạt khi đi đường mà không biết mình đã vi phạm luật gì, hoặc phải đóng những thứ thuế mà chính bác cũng không biết nó từ đâu đến? Hay bác có muốn đóng góp ý kiến cho Nhà nước để Nhà nước giúp đỡ đời sống của bác và bà con nông dân được tốt hơn? Hiện nay đường xá Việt Nam có nhiều ổ gà ổ voi, mưa xuống thì ngập, môi trường ô nhiễm, trộm cướp hoành hành,… và còn rất nhiều tệ nạn bất công khác nữa, nếu có cơ hội bác có muốn mang những bức xúc trong lòng mình trình bày với các cấp lãnh đạo không? Hay là bác chấp nhận chịu tất cả thiệt thòi, chỉ cần có cơm ăn là đủ rồi?”

Với một cách nói cụ thể và rõ ràng, thì không khó để bác nông dân hoặc người lao động hiểu ra vấn đề, khi đó họ có thể sẽ nói: “Con người chúng ta hơn con vật ở chỗ chúng ta biết nói, biết diễn đạt cảm xúc của mình, tôi đương nhiên là muốn nói rồi. Nhưng tôi sợ nên không dám nói, nếu được quyền nói thì tôi tất nhiên phải mang ấm ức trong lòng nói ra hết chứ!” – Tức là lúc này tư duy của người ta không bị mơ hồ nữa, họ đã hiểu tự do ngôn luận cần thiết thế nào cho cuộc sống và họ hầu như sẽ đưa ra lựa chọn sáng suốt. Vấn đề không phải do người nghe ngu muội mà do người nói đã cố ý ngụy biện.

Những lập luận trên đa phần xuất phát từ tâm lý cực đoan cố chấp, chủ yếu là do ảnh hưởng của nền giáo dục theo lối tuyệt đối hóa. Người Việt chúng ta từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã quen với việc phải tiếp thu kiến thức một cách cứng nhắc bị động, chẳng hạn trong Văn học thì không được nêu cảm nghĩ của mình mà phải nêu những gì sách giáo khoa áp đặt, trong Lịch Sử thì bị buộc phải tôn vinh ai đó là thiên tài vĩ đại, thậm chí kể cả trong các môn Khoa học Tự nhiên cũng phải làm bài tập theo cách mà sách giáo khoa hướng dẫn, làm khác đi thì dù đúng cũng không có điểm,… 

Điều này lâu dần khiến chúng ta hình thành những cách nghĩ cực đoan ngoan cố, chỉ cho rằng những gì mình được học trong sách giáo khoa mới là đúng, không hề nghi ngờ hoặc có suy nghĩ khác đi. Khi ai đó nói khác với điều chúng ta được học, thì thay vì dùng lý trí để đánh giá xem lời của họ hợp lý hay bất hợp lý, thì chúng ta lại bài xích nó theo bản năng, rồi viện đến những lập luận ngụy biện trên để khiến người khác không thể tiếp tục nói. 

Do đó, chúng ta trước tiên cần thay đổi cách nghĩ của mình, mở rộng lòng ra, không ngừng tiếp thu những tri thức mới và ý kiến mới của người khác, thì mới có thể dần thoát khỏi cái khung chật hẹp đang kìm hãm tư tưởng của chúng ta.

(còn nữa)

Thế Di

Ad will display in 09 seconds

Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

Ad will display in 09 seconds

Vì sao Phật chỉ nhận cúng dường của cô gái nghèo

Ad will display in 09 seconds

Vì sao kẻ đồ tể lại được về đất Phật ?

Ad will display in 09 seconds

Ý nghĩa của "Ba nén hương" và "Vái ba vái" khi lễ Phật

Ad will display in 09 seconds

Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

Ad will display in 09 seconds

Khoa học đã lừa gạt chúng ta như thế nào?

Ad will display in 09 seconds

Bí ẩn dự án du hành thời không Montauk

Ad will display in 09 seconds

Linh dược Hỷ Lai Chi - Tặng phẩm của Phật Dược Sư thời Mạt Pháp

Ad will display in 09 seconds

Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói đời là bể khổ, Phật đà khai thị 4 điều này

  • Vì sao không làm việc gian dâm nhưng  vẫn bị Thần trách phạt?

    Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

  • Vì sao Phật chỉ nhận cúng dường của cô gái nghèo

    Vì sao Phật chỉ nhận cúng dường của cô gái nghèo

  • Vì sao kẻ đồ tể lại được về đất Phật ?

    Vì sao kẻ đồ tể lại được về đất Phật ?

  • Ý nghĩa của "Ba nén hương" và "Vái ba vái" khi lễ Phật

    Ý nghĩa của "Ba nén hương" và "Vái ba vái" khi lễ Phật

  • Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

    Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

  • Khoa học đã lừa gạt chúng ta như thế nào?

    Khoa học đã lừa gạt chúng ta như thế nào?

  • Bí ẩn dự án du hành thời không Montauk

    Bí ẩn dự án du hành thời không Montauk

  • Linh dược Hỷ Lai Chi - Tặng phẩm của Phật Dược Sư thời Mạt Pháp

    Linh dược Hỷ Lai Chi - Tặng phẩm của Phật Dược Sư thời Mạt Pháp

  • Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

    Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

  • Vì sao nói đời là bể khổ, Phật đà khai thị 4 điều này

    Vì sao nói đời là bể khổ, Phật đà khai thị 4 điều này

x