Những tác động của vụ khủng bố 11/9 đến nước Mỹ
Vụ khủng bố ngày 11/9 của 13 năm trước đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của nước Mỹ và sẽ còn mãi mãi là “ngày đen tối” trong tâm trí người dân nước này.
Vụ tấn công vào Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) hôm 11/9/2001. Ảnh: Getty Images.
Hôm 11/9/2001, 19 tên không tặc cướp 4 máy bay Boeing chở khách và tấn công vào các địa điểm quan trọng của Mỹ, khiến khoảng 3.000 người thuộc hơn 90 quốc gia khác nhau thiệt mạng. Vụ tấn công đã giáng một đòn mạnh mẽ, làm chao đảo đất nước hùng mạnh nhất thế giới và khiến nó thay đổi.
Một nhà báo của DPR, người từng đưa tin về chiến tranh ở Việt Nam, nhận xét: “Người Việt Nam từng trải qua chiến tranh nên họ có thể bình tĩnh hơn. Nhưng người Mỹ chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp như thế này”.
Chính trị
Trước ngày 11/9/2001, các quan chức cấp cao của Mỹ không coi chủ nghĩa khủng bố hay chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan là ưu tiên hàng đầu. Sau “ngày đen tối”, tất cả mọi thứ đều thay đổi. Quốc hội Mỹ thông qua một loạt các chính sách cũng như đạo luật mới nhằm ngăn chặn mối đe dọa này.
Luật An ninh nội địa cùng với Bộ An ninh nội địa ra đời là một trong những thay đổi lớn nhất trong cơ cấu chính phủ Mỹ kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Bên cạnh đó, các nghị sĩ cũng phê chuẩn hoặc sửa một số luật khác như Luật Yêu nước, Luật Chống khủng bố, Luật Giám sát tình báo nước ngoài.
Tổng thống Bush thăm hỏi và động viên các nhân viên cứu hỏa ở thành phố New York hôm 14/9/2001. Ảnh: AP.
Quốc hội Mỹ trao nhiều quyền hơn cho bộ máy hành pháp và cho phép các cơ quan đó can thiệp sâu vào nhiều khía cạnh đời tư của người dân, bao gồm cả nghe trộm điện thoại cũng như đọc lén thư tín, đồng thời tăng cường xây dựng lực lượng quân sự và tình báo khiến chi phí quốc phòng tăng dần.
Chính sách đối ngoại và quốc phòng cũng bước vào “cuộc cách mạng”. Sau sự kiện 11/9, chính quyền Bush tiến hành ngay “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố”. Cuộc chiến không chỉ nhắm tới lực lượng Al Qaeda mà còn nhằm vào chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Washington chủ trương áp dụng chiến thuật đánh đòn phủ đầu, thứ khiến Mỹ “sa lầy” nhiều năm ở chiến trường Iraq và Afghanistan.
Bên cạnh đó, mối quan hệ của Mỹ với các nước khác cũng trở nên hòa nhã và đa phương hơn. Washington đẩy mạnh việc tăng cường liên kết đồng minh và quan hệ đối tác giữa các cường quốc cũng như thực hiện các hành động ngăn cản nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Kinh tế
Sau sự kiện 11/9, nền kinh tế Mỹ trở nên bấp bênh, tăng trưởng không ổn định. Hai cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq cộng với chi phí cho các biện pháp chống khủng bố trong nước khiến ngân sách quốc phòng và chi phí an ninh trong nước tăng một cách chóng mặt. Nhà Trắng đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách lớn.
Tình trạng bất ổn tại Trung Đông đẩy giá dầu và vàng lên cao chót vót, kéo theo sự tăng giá của nhiều loại hàng hóa khác, trong khi đồng USD lại giảm giá. Những động thái ấy tác động tiêu cực tới quá trình phục hồi kinh tế, biến nó thành một vòng luẩn quẩn dường như không thể chấm dứt.
Năm 2007, khủng hoảng tài chính bùng phát tại Mỹ và lan rộng. Hàng loạt tập đoàn lớn tuyên bố phá sản. Lòng tin của người tiêu dùng giảm mạnh, nền kinh tế Mỹ vốn đã rơi vào tình trạng suy thoái lại càng trở nên khó khăn hơn.
Xã hội
Thành phố New York chìm trong khói, bụi hôm 11/9/2001. Ảnh: Steffan Kaplan.
Sau vụ khủng bố 11/9, nhiều sự thay đổi lớn xuất hiện trong xã hội Mỹ. Người Mỹ lần đầu tiên hiểu ra rằng họ hoàn toàn không “miễn nhiễm” với chiến tranh hay các vụ khủng bố, dù quốc gia này gần như hoàn toàn “đứng ngoài” hai cuộc chiến tranh thế giới.
Người Mỹ trở nên cẩn trọng hơn bao giờ hết. Một “ngành công nghiệp chống khủng bố” ra đời. Từ các nhà ga, bến tàu, sân bay tới các địa điểm quan trọng khác, quy trình kiểm tra an ninh trở nên gắt gao hơn. Các kỹ năng đối phó với khủng bố xuất hiện trong các chương trình đào tạo, đặc biệt đối với ngành hàng không.
Các điều tra xã hội học cho thấy, sau thảm họa 11/9, người Mỹ trở nên quan tâm hơn tới cuộc sống gia đình và dành nhiều thời gian hơn để ở bên người thân. Họ đến nhà thờ cầu nguyện thường xuyên hơn và thể hiện lòng yêu nước nồng nàn hơn bằng việc treo quốc kỳ vào các ngày lễ trong năm.
11/9 mãi mãi là ngày đau thương của người dân nước Mỹ.
Tuy nhiên, vụ khủng bố cũng khiến dư luận coi thường và phân biệt đối xử với người Hồi giáo và người gốc Ả rập ở Mỹ. Theo thống kê của một số hiệp hội người Mỹ gốc Nam Á, trong một tháng sau thảm họa, khoảng 650 vụ tấn công người gốc Nam Á cũng như các nhà thờ Hồi giáo xảy ra trên khắp nước Mỹ. Cảnh sát, tòa án không điều tra hoặc xét xử nhiều vụ như vậy.
Theo Zing.news