16 thói quen nấu ăn rước họa bạn đã biết chưa
Trước khi nấu bất cứ món gì chúng ta cũng rửa sạch thực phẩm, thế nhưng bạn có biết rửa thịt gà trước khi nấu lại gây hại nhiều hơn lợi.
Bài trắc nghiệm này sẽ giúp bạn có một cái nhìn toàn diện về đúng sai trong cách nấu ăn, theo các trang Ncagr, Rbkc, Webm, foodsafety…
1. Loại thực phẩm nào không nên rửa trước khi nấu?
Đáp án đúng là tuyệt đối không rửa thịt gà
Một sai lầm hầu hết chúng ta đang làm mỗi ngày là rửa thịt trước khi chế biến. Song theo các nhà nghiên cứu, rửa thịt, đặc biệt thịt gia cầm sẽ gây nguy hiểm hơn nhiều so với việc cho thẳng vào nồi nấu chín.
Tiến sĩ Jennifer Quinlan (Đại học Rutgers, Mỹ) nói, nếu rửa thịt chưa nấu, nhất là thịt gà, dễ lây lan vi khuẩn salmonella hoặc các vi khuẩn khác khắp nhà bếp, làm nguy cơ phát tán bệnh càng mạnh. Một số vi khuẩn gắn chặt đến nỗi chúng ta không thể rửa chúng dù làm nhiều lần. Tóm lại, nếu rửa thịt sẽ không nhận được bất kỳ lợi ích nào so với nấu ăn đúng cách, nhiệt độ đủ và đều.
2. Ăn thịt gà luộc còn đỏ bên trong có an toàn?
Trong thịt gà còn sống có chứa vi khuẩn salmonella và nhiều loại khác, rất dễ gây ngộ độc thức ăn. Các chuyên gia khuyến cáo thịt gà nên được nấu chín kỹ, không còn đỏ thịt hay xương.
3. Bít tết cắt ra còn đỏ ở bên trong có an toàn để ăn?
Món steak (bít tết) từ thịt bò, thịt cừu vẫn an toàn khi ăn tái. Vi khuẩn thường chỉ ở bên ngoài của miếng thịt. Vì thế chỉ cần nấu chín phần bên ngoài thì các loại vi khuẩn đã bị tiêu diệt.
Nhưng cách này không đúng với gia cầm, thịt lợn. Trong thịt gia cầm chứa nhiều vi khuẩn salmonella, chỉ có thể nấu chín hoàn toàn mới tiêu diệt được chúng.
4. Xúc xích chỉ cần rán qua hoặc nhúng qua nước sôi là an toàn để ăn?
Xúc xích, lạp xưởng được làm từ thịt và các nguyên liệu khác băm nhỏ nên vi khuẩn sẽ lan rộng khắp sản phẩm, không chỉ trên bề mặt. Điều này có nghĩa bạn cần phải nấu chín nó cả trong lẫn ngoài.
5. Không cần rửa các loại dưa vỏ dầy như dưa hấu, dưa lưới… trước khi ăn?
Hãy rửa sạch các loại quả, để ráo nước trước khi gọt vỏ. Bạn có thể dùng bàn chải chà vỏ dưa hấu, dưa chuột, dưa gang và dùng khăn sạch lau khô trước khi gọt vỏ.
Bạn thường bổ một quả dưa mà không cần rửa vì nghĩ rằng chỉ ăn bên trong hoặc gọt vỏ đi là được. Như thế là sai lầm.
Trong năm 2010 Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã khảo sát 4.500 người, gần như 100 % người được hỏi cho biết họ rửa cà chua trước khi nấu hoặc ăn chúng, nhưng chỉ có 51% nói rằng họ làm như vậy với dưa. Một năm sau đó, dưa bẩn đã gây ra dịch Listeria, làm chết 33 người và gây bệnh cho gần 150 người. Điều này cho thấy, tất cả các thực phẩm chưa nấu chín đều có vi khuẩn gây hại bên ngoài.
6. Thức ăn nấu trên bếp nào không diệt được hết vi khuẩn?
Lò vi sóng có thể làm chín thực phẩm nhưng làm chín không đều do nguyên lý tác động vào các điểm. Chính vì thế nó không thể tiêu diệt được mọi vi khuẩn. Các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng nhiệt kế thực phẩm để kiểm tra các điểm khác nhau khi nấu ăn trong lò vi sóng, sẽ giúp hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Còn dĩ nhiên, thức ăn nấu trên bếp gas hay bếp củi chỉ cần nấu kỹ đều tiêu diệt được hết các loại vi khuẩn.
7. Đánh giá thức ăn bị hỏng dựa trên yếu tố nào tin cậy nhất?
Đồ ăn đã chế biến có thể để chính xác là 4 ngày trong tủ lạnh với điều kiện được bảo quản trong hộp kín. Sau đó, vi khuẩn bắt đầu sinh sôi, ngay cả khi chúng ta không thể nhìn thấy hoặc ngửi thấy. Do vậy, mùi và màu sắc không phải là yếu tố tin cậy. Chỉ có thể căn cứ vào thời gian mới xác định đúng thực phẩm có còn an toàn để ăn hay không.
Tiến sĩ Jennifer Quinlan khuyên không bao giờ được hâm nóng thức ăn đã nấu hai lần và hãy bỏ chúng sau 3-4 ngày.
8. Cách rã đông thực phẩm nào an toàn nhất?
Không rã đông thực phẩm đúng cách là một trong những nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm tại Anh. Như chúng ta cũng biết, đông lạnh thực phẩm làm cho vi khuẩn “ngủ”, chứ không tiêu diệt được nó. Nếu để thực phẩm ngoài phòng cho tự tan đông, vi khuẩn sẽ sinh sôi. Còn lò vi sóng có chức năng rã đông, tuy nhiên nhiều chuyên gia khuyến cáo không nên dùng, bởi hành động rã đông khi đó cũng làm chín thực phẩm. Một số gia đình thường chọn cách rã đông qua nước lạnh, song cũng không đảm bảo an toàn.
Cách an toàn nhất là rã đông ở kệ dưới cùng trong ngăn mát tủ lạnh, để nó qua đêm, có bọc ngoài. Sử dụng một cái bát để hứng nước chảy ra. Luôn áp dụng cách này, chỉ trong trường hợp bất đắc dĩ bạn mới nên dùng tới lò vi sóng.
9. Thớt nào hạn chế được ngộ độc thực phẩm?
Trước đây từng có những nhận định thớt nhựa an toàn hơn thớt gỗ, nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy thớt gỗ an toàn hơn. Trong nghiên cứu của mình, giáo sư Dean O. Cliver, chuyên gia về an toàn thực phẩm tại Đại học California (Mỹ) đã cấy vi khuẩn salmonella lên thớt nhựa và thớt gỗ. Kết quả cho thấy với thớt gỗ, vi khuẩn sẽ bị hút xuống dưới các rãnh trên bề mặt thớt, nơi chúng không sinh sôi được nữa và thậm chí sẽ bị chết.
Nhưng thớt nhựa thì vi khuẩn không chết đi mà lắng đọng và bám dính trở lại. Áp dụng nghiên cứu của Cliver, cả Bộ Nông nghiệp Mỹ và Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đều khuyên người dân nên dùng thớt gỗ. Để an toàn hơn, nên dùng thớt riêng cho các mục đích sử dụng khi thái đồ sống, đồ chín. Và quan trọng nên vệ sinh thớt thường xuyên và khử trùng qua nước sôi khi thái đồ ăn chín.
10. Thức ăn rơi xuống sàn, bạn vẫn ăn được nếu nhặt nó lên ngay trong vòng?
Khi thức ăn rơi xuống và nhặt lên ăn, một số người Việt hay “biện hộ” cho hành động này bằng cách nói “Việt Nam có tính cần cù”. Một số cha mẹ mặc cho con nhặt đồ đã rơi xuống đất lên ăn. Hành động này rất nguy hiểm.
Các chuyên gia từng đưa ra quy tắc 5 giây hoặc 3 giây khi thức ăn rơi xuống sàn, nhặt lên trong thời gian này vẫn ăn được. Tuy nhiên, khi đi sâu vào nghiên cứu các mẫu pizza, táo hay bánh mỳ đều cho thấy nó bị nhiễm các mầm bệnh E.coli và salmonella, bất kể nó rơi xuống sàn nhà bao lâu. Vì vậy, ngay khi thức ăn bị rơi, vứt nó đi.
11. Mùa hè nhiệt độ trên 30 độ C, nên để đồ ăn thừa ngoài phòng tối đa bao lâu?
Bạn không thể để thức ăn đã nấu hoặc đồ ăn thừa bên ngoài nhiệt độ phòng nửa ngày mới cất vào tủ lạnh. Theo Viện Dinh dưỡng Mỹ, nếu nhiệt độ ngoài trời từ 32 độ trở lên, thức ăn chỉ giữ được an toàn một tiếng. Còn nếu dưới 30 độ C thì được tối đa 2 tiếng. Quá thời hạn đó, vi khuẩn bắt đầu sinh sôi.
Vì vậy, tốt nhất nên bỏ đồ ăn ngay khi nguội vào tủ lạnh. Vứt bỏ phần sát chỗ đã ăn có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.
12. Sau ngày hết hạn, sữa có thể uống được thêm trong bao lâu?
Thực tế sữa hết hạn vẫn uống tốt sau 5-7 ngày nữa, miễn là bạn mở nó ra uống và ngay sau đó đặt thẳng vào tủ lạnh, đảm bảo giữ ở nhiệt độ 3-4 độ C. Bạn có thể đông lạnh sữa, nhưng có thể làm thay đổi hương vị.
13. Cơm đã nấu không thể giữ được lâu như các đồ ăn thừa khác?
Các đồ ăn đã nấu có thể giữ được tối đa 4 ngày, nhưng cơm thừa chỉ nên ăn trong vòng 24 giờ, với điều kiện bảo quản lạnh. Hết thời gian này thì vứt bỏ nó.
Lý do bởi vì dù gạo có nấu chín vẫn không loại bỏ được vi khuẩn Bacillus cereus. Khi nấu xong không được làm lạnh hoặc hâm nóng đúng cách, vi khuẩn này sẽ nhanh chóng hoạt động gây ra ngộ độc thực phẩm.
14. Mùa hè nếu bị cúp điện nửa buổi thì đồ ăn trong tủ lạnh đã không còn an toàn?
Thực tế, khi bị mất điện, bạn cần hạn chế tối đa mở tủ lạnh. Một tủ lạnh chưa mở sẽ giữ thực phẩm được 4 -5 giờ sau khi cúp điện.
Ngăn đá có thể giữ lạnh lên đến 48 giờ, nếu nó đang chất đầy thực phẩm. Khi tủ đã mở hoặc có ít đồ ăn, nó giảm xuống còn 24 giờ. Bạn có thể căn cứ vào thời gian này để bố trí ăn thực phẩm sao cho hợp lý và tốt cho sức khỏe nhất.
15. Món sushi chế biến thế nào mới đảm bảo an toàn?
Món sushi (món ăn nổi tiếng của người Nhật) có thành phần chính là cơm trộn giấm, kèm với cá sống. Đa phần là an toàn nếu được chế biến theo đúng quy trình. Cụ thể, cá phải được bảo quản lạnh đông ngay từ khâu đánh bắt ở nhiệt độ -20 độ C trong vòng 7 ngày, hoặc làm lạnh ở nhiệt độ -35 độ C trong vòng 15 giờ. Với môi trường này mọi ký sinh trùng sẽ bị tiêu diệt.
Các cách còn lại là dùng cá tươi sống hoặc chấm mù tạt đều rất khó đảm bảo an toàn.
16. Trong một bữa tiệc buffet, các món nóng cần được giữ ấm ở nhiệt độ tối thiểu là bao nhiêu?
Món nóng cần phải được giữ ấm ở 60ºC. Có thể sử dụng nồi hâm chuyên dụng đốt cồn hoặc đèn hâm nóng điện để giữ nóng thức ăn trong suốt buổi tiệc với nhiệt độ an toàn như trên. Nên nhớ nguyên tắc không để thức ăn quá hai giờ đồng hồ để đảm bảo an toàn.
Theo vnexpress.net